Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Anh hùng phá bom nổ chậm kể chuyện 'bị thần chết bỏ quên'

(VTC News) -

Đối đầu với bom mìn, thần chết dường như bỏ quên, cứ thế người tiểu đội trưởng phá bom nổ chậm đi qua khói lửa chiến tranh với một miền ký ức hào hùng.

Chiến tranh đã vĩnh viễn lùi xa hơn 4 thập kỷ, song những năm tháng hào hùng khi đất nước chìm ngập khói lửa bom đạn vẫn âm ỉ trong ký ức của cựu binh Nguyễn Xuân Lứ (SN 1942, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh).

Nhiệm vụ cảm tử

Một ngày cuối tháng 7, trò chuyện với chúng tôi về cuộc chiến năm xưa, ánh mắt của cựu binh năm nay sắp sửa bước sang tuổi bát thập cổ lai hy bỗng rực sáng.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Xuân Lứ nhớ lại những năm tháng phá bom mìn. (Ảnh TRỌNG TÙNG)

Ngược dòng chảy thời gian của những năm đầu thập niên 60 thế kỷ trước, chàng trai Nguyễn Xuân Lứ bắt đầu theo học ngành Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Tĩnh. Năm 1964, cuộc chiến chống đế quốc Mỹ chuyển sang giai đoạn khốc liệt, ông được đơn vị cử đi học lớp rà phá bom (chuyên phá bom nổ chậm).

Sau 6 tháng huấn luyện, ông được tín nhiệm giao chức vụ đội trưởng đội phá bom ngành GTVT Hà Tĩnh. Nhiệm vụ của ông lúc bấy giờ là quan sát và phá bom nổ chậm khu vực Ngã ba Đồng Lộc, đường 15A và quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Can Lộc, Đức Thọ - đây được mệnh danh là “con đường mạch máu” nổi tiếng ác liệt.

Ông vẫn nhớ như in những quy trình khắt khe trong rà phá bom mìn. Theo ông, khi phá bom, từ trường trên người không được mang theo đồ vật liên quan đến kim loại. Phải phân biệt những loại bom nổ chậm với bom từ trường vì mỗi loại có cách phá khác nhau.

“Bom từ trường chúng tôi thường đứng xa sau đó dùng nam châm cột vào dây rồi kéo qua, còn với bom nổ chậm phải dùng bộc phá mới có thể kích nổ chúng. Nhưng loại bom nào khi nổ cũng gây nguy hiểm, chỉ cần sai một giây là bỏ mạng”, ông Lứ chia sẻ.

Dưới làn mưa bom, bão đạn chát chúa, những người phá bom như ông Lứ phải căng mắt lên mới có thể nhìn ra vị trí bom nổ chậm. Sau khi phát hiện vị trí có bom nổ chậm, đội phá bom bắt đầu cắm tiêu, gắn bộc phá để phá bom, đảm bảo tuyến đường luôn được xuyên suốt.

Mỗi lần bản thân “chết hụt”, ông Lứ lại đau đớn nhìn đồng đội của mình vĩnh viễn ra đi. (Ảnh TRỌNG TÙNG)

Suốt 5 năm trên cương vị đội trưởng, ông cùng đồng đội không ít lần đối mặt tử thần khi lằn ranh sự sống và cái chết rất đỗi mong manh. Mỗi lần bản thân “chết hụt”, ông Lứ lại đau đớn nhìn đồng đội của mình vĩnh viễn ra đi.

“15 đồng đội năm xưa của tôi thì có đến 8 người đã chôn vùi máu xương khi phá bom không thành. Công việc phá bom có thể nói chết lúc nào không hay nên đòi hỏi phải gan dạ, tỉnh táo, nhạy bén trong mọi trường hợp”, ông Lứ nói.

