Ngược dòng
Một đêm trung tuần tháng 12/1971, Nguyễn Hữu Khánh Duy - lãnh đạo phong trào sinh viên Y khoa Sài Gòn đấu tranh đòi hòa bình gặp người bạn của mình tại ngôi nhà nhỏ trong xóm lao động nghèo Khánh Hội.
Nhâm nhi vài ngụm bia, anh thắc mắc không biết người bạn lâu nay mất tăm mất tích sao nay bỗng muốn gặp mình. Người bạn này của anh không ai khác, chính là Nguyễn Minh Trí - Đội trưởng đội trinh sát vũ trang liên quận thuộc lực lượng An ninh T4.
“Mức độ an toàn của anh là bao nhiêu? Tôi đang ở mức báo động, có thể bị bắt hoặc về rừng bất cứ lúc nào. Nếu thấy vắng tôi một tuần là biết tôi đã đi hoặc bị bắt nhé”, Trí nói thầm.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy có bí danh là Năm Quang lúc hoạt động tình báo.
Trí vốn là con trai của người hàng xóm thân thiết với gia đình Khánh Duy thời còn ở Quảng Nam. Cái thời ấy, không biết bao lần anh nhìn thấy chính quyền cũ đem xác người vỡ đầu, lòi bụng, mất chân tay ra phơi tại sân vận động hoặc cổng ra vào thành phố.
Rồi chúng gọi đó là thành tích “diệt Cộng”. Anh không tưởng tượng được con người có thể đối xử với con người, nhất là cùng người Việt Nam.
Bản thân anh là con của gia đình quan chức chế độ cũ, cũng từng tham gia một số tổ chức xã hội có khuynh hướng “chống Cộng”.
Thế nhưng tiếng đại bác vọng về hằng đêm, hình ảnh những thôn làng bị tàn phá, tình trạng tham nhũng khủng khiếp khắp xã hội, mạng người Việt thì bị coi như cỏ rác, các sư thầy lần lượt tự thiêu… khiến anh quyết định “ngược dòng”.
Khánh Duy tích cực tham gia các công tác sinh viên, đấu tranh để phản đối chính quyền Sài Gòn mà đứng đầu là những người tham quyền cố vị. Thế nhưng cuộc đấu tranh nào của nhóm anh cũng bị dập tắt nhanh chóng, sinh viên bị bắt bớ. Nếu không có mác con quan chức, có lẽ anh cũng đã sớm ăn cơm tù.
Cuộc đấu tranh của nhóm Khánh Duy cứ đi vào ngõ cụt cho đến khi gặp lại Trí… Giờ Trí có nguy cơ bị bắt hoặc sẽ đi về căn cứ, vậy anh và đồng đội sẽ hoạt động thế nào? Ai chỉ đạo?
Nhiều câu hỏi hiện lên trong đầu Khánh Duy khiến anh băn khoăn, nhưng anh biết nguyên tắc của tổ chức là chấp hành mệnh lệnh, anh dõng dạc: “Mức độ an toàn của tôi phụ thuộc vào anh vì tôi chỉ liên lạc với anh. Anh không khai, tôi không sợ lộ”.
Trí cười rồi vỗ vai Khánh Duy, chắc nịch: “Hãy tin ở tôi, nếu bị bắt, có chết tôi cũng không khai. Nhưng để an toàn, tạm thời tôi và anh ngừng liên lạc”.
“Thế tôi phải cho anh em sinh viên đấu tranh ra sao?”
“Thôi anh cứ linh hoạt. Nếu tôi biến mất, anh sẽ phải hoạt động một mình trong khi chờ Trung tâm bắt liên lạc lại”.
