Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Anh lính cảnh vệ cắt tóc 'tiết lộ' sân bay, vườn nghìn USD nhà nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

Hơn 20 năm cắt tóc cho Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, với ông Phạm Văn Hán, tình cảm với “Anh Phiêu” như người thân thích.

Là một trong 50 học viên đầu tiên trong số hơn 2.000 học viên trường Trung cấp Công an ở Bắc Kạn được lựa chọn để tham gia lực lượng cảnh vệ vào thời điểm năm 1968-1969, ông Phạm Văn Hán không ngờ, ngã rẽ này đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình.

Và ông càng không thể ngờ, niềm tự hào khi được khoác trên người bộ quân phục màu vàng, đeo súng đứng gác ở các điểm trọng yếu không kéo dài được bao lâu thì có sự thay đổi.

Đó là thời điểm bên cảnh vệ cần tìm người biết cắt tóc và ngay lập tức cái tên Phạm Văn Hán được nhắc đến vì cậu thanh niên này có sở thích cắt tóc cho anh em đồng đội.

"Cắt tóc là công việc được Đảng phân công"

Những ngày đầu tiên khi được điều về tổ cắt tóc của Lực lượng cảnh vệ, cậu thanh niên 20 tuổi không cảm thấy vui khi đã thích được khoác trên người bộ quân phục màu vàng, đeo súng ngắn hơn là công việc luôn phải tiếp xúc với những người lớn tuổi.

Tuy nhiên, xác định đây là công việc được “Đảng phân công” nên “khi đã nhận nhiệm vụ là làm hết trách nhiệm”, cậu thanh niên Phạm Văn Hán hứa với người phụ trách của mình và bắt tay vào học nghề. Với sự nhanh ý và chút hoa tay “trời cho”, Phạm Văn Hán được chính thức giữ lại làm “anh lính chuyên cắt tóc” cho các vị trong Bộ Chính trị, Trung ương và khách quốc tế.

Nhờ có cái tâm khi làm việc, ông Phạm Văn Hán may mắn được cắt tóc gần như đủ hết các vị đứng đầu của Đảng, Nhà nước, Chính phủ: đó là Tổng Bí thư Lê Duẩn, Trường Chinh, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Tổng Bí thư Đỗ Mười, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết… Có những người ông chỉ cắt được vài lần mỗi năm.

Vị khách đặc biệt và câu nói quen thuộc “Cứ để tóc đấy tớ tự quét”

Cắt tóc cho rất nhiều vị “khách VIP”, nhưng với ông Hán, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Thủ tướng Phạm Văn Đồng là 2 người mà trong thâm tâm, ông Hán luôn dành một sự kính trọng đặc biệt. Tổng Bí thư và Thủ tướng là lãnh đạo cao cấp, nhưng khi tiếp xúc, ông cảm nhận được ở họ sự gần gũi, cởi mở, chân thành.

Với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, tính đến nay, ông Hán đã có hơn 20 năm cắt tóc cho “vị khách” này. “Cắt cho cụ Phiêu thường mất hơn 1 tiếng, vừa cắt vừa nói chuyện, chuyện chiến trường, chuyện đi chiến đấu bị thương, rồi chuyện ngoài xã hội, lần nào cũng thế chuyện này nối chuyện kia, hai anh em không bao giờ hết chuyện.

Trong những câu chuyện đó, tôi cảm nhận rất rõ sự chân thật toát ra từ con người đã từng đi qua chiến tranh như ông.

Tôi cảm nhận ông tin tưởng mình như anh em, người thân. Mỗi lần đi công tác xa về, thế nào ông cũng có quà, khi chai nước mắm, lúc chục quả xoài, mấy cân chôm chôm. Có lần đi công tác Campuchia, có mấy con cá quả nướng ông cũng dặn bảo vệ chia cho mọi người nhưng không quên nhắc “để cho Hán một con”.

Là lãnh đạo cao cấp nhưng ông Phiêu không bao giờ thể hiện sự quan cách với những anh em giúp việc. Ông Hán nhớ, mỗi lần cắt tóc xong luôn nghe được câu nói quen thuộc của ông Phiêu: “Cứ để tóc đấy tớ tự quét”, rồi ông tự cầm chổi quét dọn đám tóc mặc dù anh thợ cắt tóc nằng nặc bảo để mình làm.

Những lúc anh em nói chuyện vui, có lần ông Hán hỏi tếu táo “em nghe người ta nói anh có khu vườn nghìn đô, trên nóc nhà anh còn có cả sân bay?”. Ông Phiêu cười khà khà, đáp lại: “Kia sân bay kia. Bộ Quốc phòng họ làm bên kia nhưng người ta lại bảo nhà tớ làm sân bay trên nóc nhà”.

