Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ảnh hưởng dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT yêu cầu chuẩn bị các phương án dạy học từ xa

(VTC News) -

Bộ GD&ĐT yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường hướng dẫn địa phương và các trường xây dựng kế hoạch dạy học từ xa đảm bảo nề nếp, chất lượng.

Mới đây, tại phiên họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường hướng dẫn địa phương và các trường xây dựng kế hoạch dạy học từ xa đảm bảo nề nếp, chất lượng.

Trong đó, cần làm rõ những nội dung có thể dạy và học từ xa, phương thức triển khai cho từng nhóm đối tượng, đặc biệt phải tính đến phương án cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để các em không bị thiệt thòi.

Các trường sư phạm được giao nhiệm vụ hỗ trợ nguồn học liệu cho các địa phương, cơ sở giáo dục phổ thông để triển khai việc dạy và học từ xa một cách bài bản. Nếu học sinh tiếp tục nghỉ lâu hơn do dịch bệnh, Bộ GD&ĐT sẽ chuẩn bị các phương án phù hợp.

Bộ GD&ĐT lên phương án tăng cường công tác giáo dục từ xa cho học sinh trong mùa dịch bệnh Covid-19.

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam gần đây tiếp tục kiến nghị lần 3 tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Hiệp hội này nhấn mạnh: "Hiện dịch Covid-19 diễn biến theo hướng ngày càng phức tạp, đến mức Tổ chức Y tế Thế giới WHO đưa ra nhận định: Cánh cửa kiểm soát dịch bệnh đang dần khép lại và nâng cấp độ cảnh báo từ mức cao lên rất cao, chỉ chưa dùng từ “đại dịch”.

Tại Việt Nam trong những ngày qua, mặc dù chúng ta kiểm soát dịch bệnh tốt, nhưng với tình trạng tăng dòng người quy mô hàng nghìn người mỗi ngày từ các vùng dịch trở về thì nguy cơ lây lan dịch đến Việt Nam là điều không thể tránh khỏi.

Cho tới nay, không một tổ chức y tế nào có thể chỉ ra thời gian kéo dài của dịch Covid-19 lần này.

Hiệp hội cho rằng, đối với khu vực giáo dục, mặc dù Chính phủ giao trách nhiệm cho ngành giáo dục chủ động quyết định thời gian trở lại nhà trường cho học sinh, sinh viên nhưng dường như nhiệm vụ đó cho tới nay vẫn là vấn đề khó khăn với ngành.

Bởi vì trong xã hội vẫn tồn tại song song 2 quan điểm trái ngược nhau: Một là, cần cho học sinh, sinh viên tiếp tục nghỉ học vì tình hình dịch bệnh rất nghiêm trọng, trong khi trường học là nơi tập trung học sinh nên nguy cơ lây lan sẽ rất lớn;

Hai là, phải cho học sinh, sinh viên đi học trở lại ngay vì khung thời gian đã kịch trần, kéo dài thời gian nghỉ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn thể hệ thống giáo dục và còn kéo theo nhiều hậu quả tiêu cực khác".

Học sinh lớp 9 và lớp 12 tại Hà Nội đang được học qua truyền hình.

Phúc đáp lại kiến nghị này, Văn phòng Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT xem xét kiến nghị của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người. Theo đó, văn bản của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ GD&ĐT nêu rõ:

"Xét kiến nghị của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam tại văn bản số 07/HH-VP đề ngày 2/3/2020 về việc kiến nghị khẩn cho các trường triển khai phương thức giáo dục từ xa trong mùa dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến như sau: Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét và sớm có kiến về việc này". 

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, thầy giáo Phan Hữu Mạnh (Hà Nội) cho rằng, Bộ GD&ĐT nên sớm có phương án chỉ đạo tập trung các địa phương dạy trực tuyến qua truyền hình. Không nên để mỗi nơi dạy một hướng như hiện nay sẽ kém hiệu quả, không thống nhất về mặt kiến thức, thời lượng bài giảng không đảm bảo. 

Cùng với đó, muốn học sinh cả nước tích cực tham gia học trực tuyến thông qua máy tính, truyền hình... thì Bộ GD&ĐT nên sớm tính đến phương án công nhận kết quả học trực tuyến, lấy đó làm động lực để các em chuyên tâm chuyện học hành thay vì lơ là "cưỡi ngựa xem hoa"  như hiện nay, thầy giáo này cho hay.

Video: Học trực tuyến sao cho hiệu quả

Hà Cường

Tin mới