Mệnh lệnh chỉ có thế, Khánh Duy uống hết chai bia rồi rời đi, chia tay người đồng đội, người anh em không hẹn ngày gặp lại
Video: Anh hùng tình báo kể về thời khắc treo cờ trên nóc Dinh Độc Lập
Điệp báo A10
Tháng 9/1972, ông Trần Quốc Hương (tức ông Mười Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương) bàn với ông Sáu Ngọc (tức ông Lê Thanh Vân, nguyên Giám đốc Công an TP.HCM, nguyên Trưởng ban Nội chính Thành ủy TP.HCM) tìm một số anh em trong phong trào ở Miền Trung để đi vào nhóm Dương Văn Minh và triển khai các công tác hoạt động chính trị.
Nhưng ai có thể đảm đương được nhiệm vụ này? Cái tên Minh Trí bỗng lóe lên như vì sao sáng trên bầu trời. Cả hai vị lãnh đạo gật gù, tâm đắc vì hình dung ra nhiệm vụ này sẽ thành công.
Mấy ngày sau, một chuyến xe đò bí ẩn đưa Khánh Duy gặp lại người bạn của mình - lúc này đã mang một cái tên khác: “Mười Thắng” tại căn cứ cách mạng ở ngoại ô Sài Gòn.
Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng ở Đài phát thanh.
Sau lời chào hỏi, tâm tình sau quãng thời gian xa cách, Mười Thắng nói văn tắt với Khánh Duy: “Trung tâm cần một mạng lưới chính trị để thúc đẩy Thiệu (Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu) chấp nhận hòa bình, theo dõi sát hoạt động của Thiệu. Tôi gọi anh đến đây là muốn anh tham gia, anh sẽ lấy tên Năm Quang để đảm bảo bí mật”.
Nghe đến đây, Khánh Duy hốt hoảng hỏi lại: “Anh có nói giỡn không? Tôi có biết gì về tình báo đâu?”.
Đúng thật, hơn 20 tuổi, Khánh Duy trải qua không biết bao nhiêu hoạt động xã hội, bao nhiêu cuộc đấu tranh với phong trào sinh viên. Thế nhưng nói đến tình báo, với anh đó là điều vô cùng xa lạ.
Khánh Duy mơ hồ hình dung ra một không gian kiến thức mới, xa lạ, cao siêu, khác hẳn mớ kiến thức y khoa mà hàng ngày anh vẫn trau dồi, nghiền ngẫm.
Bất chợt, Mười Thắng hỏi: “Anh còn chơi với họa sĩ Ớt không?”.
Tưởng ai, họa sĩ Ớt chính là người bạn học cùng thời trung học với Khánh Duy khi gia đình anh còn sống ở Đà Nẵng. Cái tên ấy suốt ngày chọc ghẹo mọi người, luôn gọi anh là “đồ tông cột đèn”. Thế mà giờ hắn cũng là tay họa sĩ biếm họa có tiếng và là “sếp” của tờ Điện Tín (tờ báo của Dương Văn Minh).
“Tôi có đọc vài bài báo chống chính quyền của nó. Điện Tín cũng là tờ đối lập với Thiệu”, Khánh Duy bộc bạch.
“Anh có thể mời được anh ấy tham gia với chúng ta không? Tôi sẽ cho thêm người kiểm tra tư tưởng của anh ấy”.
“Tưởng gì, tôi dư sức”.
“Đấy, đấy chính là tình báo. Chúng ta hoạt động theo phương thức đơn tuyến. Cụm tình báo của ta mang tên A10, tôi là cụm trưởng. Lãnh đạo giao anh làm cụm phó, tức là H1.
Trước mắt anh về thành, tự xây dựng mạng lưới cho mình, gọi là F1, F2. Mỗi nhánh có một nhiệm vụ cụ thể, một người chỉ biết 2 đầu mối trên và dưới, tình hình đến đâu ứng phó đến đó”.
Mười Thắng nói rồi nhìn Khánh Duy, dù chẳng hiểu cụ thể nhiệm vụ là gì, nhưng việc kêu gọi người tham gia vào mạng lưới đấu tranh thì có gì mà là tình báo nhỉ? Nghĩ vậy, nhưng Khánh Duy vẫn vỗ vai bạn quyết tâm: “Tình báo thì tình báo, tôi theo anh đến cùng, sợ gì”.