Rồi ông Phiêu đích thân dẫn ông Hán dẫn lên thăm khu vườn “nghìn đô” theo lời đồn. Trước mắt ông Hán, là khoảnh sân khoảng 20m trông cũng giống như những vườn rau trên sân thượng của nhiều gia đình khác với vài cái vòi phun nước cùng các loại cây “nghìn đô” là su hào, bắp cải, xà lách, nấm rơm, rau thơm…

 

Cắt tóc là công việc được Đảng phân công. Khi đã được giao thì tôi sẽ làm hết trách nhiệm.

Ông Phạm Văn Hán

Lần khác ông Hán lại hỏi “nghe người ta đồn anh có cả trống đồng kiểu nhà vua?”, ông Phiêu bảo: “Tớ về Thanh Hóa, được mấy ông đoàn thanh niên tặng cho cái trống đồng, còn 2 cái ngà voi là bên Lào tặng, chứ vua chúa gì”. “Tôi tự nhủ đúng là phải mắt thấy tai nghe, có đến tận nhà mới biết chứ không nghe thiên hạ đồn đoán được”, ông Hán chia sẻ.

Ông Hán đã từng nghe và không khỏi xúc động với câu chuyện ông Phiêu đặt tên cho một ngôi làng đã bị nước lũ cuốn trôi gần hết nhà cửa ở Thừa Thiên Huế.

Đó là lần Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đi thăm đồng bào bị ảnh hưởng bởi trận lụt lớn ở Thừa Thiên Huế năm 1999, đến thăm người dân thôn Hòa Duân, tổ dân phố An Hải, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, thôn bị nước cuốn trôi hết nhà cửa.

Khi quân đội chuyển làng lên vị trí khác, có người gợi ý đặt tên làng Bão, làng Lụt, nhưng ông Phiêu gạt đi, nói phải đặt là làng Rồng với ý nghĩa sau này thôn sẽ phát triển, phải bay lên như rồng.

Sau đó, thôn được Trung ương hỗ trợ vật chất, tinh thần để người dân khôi phục, xây dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống. Và đặc biệt, năm nào cứ dịp Tết đến, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu không quên gửi quà chúc Tết bà con làng Rồng.

Anh em thân thiết, đối xử với nhau như người nhà nhưng tuyệt nhiên ông Hán không bao giờ nghĩ đến chuyện cậy nhờ mối quan hệ đó để xin xỏ cho con cái có được chỗ làm, công việc như ý.

Ông Hán chia sẻ, quả thực cũng có lúc ông tính nhờ ông Phiêu xin việc cho một đứa con khá vất vả, lận đận trong công việc. Nhưng rồi suy đi tính lại, ông thấy mình không thể mở lời bởi theo ông đó là việc của cá nhân, tự tìm cách để giải quyết. Không thể vì việc cá nhân của mình mà để ông Phiêu phải “cậy quyền cậy thế” để giúp; cũng không thể vì chút việc cá nhân đó làm ảnh hưởng đến tình cảm thân thiết giữa “hai anh em”.

“Càng thân thiết, càng hiểu con người ông Phiêu, tôi thấy mình càng phải tôn trọng tình cảm của 2 anh em”, ông Hán chia sẻ. Ngược lại, theo ông Hán, cũng không bao giờ ông Phiêu nói về chuyện đó, mà chỉ hỏi thăm tình hình công việc, học hành của các con ông Hán. Duy nhất một lần, khi con gái ông Hán bị ốm nặng, ông Phiêu có gửi một ít tiền để mua thuốc.

Hiểu được con người Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nên dù ông đã nghỉ hưu, nhưng đều đặn hàng tháng, ông Hán vẫn qua cắt tóc cho ông. Đợt gần đây nhất dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 88 của Tổng Bí thư (ngày 27/12/2018-PV), biết ông Hán vừa nằm viện dài ngày nhưng ông Phiêu nhất quyết không cắt tóc mà “chờ bằng được Hán khỏi bệnh” cắt cho ông.

 

Vị “khách VIP” và những quan tâm “nhỏ nhặt”

Cho đến tận bây giờ, ông Hán chưa bao giờ quên ngày 25/12/1971, ngày mà ông được giao nhiệm vụ cắt tóc cho “khách VIP” đầu tiên đó là Thủ tướng Phạm Văn Đồng, khi nghe lệnh qua điện thoại, ông nghe thành “thủ trưởng”.

Ông Hán nhớ lại: “Học các bác đi trước, tôi chuẩn bị khăn áo đồ nghề bỏ vào túi rồi đạp xe đến biệt thự số 5 Hồ Tây. Tới nơi, còn đang lơ ngơ trước cổng biệt thự, thì được bảo vệ chỉ vào phòng ngồi chờ. Hồi hộp, lo lắng trong lần đầu tiên cắt tóc cho “thủ trưởng” khiến tôi làm đổ cả nước xà phòng ra áo.

Đang ngồi lau, bỗng nghe tiếng chân chắc nịch nện xuống sàn nhà, ngẩng lên, tôi ngạc nhiên khi nhận ra Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Dù đang rất run, tôi cố gắng cất giọng “Cháu chào bác” và nhận lại câu chào rất tình cảm từ Thủ tướng: “Bác chào cháu”.

