Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ảnh: Làng nghề dệt khăn rằn trăm tuổi ở miền Tây

(VTC News) -

Sau hơn 100 năm tồn tại, hiện mỗi năm làng nghề dệt khăn rằn ở Đồng Tháp cung ứng ra thị trường khoảng 1,5 triệu chiếc khăn.

Làng nghề dệt choàng (khăn rằn) thuộc ấp Long Tả, xã Long Khánh A (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) đã có hơn 100 năm tuổi. 

Theo những cụ cao niên trong vùng, trước đây, người dân địa phương có nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt vải và cung cấp nguyên liệu cho các địa phương có nghề dệt ở An Giang. Sau đó, bà con học cách dệt khăn khăn rằn và phát triển đến ngày hôm nay.

Làng nghề phát triển mạnh nhất vào những năm đầu thập niên 90 với hàng trăm hộ dân tham gia dệt. Khăn rằn thời bấy giờ được nông dân và đặc biệt là nhân công cắt lúa, cấy lúa ngoài đồng ưa chuộng nhờ tính tiện dụng như lau mồ hôi, che nắng, chống bụi…

Thế nhưng, từ những năm 2000 đến 2012, nghề dệt rơi vào cảnh tiêu điều, sắp mai một. Nguyên nhân là do nghề trồng lúa đã được cơ giới hóa, không còn nhiều nhân công cấy lúa, cắt lúa và nhiều loại khăn xuất hiện trên thị trường, lấn át chiếc khăn rằn.

Theo nghệ nhân Kim Chiều, năm 2014, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan (nay là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT) đến thăm làng nghề và gợi mở việc thay đổi mẫu mã, màu sắc cũng như phải làm hộp đựng khăn để khi khách mua khăn mang tặng người khác nhìn sẽ sang trọng hơn. Sau đó, người dân làng nghề dần học cách thay đổi để phù hợp với thị hiếu, thị trường. 

“Các sản phẩm làm quà tặng cũng đòi hỏi độ dày dặn, đa dạng mẫu mã, màu sắc bắt mắt. Từ 3 màu ca-rô truyền thống, hiện làng nghề làm ra gần trăm mẫu mã khác nhau kết hợp thêu logo, biểu tượng sếu, hoa hồng...”, bà Chiều thông tin.

Màu sắc, mẫu mã của những chiếc khăn ngày càng đa dạng, bắt mắt.

Để làm ra một chiếc khăn, phải trải qua 8 - 10 công đoạn. Khi có chỉ, người thợ nhuộm màu, thấm hồ rồi mang phơi nắng. Sau đó, thêm nhiều công đoạn khác, như: se chỉ, lên khuôn, dệt, thêu hoa văn...

Hiện, làng nghề dệt choàng Long Khánh A có khoảng 50 hộ dân theo nghề và sử dụng hoàn toàn máy dệt, không còn dệt thủ công như trước. Trong khoảng 1,5 giờ, 1 máy dệt có thể dệt được 8 - 10 chiếc khăn. Trong khi đó, với khung dệt tay chỉ có thể dệt được 1 khăn trong khoảng 1 giờ.

Nhờ các chính sách xúc tiến, quảng bá chiếc khăn rằn Đồng Tháp nên đầu ra sản phẩm tốt hơn. Mỗi năm, làng nghề cung ứng ra thị trường khoảng 1,5 triệu chiếc khăn.

Anh Phạm Thanh An, Giám đốc Hợp tác xã Khăn choàng Long Khánh cho biết, cái khó của thành viên trong hợp tác xã và những người dân theo nghề dệt khăn rằn hiện nay là máy dệt cũ kỹ, lỗi thời. Ngoài ra, hầu hết người theo nghề chưa được đào tạo qua một lớp học bài bản nào.

Anh An mong muốn ngành chức năng tổ chức những lớp bồi dưỡng tay nghề cho người dân. Đây cũng là cách truyền lại nghề dệt bài bản cho thế hệ trẻ, nếu không muốn nó bị mai một về sau.

MINH THANH

Tin mới