Điệp báo A10 được hình thành. Ngoài Mười Thắng là cấp trên và mạng lưới các F do mình xây dựng, Khánh Duy - từ đây sẽ hoạt động với cái tên mới: Năm Quang - chẳng biết đến ai cho đến hàng chục năm sau.
Sự sắp xếp của lịch sử
Trong các tài liệu còn lưu trữ lại, ngay sau khi Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, ông Lê Đức Thọ có hỏi: Nhóm nào tác động đến ông nhiều nhất để đi tới quyết định cuối cùng? Dương Văn Minh không ngần ngại trả lời: Nhóm họa sĩ Ớt.
Họa sĩ Ớt chính là ông Huỳnh Bá Thành (sau này là Tổng Biên tập báo Công an TP.HCM), người mà Năm Quang liên lạc để đưa vào mạng lưới điệp báo A10.
Ngay từ ngày 29/4/1975, họa sĩ Ớt đã đến gặp Dương Văn Minh tại Dinh Độc lập, tác động rõ quan điểm duy nhất là “giao chính quyền cho Cách mạng”. Cũng chính họa sĩ Ớt tới gặp ký giả Nguyễn Hữu Thái (thành viên điệp báo A10) để bàn việc chiếm Đài phát thanh Sài Gòn.
Thời điểm này, quân Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu rút về Sài Gòn, phía sau là quân giải phóng khẩn trương truy quét, tiến nhanh về Sài Gòn.
Nghe tin một sỹ quan Việt Nam Cộng Hòa định đánh sập cầu Sài Gòn, họa sĩ Ớt vội nhắn tìm Phan Xuân Huy (dân biểu đối lập, con rể - chồng con gái nuôi của Dương Văn Minh) để thông báo ngắn gọn: “Phải ngăn không cho cầu Sài Gòn sập”.
Phan Xuân Huy vội đến cầu Sài Gòn, lấy lý do Tổng thống Dương Văn Minh chưa ra lệnh, không được giật sập cầu: “Giật sập cầu thì lấy gì cho binh lính chạy về, định để lính chết hết hay sao?”.
Cầu Sài Gòn được giữ lại, tối 29/4, quân giải phóng thuận lợi tiến vào nội thành.
Sáng sớm 30/4/1975, khi những đơn vị quân giải phóng vẫn đang hướng đến Dinh Độc Lập thì một số thành viên của Cụm điệp báo A10 có mặt ở đây. Cùng lúc này, một nhóm sinh viên cầm vũ khí lên xe áp sát, chuẩn bị xâm nhập vào đài phát thanh.
Ngoài cổng Dinh, những chiếc xe tăng đang tiến vào. Bùi Quang Thận nhảy từ trên xe tăng 843 xuống, cầm cờ giải phóng gắn trên cần ăng ten xe tiến vào thềm Dinh.
Lúc này, giáo sư Huỳnh Văn Tòng và ký giả Nguyễn Hữu Thái (đều là thành viên điệp báo A10) cũng vừa chạy ra: “Để chúng tôi đưa anh lên nóc Dinh”. Thấy cả 2 đeo băng đỏ của lực lượng quần chúng nổi dậy, Bùi Quang Thận đồng ý.
Nhờ sự hướng dẫn của Đại tá Vũ Quang Chiêm thuộc văn phòng Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, 3 người nhanh chóng đến nơi. Lá cờ giải phóng màu đỏ, hình tam giác nhuốm màu lửa đạn và bụi đường tháo vội trên xe tăng 843 được kéo lên trên nóc Dinh Độc Lập một cách kiêu hãnh.
Dương Văn Minh theo lực lượng giải phóng quân đến Đài phát thanh.