Ông Hán tiếp tục giới thiệu với Thủ tướng: “Thưa bác, hôm nay các bác chỗ cháu đi vắng nên cháu được cử đến cắt tóc cho bác”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đáp: “Ừ, cháu cũng được”. Trong lần cắt tóc đầu tiên này, ông Hán còn nhớ cả thời gian vừa cắt và trò chuyện là gần 1 giờ đồng hồ.

Thời điểm ấy là dịp Noel, trời rét, nhưng trán và lưng ông ướt đẫm mồ hôi. Ông Hán bảo, may hồi đó không có gương treo trước mặt, nếu không Thủ tướng đã nhìn thấy cảnh người bảo vệ đứng sau lưng lau mồ hôi cho anh thợ cắt tóc.

 
Lần đầu cắt tóc cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, khi đó trời rét, nhưng mồ hôi ở lưng và trán tôi ướt đầm. Một anh bảo vệ của Thủ tướng đã giúp lau mồ hôi cho tôi

Ông Phạm Văn Hán

Ông Hán nhớ lại, trong lúc cắt tóc, Thủ tướng Phạm Văn Đồng hỏi han rất nhiều chuyện, làm cho tâm lý của cậu thanh niên cũng bớt căng thẳng.

Ấn tượng khiến ông nhớ mãi đó là những lời hỏi han mới đầu có cảm tưởng như một sự chào hỏi xã giao nhưng nghe rồi mới cảm nhận được sự gần gũi và cũng rất tâm lý đối với một thanh niên mới lớn như ông Hán.

Không chỉ quan tâm đến sở thích của những người trẻ như có đi chơi Noel không, có bạn gái chưa, Thủ tướng Phạm Văn Đồng còn quan tâm đến cảm nhận của một người trẻ đối với những thay đổi của đất nước rồi không quên căn dặn ông Hán phải cố gắng học hành cho thật tốt thì được giao nhiệm vụ gì cũng sẽ làm tốt.

Cái cảm giác được một vị Thủ tướng quan tâm hỏi thăm tới cả gia đình bố mẹ anh em mình, rồi chuyện gia đình sống ra sao, chăn nuôi thế nào, khiến ông Hán không khỏi xúc động. Cho đến khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng qua đời vào năm 2000, ông Hán đã cắt tóc cho Thủ tướng trong suốt 29 năm.

 

Trong số những “khách VIP” từng cắt tóc, ông Hán cũng có nhiều kỷ niệm đặc biệt với Tướng Giáp. Ấn tượng của ông Hán về Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người của công việc, bận suốt.

Lần đầu tiên đến cắt tóc cho ông, khoảng năm 1972, nhưng ông Hán phải hẹn đi hẹn lại đến lần thứ 3 mới cắt được. Khi nói chuyện, Đại tướng không xưng hô kiểu bác cháu, mà thường gọi đồng chí, xưng tôi.

“Năm Tướng Giáp 84 tuổi, trong một lần đang cắt tóc, đột nhiên ông hỏi: “Đồng chí biết tôi bao nhiêu tuổi không?”.

Do yêu cầu của công việc, nên trước khi cắt tóc cho vị nào, chúng tôi đều phải tìm hiểu rõ về họ, tuổi tác, tính cách cũng như tâm lý, nên tôi tự tin trả lời: “Thưa bác, năm nay bác 84 tuổi, bác sinh năm 1911, bác tuổi Tân Hợi”. Có vẻ khá ngạc nhiên, ông nói: “Ô đồng chí quan tâm tôi quá nhỉ!”. Tôi đáp: “Thưa bác, cả nước đều quan tâm đến bác”, nhìn ông lúc đó vui lắm”, ông Hán nhớ lại.

Hỏi ông, điều gì khiến ông gắn bó với công việc cắt tóc trong một thời gian dài mà ông từng không yêu thích? Ông Hán nói, đó là công việc của Đảng giao nên khi đã nhận tôi phải làm hết trách nhiệm.

Thực chất không chỉ là chuyện cắt tóc mà hơn cả là việc đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho các vị lãnh đạo. Lâu dần, tình yêu và trách nhiệm nghề nghiệp ngày càng được bồi đắp cùng với tình cảm của chính những “vị khách” dành cho.

Ông Hán nhớ có lần Tướng Giáp hỏi: “Đồng chí thấy, cắt tóc, cái gì quan trọng nhất?”. Tôi trả lời: “Thưa anh, ở thợ cắt tóc ngoài, quan trọng nhất là đẹp, nhưng chúng em cắt tóc cho anh, điều đầu tiên là phải an toàn, sau là đẹp”. Ông gật đầu ra chiều đồng tình, bảo “đồng chí nói đúng”.

Nguồn: agazine.vov.vn

Tin mới