“Thần chết dường như đã bỏ quên tôi”

Trong suốt những năm tháng chiến đấu, ít ai biết rằng ông Lứ đã trải qua 9 lần thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Có lần đồng đội nằm chết cạnh ông chỉ chừng vài bước chân. Cho đến tận bây giờ, ông vẫn đau đớn khôn nguôi khi nghĩ về thi thể các đồng đội hi sinh thời ấy không còn nguyên vẹn.

Ông còn nhớ như in, trận Thượng Gia - Cổ Ngựa (nay thuộc thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) vào tháng 6 năm 1968, địch trút bom xối xả khiến quân ta thiệt hại nặng nề. Rất nhiều quả bom nổ chậm chìm nghỉm dưới sông, gây khó khăn cho công tác tìm kiếm.

Những tấm huy chương được ông Lứ cất cẩn thận, mỗi lúc nhớ đồng đội ông lại lôi ra xem. (Ảnh TRỌNG TÙNG)

Cấp cứu cho thương binh xong, ông cùng nhóm chiến sĩ trong đội của mình bắt đầu lặn xuống sông sâu để dò bom nổ chậm.

“Bom nằm dưới nước rất khó có thể phát hiện, chúng tôi phải dùng thùng phi, sau đó buộc sợi dây có gắn nam châm rồi kéo theo dòng nước. Không may khi tôi đưa cục nam châm di chuyển qua khu vực sát một quả bom thì tai họa ập đến.

Sau hàng loạt tiếng nổ vang trời, khói bụi mù mịt, tôi bị hất văng lên cao và không còn nhớ gì nữa. Đến khi tỉnh lại, tôi thấy mình đang ở trong bệnh viện”, ông Lứ kể.

Mỗi vết thương trên người là một lần ông Lứ phải nhìn đồng đội rời xa. (Ảnh TRỌNG TÙNG)

Trong miền ký ức của mình, ông cũng không thể nào quên cột mốc thời gian năm 1967. Sau nhiều ngày không thấy địch ném bom, ông Lứ và đồng đội đinh ninh rằng đoàn xe chở cán bộ của Bộ GTVT sẽ di chuyển qua ngã ba Đồng Lộc một cách an toàn. Nhưng không, đúng lúc đoàn đi qua thì gặp hai quả bom nổ chậm chắn ngang đường.

“Lúc đó, tôi liều mình cởi hết quần áo, dùng gậy tre bên đường nhấc bổng hai quả bom lên rồi lăn chúng xuống vực. Cả đoàn thoát hiểm trong gang tấc.

Ông Lứ cảm thấy mình may mắn hơn đồng đội gấp trăm lần khi được về với gia đình. (Ảnh TRỌNG TÙNG)

Các tài xế và lãnh đạo rời khỏi xe rồi ôm chầm lấy tôi vì cảm kích. Ông Phan Trọng Tuệ - Bộ trưởng Giao thông Vận tải còn thưởng tiền cho tôi vì hành động gan dạ. Đây cũng có thể xem là một trong số những lần thần chết bỏ quên tôi”, ông Lứ hồi tưởng.

Cũng sau lần đó, người đội trưởng phá bom nổ chậm vinh dự được trao huy chương chiến công hạng nhất.

Đến năm 1974, ông hoàn thành nhiệm vụ và trở về giữ chức Trưởng phòng hành chính hậu cần Việt – Lào. 3 năm sau, ông giữ chức Bí thư đoàn ngành GTVT Hà Tĩnh. Năm 1991, ông nghỉ hưu theo chế độ và chọn cho mình cuộc sống bình dị chốn quê nhà.

Với những đóng góp to lớn trong cuộc chiến giành lại độc lập cho dân tộc, ông Nguyễn Xuân Lứ vinh dự nhận được nhiều danh hiệu như: Lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, Huân chương chiến công hạng Nhì, Ba; Bằng khen của Chính phủ và Trung ương Đoàn Thanh niên,…

Tháng 4/2015, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

TRỌNG TÙNG

Tin mới