Thật tình cờ, trên nóc Dinh khi ấy là 3 người đại diện cho 3 miền, chiến sỹ Bùi Quang Thận ở vùng đồng bằng sông Hồng, giáo sư Tòng quê ở Tây Ninh, còn ký giả Thái người gốc miền Trung.
Có lẽ số phận đã sắp đặt để những con người ấy đại diện cho từng vùng miền, chứng kiến thời khắc lịch sử, thời khắc của hòa bình, thống nhất sau hơn trăm năm phụ thuộc ngoại bang, hơn 20 năm chia cắt đôi miền.
Ngay thời khắc lá cờ Cách mạng được kéo lên, bay cao kiêu hãnh trên Dinh Độc Lập, Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa - ông Dương Văn Minh cùng nội các đi theo Trung tá Bùi Văn Tùng - Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, Đại úy Phạm Xuân Thệ - Trung đoàn phó Trung đoàn 66 và nhiều người khác đến Đài phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng.
Tổng thống Dương Văn Minh không muốn nêu chữ “Tổng thống” mà dùng “Đại tướng” trong tuyên bố đầu hàng. Có lẽ, ông cũng quá mệt mỏi và không mấy vui. Dù sao, ông cũng hy sinh danh dự của một tướng lĩnh quân đội để tuyên bố đầu hàng, cứu thành phố khỏi cảnh tàn phá, đổ nát.
Video: Anh hùng tình báo Nguyễn Hữu Khánh Duy nói về thời khắc Dương Văn Minh nói lời đầu hàng
Đáp lại, Chính ủy Tùng cho rằng dẫu sao tướng Minh cũng đang là Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa. Nếu không tuyên bố với tư cách đó làm sao ra lệnh được cả bên dân sự lẫn quân sự?
Thống nhất được nội dung rồi nhưng phải làm sao mới phát đi được, khi mà nhân viên Đài đều hoảng sợ, bỏ đi hết? Dù được một nhà báo Đức cho mượn máy cát-sét thu lời đầu hàng nhưng máy hết pin. Khó khăn trùng trùng.
Lần này, nhiệm vụ lại được đặt lên những anh em sinh viên và đội Điệp báo A10.
Các sinh viên lại phải chạy đi tìm pin thay thế. Trong khi đó, để vận hành kỹ thuật, Phạm Kỳ (bút danh Kỳ Nhân, phóng viên hãng thông tấn AP, cơ sở của cụm A10) liền phóng xe về Làng Báo chí (phường Thảo Điền, Quận 2 bây giờ) để đưa các chuyên viên Hứa Trọng Liêm, Trần Tự Lập, Nguyễn Hữu Hùng,… vào hướng dẫn, vận hành máy.
Tất cả đều khẩn trương, vội vàng nhưng hào hứng, hồi hộp.
Rồi giây phút lịch sử ấy cũng đến, ông Dương Văn Minh đọc lười tuyên bố đầu hàng, Phạm Kỳ chụp được bức ảnh lịch sử ghi nhận sự kiện trọng đại này của đất nước.
“Không có các cậu sinh viên giúp tìm pin cho máy cát sét, tìm được nhân viên đài đến phát lại lời đầu hàng của tướng Dương Văn Minh thì thật là gay go” - Chính ủy Tùng phải thốt lên.
Loay hoay đến gần 2h chiều, những tiếng nói Cách mạng đầu tiên trên đài phát thanh Sài Gòn mới được phát đi. Lời tuyên bố đầu hàng được thông báo rộng rãi trên toàn cõi miền Nam, từ thành thị đến nông thôn, rừng núi, đảo xa.
Tiếng nói đầu hàng của Việt Nam Cộng Hòa cũng là tiếng nói thống nhất. Thời khắc trọng đại ấy, có đến 4 thành viên của cụm điệp báo A10 chứng kiến, trực tiếp tham gia.
Lúc này, ở Đà Nẵng, Nguyễn Hữu Khánh Duy (Năm Quang) lặng lẽ mỉm cười…