Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ảnh hưởng kinh tế Mỹ yếu thế ở Đông Nam Á?

(VTC News) -

Mỹ dường như “lép vế” trong cạnh tranh ảnh hưởng về kinh tế ở Đông Nam Á so với Trung Quốc khi quá chú trọng đến cơ chế hợp tác về an ninh - quốc phòng.

Mỹ thúc đẩy loạt sáng kiến nhằm gia tăng can dự đối với khu vực Đông Nam Á trong quá trình triển khai chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Khi đưa ra chiến lược này, Washington kỳ vọng đây sẽ là đối trọng, ngăn sự lan rộng của “dòng chảy” sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc ở khu vực.

Thế nhưng, trong cuộc chiến gay gắt tranh giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á giữa Mỹ và Trung Quốc, khi đặt lên bàn cân, Washington dường như “yếu thế hơn” so với Bắc Kinh ở khía cạnh kinh tế. Mỹ vẫn đặt nặng ưu tiên vào các cơ chế hợp tác an ninh - quốc phòng hơn là kinh tế. Đây sẽ là bài toán đặt ra đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden, phải chứng minh cam kết đối với khu vực, giành lợi thế cạnh tranh với Bắc Kinh về ảnh hưởng kinh tế.

Hợp tác lỏng lẻo, nhiều tiêu chuẩn

Đông Nam Á là khu vực có vị trí địa chính trị quan trọng. Biển Đông đóng vai trò là tuyến đường vận chuyển thương mại huyết mạch với hàng nghìn tỷ USD giá trị hàng hóa toàn cầu mỗi năm. Chưa dừng lại ở đó, Đông Nam Á còn là thị trường rộng lớn với quy mô dân số hơn 660 triệu người. Với những lợi thế này, rõ ràng đây là khu vực mà bất kỳ quốc gia nào cũng muốn can dự sâu, chi phối mạnh về kinh tế, và Mỹ cũng không phải là ngoại lệ.

Cơ chế hợp tác kinh tế giữa Mỹ và khu vực Đông Nam Á đang còn lỏng lẻo, chưa hiệu quả.

Các đời Tổng thống Mỹ đã đưa ra nhiều sáng kiến về kinh tế trong việc thúc đẩy vai trò, ảnh hưởng của Washington ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, cơ chế hợp tác kinh tế giữa Mỹ và ASEAN nói chung hay từng thành viên trong khối nhìn chung còn lỏng lẻo, chưa mang lại hiệu quả thực chất.

Trên thực tế, Mỹ chưa tham dự vào sân chơi của cơ chế kinh tế đa phương ở khu vực, không có mặt trong Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), hay như Washington tự rút khỏi một trong những cơ chế hợp tác kinh tế lớn ở khu vực với sự tham dự của nhiều quốc gia trong Đông Nam Á là CPTPP (vốn do chính Mỹ đề xuất trước đó với tên gọi TPP).

Trong khi đó, hợp tác giữa Mỹ và toàn khu vực ASEAN hiện chưa mang tính hệ thống hay được tổ chức chặt chẽ. Washington chủ yếu ưu tiên hợp tác kinh tế song phương, còn đa phương phần lớn mang tính chính sách, tạo cơ chế thông thoáng cho Mỹ tiếp cận nhiều hơn các thị trường ở khu vực.

PGS. TSKH Trần Khánh, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam cho rằng, mặc dù vẫn coi trọng ASEAN song Mỹ chưa thực sự đẩy mạnh hợp tác về kinh tế với khối.

“Mỹ coi trọng hợp tác kinh tế song phương, không thật sự chú trọng đến hợp tác kinh tế theo cơ chế đa phương. Không tham gia vào hiệp định thương mại tự do với khu vực. Cơ chế hợp tác kinh tế rõ nét nhất của Mỹ ở khu vực trên phạm vi đa phương là quan hệ đối tác Mekong - Mỹ, gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam”, PGS. TSKH Trần Khánh cho hay.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Phạm Cao Cường, Phó Viện trưởng phụ trách Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á cho rằng, hợp tác giữa Mỹ và ASEAN hiện chưa tìm được tiếng nói chung trong việc đẩy mạnh cơ chế hợp tác kinh tế với cơ chế ràng buộc, có tính định chế, hay hợp tác chặt chẽ.

