Bệnh viêm lợi và nhiệt miệng có những biểu hiện khá tương đồng với nhau gây nhầm lẫn trong việc phân biệt bệnh. Nếu không điều trị bệnh kịp thời có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng khác, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Có mặt trong chương trình Nhật ký Hạnh Phúc, Th.S Bác sĩ Trần Phương Bình - Chuyên khoa răng hàm mặt - Hệ thống nha khoa MEDDENTAL sẽ chia sẻ thêm về các vấn đề xoay quanh nhiệt miệng và viêm lợi cũng như phương pháp điều trị bệnh.
Theo bác sĩ Trần Phương Bình - hiện đang công tác tại hệ thống nha khoa MEDDENTAL, nhiệt miệng là bệnh lý được sinh ra bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Thông thường biểu hiện của nhiệt miệng là tình trạng khoang miệng có nhiều vết bỏng, rát, khô và hơi thở có mùi hôi, xuất hiện nhiều đốm đỏ. Khoang miệng lúc này sẽ xuất hiện các đốm nhỏ màu trắng gây đau và to dần tạo thành các bọng nước. Các bọng nước này nếu không được điều trị sẽ vỡ ra và tạo thành các vết loét dẫn đến hội chứng nhiễm trùng gây sốt, viêm và chảy máu.
Nhiệt miệng là bệnh lý xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau - Hình minh hoạ
Nhiệt miệng gây đau đớn, khó khăn trong việc sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt là trong quá trình ăn uống. Các vết bỏng có thể xuất hiện trên đầu lưỡi gây đau và chán ăn, các vết loét trên lưỡi cũng có khả năng lang ra nhiều nơi khác trên khoang miệng.
Viêm lợi là bệnh lý thường xảy ra ở cả trẻ em và người trưởng thành do không vệ sinh răng miệng đúng cách, không lấy cao răng và khám răng định kỳ. Thông thường, viêm lợi xuất hiện do sau khi ăn, bệnh nhân không vệ sinh được hoàn toàn các mảng bám của thức ăn trên bề mặt răng và hình thành lên cao răng và mảng bám. Chúng tích tụ lâu ngày thành các lớp cao răng và gây viêm lợi.
Cao răng có thể gây ra viêm lợi - Hình minh hoạ
Bệnh nhân viêm lợi trong quá trình đánh răng hằng ngày sẽ bị chảy máu hoặc chảy máu ở lợi tự nhiên sau khi ăn uống. Tình trạng này nếu kéo dài và không được điều trị sẽ dẫn đến tuột lợi và tiêu xương, cuối cùng là rụng răng hàng loạt.
Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực răng hàm mặt - bác sĩ Trần Phương Bình cho biết nhiệt miệng và viêm lợi là 2 bệnh lý hoàn toàn khác nhau.
Nhiệt miệng là bệnh lý liên quan đến virus, khi mắc nhiệt miệng sẽ không điều trị bằng kháng sinh nếu không xuất hiện viêm. Với nhiệt miệng, bác sĩ thường sẽ điều trị theo triệu chứng bệnh, chỉ dùng kháng sinh trong trường hợp bội nhiễm.
Trong khi đó, viêm lợi là do vi khuẩn, cao răng, các mảng bám và túi lợi gây nên.
Thông thường các bệnh nhân bị nhiệt miệng sẽ gặp các triệu chứng đau, gây loét và bội nhiễm. Vì thế khi điều trị nhiệt miệng các bác sĩ sẽ điều trị theo triệu chứng đang xuất hiện và nguyên nhân bệnh. Dưới đây là một số phương pháp hay được áp dụng do bác sĩ Bình cung cấp:
Đối với trẻ nhỏ, các bác sĩ sẽ hướng dẫn phụ huynh cách sử dụng dụng cụ tưa lưỡi vệ sinh nhẹ nhàng cho trẻ nhỏ. Khi vệ sinh cho trẻ nhỏ bị nhiệt miệng nên vệ sinh nhẹ nhàng, tránh dùng quá nhiều lực. Nguyên nhân là khi dùng lực mạnh sẽ khiến trẻ đau đớn và từ chối hợp tác, đồng thời cũng sẽ làm tổn thương niêm mạc và khiến ổ loét lan rộng.
Đối với người lớn cũng nên áp dụng phương pháp vệ sinh răng miệng nhẹ nhàng. Có thể dùng bông gòn chấm chất xanh methylen để bôi vào vết bỏng để hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn và khả năng gây loét vết thương.
Nên vệ sinh răng nhẹ nhàng cho trẻ nhỏ - Hình minh hoạ
Người bị nhiệt miệng có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau tại chỗ như Kamistad Gel để đối phó với tình trạng rát, đau của bệnh. Trong một số ít trường hợp, có thể dùng giảm đau toàn thân.
Trong các trường hợp bệnh có vết loét và bội nhiễm sẽ dùng kháng sinh và Chlorhexidine để giải quyết các tình trạng viêm nhiễm, nhiễm trùng trong răng miệng.
Các bác sĩ, chuyên viên y tế có thể sẽ tiến hành kiểm tra cơ thể bệnh nhân xem có thiếu chất dinh dưỡng nào hay không. Trẻ suy dinh dưỡng rất dễ bị nhiệt miệng và viêm lợi.
Một số trường hợp nghiêm trọng cần phải kiểm tra thêm chức năng gan và thận để xem xét khả năng lọc và khử độc của hai cơ quan này còn hoạt động ổn định hay không.
Để có phương pháp điều trị viêm lợi phù hợp, bác sĩ sẽ dựa trên mức độ viêm lợi để đưa ra hướng điều trị.
Bệnh nhân viêm lợi thường sẽ được chỉ định lấy cao răng tùy theo trường hợp bệnh nhân bị đóng cao răng nhiều hay ít. Nếu cao răng đóng nhiều trên răng sẽ có thể gây ra chảy máu trong quá trình cạo vôi. Vì thế, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh trước 1 - 2 ngày để bảo đảm an toàn và tránh nguy cơ nhiễm trùng huyết khi lấy cao răng. Sau khi hoàn thành cao vôi răng, bệnh nhân có thể sẽ được yêu cầu kết hợp thêm một số phương pháp như:
Dùng thuốc kháng sinh toàn thân
Dùng mảng điều trị viêm lợi
Dùng chỉ nha khoa
Dùng tăm nước
Bổ sung chất dinh dưỡng
Với sự hướng dẫn của các chuyên gia y tế, bệnh nhân có thể khỏi hoàn toàn bệnh trong vòng 1 - 2 tuần. Tình trạng viêm lợi lúc này sẽ cải thiện từ 90% - 100%. Vì vậy, khi gặp các tình trạng viêm lợi và nhiệt miệng bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của chuyên gia. Tránh để bệnh tiến triển thành các biến chứng nguy hiểm.