5h sáng, tại làng rèn Trung Lương (thuộc phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh), tiếng búa vang giòn, tiếng kim loại va vào nhau bắt đầu rộn rã. Cận kề Tết cổ truyền, những người thợ rèn nơi đây phải làm việc xuyên ngày, đêm để đáp ứng nhu cầu cho khách hàng.
Theo các cụ lớn tuổi tại làng rèn Trung Lương, không ai nắm rõ nghề rèn ở đây có từ khi nào, chỉ biết rằng nghề này tồn tại hàng trăm năm trước, được cha truyền con nối cho đến tận ngày nay.
Mồ hôi ướt đẫm ống tay áo, ông Kiều Quang Lập (52 tuổi) nói rằng, so với nhiều nghề khác thì nghề này vất vả hơn và mất nhiều thời gian. “Người làm nghề này phải có sức khỏe dẻo dai và chịu được cái nóng của lửa, bụi bặm. Những ngày giáp Tết cổ truyền, lượng khách đặt hàng nhiều nên có khi chúng tôi phải dậy từ 3h sáng”, ông Lập chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của ông Lập, để một sản phẩm tốt, trước tiên cần phải chọn loại sắt tấm tốt, có độ dày 7mm, rồi tới độ nung của lửa.
Các công đoạn để làm ra 1 con dao gồm: cắt sắt, nung bếp lò, the mỏng, làm nguội, rẻo dáng, tôi, mài. Để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường, người dân nơi đây đã đầu tư thêm máy móc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm bớt sức người.
Quá trình làm việc, người thợ rèn luôn phải đối mặt với cái nóng rát da, rát thịt.
Công đoạn mài quyết định đến chất lượng, độ sắc của dao. Hiện nay, người dân đã dùng máy để mài, thay thế cho mài đá như trước.
Cán dao được cưa thành những khúc dài khoảng 10 - 15cm, tùy theo từng loại dao. Sau đó, chúng được phơi khô, đẽo tròn.
“Hiện nay, các sản phẩm công nghiệp với nhiều mẫu mã và giá thành lại rẻ hơn nên mặt hàng của chúng tôi bị cạnh tranh rất nhiều. Thu nhập từ nghề rèn chẳng đáng là bao, lại phải ngồi trong không gian chật hẹp, nóng nực, nên thế hệ trẻ trong làng không mấy ai mặn mà”, ông Văn Toàn (54 tuổi) nói với VTC News.
Sản phẩm của làng rèn Trung Lương rất đa dạng về chủng loại, chủ yếu phục vụ cho nghề nông, nghề thủ công, dụng cụ sinh hoạt. Hiện tại, mỗi sản phẩm dao, liềm của làng rèn Trung Lương có giá từ 10.000 đồng - 30.000 đồng.
Cách đây khoảng 20 năm, làng rèn Trung Lương có trên 300 hộ làm nghề chuyên sản xuất dụng cụ nông nghiệp như cày, cuốc, dao, xẻng... đến nay còn lại 110 hộ, nhưng chỉ tập trung làm 2 loại sản phẩm là dao và liềm. Trong số này, chỉ có khoảng 30 - 50 hộ làm thường xuyên, còn lại theo thời vụ.