Nghề làm cốm ở Mễ Trì (Hà Nội) có bề dày lịch sử hơn một thế kỷ nay. Tại đây hiện có 86 hộ ở cả 2 tổ dân phố (khu Thượng và khu Hạ) vẫn theo nghề làm cốm và hơn 300 hộ kinh doanh cốm nhỏ lẻ.
Làng cốm Mễ Trì có 2 vụ chính gồm vụ chiêm và vụ mùa. Vụ chiêm ngắn ngày chỉ vỏn vẹn có 2 tháng, còn vụ mùa kéo dài từ tháng 7 tới tháng 10. Vì thế cả làng nghề cốm tập trung chủ yếu vào vụ mùa.
Mặc dù hiện nay, một số công đoạn làm cốm đã được hỗ trợ bởi thiết bị cơ khí hóa giúp rút ngắn thời gian chế biến, nhưng hầu hết các công đoạn làm cốm vẫn được tiến hành thủ công.
Từ tuốt lúa đến rửa thóc, loại bỏ thóc lép, lấy hạt mẩy tới rang cốm, điều lửa… đều đòi hỏi kinh nghiệm và bàn tay khéo léo của người thực hiện.
Tại các xưởng sản xuất cốm, mỗi người một công một việc, những âm thanh quen thuộc vang lên từ đầu làng đến cuối xóm.
Tiếng máy rang lúa, tiếng sàng sảy, tiếng chày giã cốm hòa cùng tiếng cười nói râm ran của những người làm cốm rộn rã khắp làng.
Vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt trải qua 4 đợt giãn cách (từ 24/7-21/9) vụ mùa của làng nghề chịu ảnh hưởng nặng nề.
Theo ông Nguyễn Thế Đô, Phó Chủ tịch UBND phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm), thời gian giãn cách là thời điểm diễn ra vụ mùa chính của làng nghề, vì thế gặp nhiều khó khăn. Việc di chuyển từ Hà Nội qua các tỉnh khác để thu mua nguyên liệu gặp nhiều trở ngại bởi những quy định phòng dịch.
Cùng với đó, sản phẩm làm ra cũng gặp khó trong khâu tiêu thụ bởi rất nhiều chợ lớn tại Hà Nội phải phong tỏa chống dịch, người dân cũng hạn chế ra đường mua bán. Thời gian này, cốm làm ra bị tồn đọng. Nhiều gia đình chỉ sản xuất cầm chừng hoặc ngưng hẳn chờ đến khi dịch bệnh được kiểm soát.
Bà Đỗ Thị Nga, hộ làm cốm ở khu Mễ Trì Hạ chia sẻ: “Trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội vì Covid-19 đúng vào thời điểm làm cốm vụ mùa. Gia đình tôi vẫn đỏ lửa để làm cốm, thay vì sản xuất 1,5-2 tạ mỗi ngày như trước thì sản lượng giảm đi. Việc bán hàng chủ yếu trên các kênh bán online”.
Sau khi Hà Nội từng bước kiểm soát được dịch và nới lỏng giãn cách xã hội, cho phép nhiều hoạt động trở lại, làng cốm lại đỏ lửa. Tiếng xay xát, sàng và giã cốm lại nhộn nhịp đêm ngày.
Ngày nay, làm cốm không còn là nghề chính của làng Mễ Trì nữa, nhiều loại hình kinh doanh khác đã được người dân lựa chọn, xong nghề làm cốm vẫn được nhiều hộ gia đình gìn giữ và coi đây là giá trị riêng của nơi này.
Làm cốm cũng góp phần tạo thu nhập cho người dân Mễ Trì và góp phần gìn giữ một nghề truyền thống được xem là nét văn hóa của Hà Nội.