“Triển khai chiến lược Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Mỹ chú trọng đẩy mạnh hợp tác với ASEAN song hợp tác kinh tế giữa Washington và ASEAN chưa xứng tầm, còn lỏng lẻo. Hai bên cần có một thỏa thuận về cơ chế hay một kết cấu liên kết về mặt kinh tế để nâng tầm quan hệ”, TS Phạm Cao Cường nói.

Theo đánh giá của chuyên gia Phạm Cao Cường, sự khắt khe trong quy định, tiêu chuẩn cao được xem là rào cản khiến cho tham vọng gây ảnh hưởng, chi phối về kinh tế của Mỹ đối với Đông Nam Á gặp khó khăn.

“Dưới thời Tổng thống Donald Trump, ông đề nghị xem lại các thỏa thuận thương mại tự do đa phương, đưa ra những tiêu chuẩn mới để hàng hóa của Mỹ giảm bớt rào cản từ các quy định của các quốc gia trong khu vực. Điều này buộc các nước ở Đông Nam Á phải điều chỉnh về mặt chính sách để chấp nhận luật chơi của Mỹ, tìm cách có được tỷ trọng xuất khẩu sang Washington nhiều hơn.

Trong tổng thể quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và ASEAN, hàng rào thuế quan, tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng của Mỹ khiến hàng hóa của nhiều nước gặp khó. Điều này cản trở thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai bên. Tuy nhiên, các nước Đông Nam Á cần thị trường Mỹ nhiều hơn bởi xuất khẩu của khu vực sang Mỹ chiếm khoảng 20% tỷ trọng nhập khẩu của nước này”, chuyên gia Phạm Cao Cường cho hay.

Bên cạnh đó, Mỹ đang áp dụng chủ trương “cây gậy và củ cà rốt” từ chính sách từ an ninh cho đến kinh tế trong quan hệ với các nước. Theo phương châm này, đi kèm với những thỏa thuận về mặt thương mại, Washington sẽ nêu điều kiện đi kèm về an ninh - quốc phòng. Điều này buộc các quốc gia muốn hợp tác với Mỹ phải “đánh đổi” lợi ích để nhận được sự gật đầu từ Washington.

Các quốc gia ở Đông Nam Á đều muốn có thỏa thuận về thương mại tự do đối với Mỹ để tăng xuất khẩu hàng hóa sang thị trưởng này. Thế nhưng, việc tiếp cận thị trường Mỹ ko đơn giản, đòi hỏi các nước phải cân nhắc, nhượng bộ, thậm chí là hy sinh nhiều thứ để có được thỏa thuận thương mại với Washington.

Singapore là ví dụ tiêu biểu, để có được thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ vào năm 2003, nước này đã phải chấp nhận đáp ứng các điều kiện mà Washington đưa ra. Theo đó, để có được thỏa thuận này,  Singapore phải đồng ý cho Mỹ tiếp cận cảng biển, các cơ sở an ninh của nước này.

Mỹ đang ở "cửa dưới" trong cuộc chạy đua gia tăng ảnh hưởng kinh tế ở Đông Nam Á.

Mỹ đi sau Trung Quốc

Thời gian qua, Trung Quốc liên lục đẩy mạnh các hoạt động nhằm can dự về kinh tế khắp Đông Nam Á. Trong khi Trung Quốc dốc sức, tìm mọi cách chi phối kinh tế ở khu vực này thì Mỹ vẫn hợp tác ở mức “cầm chừng”, thậm chí là “hời hợt”. Điều này khiến Washington ở thế bất lợi hơn khi so với Bắc Kinh.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, đáng chú ý là vị thế này đã được Bắc Kinh giữ vững trong 12 năm qua. Năm 2020, thương mại hai chiều giữa Mỹ và ASEAN đạt 307,69 tỷ USD, song con số này chưa bằng một nửa so với thương mại Trung Quốc và ASEAN (685,28 tỷ USD). Và chính ASEAN cũng đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Kinh vào năm ngoái.

Để can dự sâu hơn vào Đông Nam Á, Trung Quốc đưa ra cơ chế hợp tác rộng mở, nới lỏng các rào cản thương mại, kinh doanh, đầu tư xuyên biên giới. Trái ngược với quy định hợp tác “khắt khe” từ Mỹ, Trung Quốc tranh thủ cơ hội mở rộng và phát triển quan hệ ngoại giao với nhiều nước ở Đông Nam Á, tạo dựng thị trường hướng tâm về Bắc Kinh để đẩy lùi sức ép cạnh tranh từ Washington.

Ngoài việc đã đạt được thỏa thuận thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Bắc Kinh còn đẩy mạnh các sáng kiến, tham gia hợp tác với ASEAN trên các diễn đàn khu vực như tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN (gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand). Rõ ràng, cơ chế hợp tác kinh tế đa phương của Trung Quốc chiếm ưu thế so với Mỹ ở khu vực Đông Nam Á.

Chưa dừng lại ở đó, với chiêu bài kết nối châu lục, quốc gia thông qua đầu tư xây dựng hạ tầng, thương mại, văn hóa du lịch…, Trung Quốc đẩy mạnh sáng kiến “Vành đai và Con đường” khi cho loạt nước Đông Nam Á vay vốn giá ưu đãi, và dần biến các quốc gia này thành “con nợ” để Bắc Kinh chi phối, gây ảnh hưởng đến các vấn đề chính trị, quốc phòng. Dù phải hứng chịu loạt chỉ trích trong thời gian gần đây, song sáng kiến này của Bắc Kinh phần nào đã thành công khi “trói buộc” được nhiều nước ở thời gian đầu.

Theo chuyên gia Phạm Cao Cường, về tổng thể, cái bóng của Trung Quốc về kinh tế đối với các quốc gia Đông Nam Á rất lớn. Campuchia là một ví dụ, 70% GDP của nước này phụ thuộc vào quan hệ kinh tế đối với Trung Quốc. Hàng hóa tiêu dùng ở Campuchia xuất phát từ Trung Quốc rất nhiều.

Dưới thời ông Trump, Mỹ coi trọng Đông Nam Á, đẩy mạnh hợp tác hơn với các nước trong khu vực. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Trung Quốc liên tục leo thang, Washington muốn tìm kiếm, mở rộng thị trường để xuất khẩu hàng hóa sang các quốc gia ở Đông Nam Á,.

Tuy nhiên, TS Phạm Cao Cường cho rằng, thương mại của Mỹ đối với Đông Nam Á cũng đang gặp phải sự cạnh tranh rất lớn đối với Trung Quốc. “Trung Quốc là thị trường hàng hóa rẻ, phù hợp với thị trường các nước trong khu vực. Còn đối với hàng hóa từ Mỹ, phần lớn là các hàng hóa chất lượng cao, công nghệ cao... Vì vậy, Washington buộc phải chịu sự cạnh tranh rất lớn từ phía Bắc Kinh”, ông Phạm Cao Cường phân tích.

Theo chuyên gia Trần Khánh, Trung Quốc đang lấn lướt Mỹ ở khía cạnh kinh tế ở khu vực. “Xét ở cơ chế hợp tác kinh tế đa phương được coi là hiếm hoi của Mỹ ở khu vực như ‘Quan hệ đối tác Mekong - Mỹ’ thì hợp tác của Washington ở đây vẫn còn kém xa với cơ chế tương tự - ‘Hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC)’ giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực. Các cam kết, hợp tác của Bắc Kinh rất rộng, không chỉ dừng lại ở đầu tư cơ sở hạ tầng, mà còn có cả hợp tác an ninh, năng lượng, môi trường…”, chuyên gia Trần Khánh cho hay.

Hiện nay, phần lớn các quốc gia trong khu vực đều dựa vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu đầu vào từ Trung Quốc và đầu ra lại xuất khẩu sang các thị trường lớn của thế giới như EU và Mỹ. Cho nên, cách tiếp cận của Washington đối với khu vực gần như bị hạn chế bởi những lợi thế cạnh tranh khi đem so sánh với Bắc Kinh.

Nhìn chung, một khi chưa xây dựng được một cơ chế tổng thể hợp tác kinh tế trong Đông Nam Á thì Mỹ sẽ rất khó gia tăng can dự, cạnh tranh ảnh hưởng kinh tế với Trung Quốc ở khu vực này. Trong cuộc ganh đua này, Washington đang tỏ ra lép vế, đi sau so với Bắc Kinh.

Chính quyền Mỹ dưới thời Biden sẽ phải đẩy mạnh cơ chế hợp tác kinh tế thực chất và hiệu quả để gia tăng ảnh hưởng ở Đông Nam Á.

Cơ hội nào cho chính quyền Biden?

Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Joe Biden gạt bỏ nhiều chính sách được đưa ra dưới thời Trump song vẫn tiếp tục chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Theo đó, Washington sẽ phải coi trọng vai trò và vị thế của Đông Nam Á trong chiến lược này. Vấn đề giờ đây là liệu chính quyền Biden sẽ làm gì để thúc đẩy cơ chế hợp tác kinh tế thực chất và hiệu quả, cạnh tranh với Trung Quốc.

Theo giới phân tích, chính quyền Biden sẽ ưu tiên đẩy mạnh quan hệ với các nước Đông Nam Á, coi đây như một phần quan trọng trong mục tiêu của Washington nhằm đối phó sức ảnh hưởng kinh tế và chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực.

Nhà nghiên cứu Murray Hiebert, Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm quốc tế về nghiên cứu chiến lược (Singapore), cho rằng "Mỹ vẫn đánh giá cao tầm quan trọng của khu vực này và Washington sẽ không để yên cho Bắc Kinh giá tăng ảnh hưởng tại đây”.

Trong khi đó, bà Angela Mancini, Trưởng Bộ phận thị trường châu Á - Thái Bình Dương tại Công ty tư vấn rủi ro Control Risks cho rằng, khác với chính quyền Trump, Tổng thống Joe Biden và cộng sự sẽ có sự chuẩn bị chu đáo để tham gia vào các vấn đề khu vực, hợp tác sâu rộng đối với Đông Nam Á. Vị chuyên gia này nhận định, “hợp tác thương mại là cách ‘tự nhiên nhất’ để Mỹ can dự sâu hơn vào Đông Nam Á”.

Kế thừa di sản từ chính quyền Trump, ông Biden tiếp tục coi an ninh kinh tế là an ninh quốc gia. Điều này có nghĩa là Mỹ vẫn coi trọng hợp tác kinh tế đối với Đông Nam Á và bất kỳ biến động nào về mặt kinh tế ở khu vực đều có thể tác động đến tình hình kinh tế thế giới, trong đó có nước Mỹ. Do đó, Washington vẫn coi trọng an ninh ở khu vực, trong đó có an ninh kinh tế.

Chuyên gia Phạm Cao Cường cho rằng, để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Mỹ và Đông Nam Á thì rõ ràng Washington cần phải có nhiều chương trình, cơ chế hợp tác mới. Trong thời gian tới, có thể Mỹ sẽ đưa ra nhiều sáng kiến hơn trong hợp tác khu vực.

“Trên thực tế, trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, chính quyền Trump đã có nhiều sáng kiến như kết nối về kinh tế, cơ sở hạ tầng khu vực. Thông qua các sáng kiến này, Mỹ muốn gia tăng ảnh hưởng ở Đông Nam Á.

Đông Nam Á là khu vực có nền tảng về cơ sở hạ tầng kém phát triển, nhiều nước đang cần vốn để đầu tư. Tăng trưởng kinh tế của các quốc gia tại đây phụ thuộc vào nguồn vốn FDI từ bên ngoài. Vì vậy, đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ giúp Mỹ tăng cường sự can dự, đóng vai trò lớn hơn trong các hoạt động kinh tế. Hợp tác Tiểu vùng sông Mekong vốn được đẩy mạnh dưới thời Trump sẽ tiếp tục được thúc đẩy dưới thời Biden”, TS Phạm Cao Cường nhận định.

Từ thời chính quyền Tổng thống Bush, mặc dù coi trọng cuộc chiến chống khủng bố nhưng Mỹ đưa ra rất nhiều sáng kiến đối với khu vực như sáng kiến về doanh nghiệp ASEAN, một số các sáng kiến khác để gia tăng hoạt động của các nhà đầu tư Mỹ tại khu vực.

Thế nhưng, cần phải nhìn nhận rằng, các sáng kiến, cơ chế hợp tác hiện nay về kinh tế của Mỹ đối với Đông Nam Á chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên, và nếu không có hoạch định được chiến lược mang tính tổng thể để tăng cường hợp tác kinh tế thì Washington khó lòng cạnh tranh ảnh hưởng với Bắc Kinh.

Đây mới là thời điểm bắt đầu của chính quyền Biden song có lẽ từ nay đến cuối nhiệm kỳ, ông Biden sẽ tiếp tục đưa ra nhiều sáng kiến về mặt kinh tế mới đối với Đông Nam Á để tăng cường quan hệ thương mại, đồng thời hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực.

Kông Anh

Tin mới