Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ảnh: Dự án 22 năm trước TP.HCM bán đấu giá đất ven đường mới mở giờ đẹp như mơ

(VTC News) -

Năm 1999, TP.HCM đã từng áp dụng thành công mô hình thu hồi thêm đất ở hai bên công trình hạ tầng để tái định cư và bán đấu giá khi mở tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ.

Mới đây, UBND TP.HCM vừa phê duyệt đề án "Quản lý và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả" với các biện pháp xử lý giá trị đất đai tăng thêm tại các dự án phát triển hạ tầng. Theo đề án, trong thời gian tới TP.HCM sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng rộng hơn phạm vi dự án để bán đấu giá đất ven đường, người dân trong diện giải tỏa sẽ được tái định cư tại chỗ.

Tuy nhiên, trên thực tế, cách đây 22 năm (năm 1999), UBND TP.HCM đã từng phê duyệt dự án đường Nguyễn Hữu Thọ, qua huyện Nhà Bè theo hình thức này. Theo đó, con đường này dài khoảng 7,5km, chiều rộng 60m.Tổng kinh phí thực hiện khoảng 429 tỷ đồng.

Tại thời điểm đó, UBND TP.HCM đã thu hồi mỗi bên đường thêm 15m làm quỹ đất dự trữ. Sau đó TP đã đem đấu giá phần đất sạch hai bên cho công ty địa ốc Phú Long và Tài Nguyên, thu về 436 tỷ đồng. Phần đất còn lại khoảng 20ha TP đem đổi cho Công ty GS làm đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài và 15ha dành để tái định cư tại chỗ cho người dân.

Thời điểm đấy, số tiền thu về từ việc bán đấu giá đất sạch hai bên đường Nguyễn Hữu Thọ đã dư để làm chính dự án này. Ngoài ra TP còn đổi được đất cho doanh nghiệp tại chính dự án này để có thêm tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài.

Khởi điểm từ tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, TP.HCM cũng đề xuất được áp dụng mô hình này cho một số dự án khác như: dự án mở rộng đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, dự án tuyến metro số 2 đi dọc đường Cách Mạng Tháng Tám. Tuy nhiên tất cả đều không được thực hiện vì nhiều lý do. Cho đến nay chưa có thêm dự án hạ tầng giao thông nào được áp dụng theo mô hình đã được thực hiện tại đường Nguyễn Hữu Thọ. 

Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, ĐBQH, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM cho rằng, khó khăn lớn nhất ở những dự án như vậy là sự đồng thuận của người dân. Do đó, theo bà để triển khai đề án của TP thực sự hiệu quả thì trước hết TP làm đúng, có lợi cho dân, công khai, minh bạch đồng thời phải đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư thì chắc chắn người dân sẽ ủng hộ.

Còn KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định, để làm một dự án như thế cần sự phối hợp đa ngành, người đứng đầu phải là một lãnh đạo UBND TP và phía dưới sẽ là lãnh đạo của các sở phối hợp. "TP.HCM cũng nên chọn một số dự án điểm để làm trước, qua đó tạo nên quy trình chuẩn để áp dụng cho những nơi khác trên địa bàn TP", KTS Sơn đề xuất.

Có thể thấy rằng, tại đường Nguyễn Hữu Thọ, qua huyện Nhà Bè, nhiều công trình, dự án hai bên rất bài bản, hợp lý.

Tuyến đường rất thông thoáng với nhiều cây xanh và hai bên đường có vỉa hè rất rộng.

Trao đổi với VTC News, KTS Võ Kim Cương, Nguyên Phó Kiến trúc sư Trưởng TP.HCM cho rằng, để thực hiện Đề án mới của TP thật sự thành công, nguyên tắc đầu tiên là người dân phải được hưởng lợi từ dự án đem lại. Không những người dân có liên quan đến dự án mà người dân của cả TP.HCM phải được hưởng lợi.

KTS Cương đưa ra ý kiến, vấn đề quan trọng nhất là nên thể chế hóa việc này, làm sao để chuyển thành một văn bản pháp luật sẽ giúp người dân và Nhà nước dễ làm việc hơn.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP.HCM cho rằng, cơ chế đầu tiên là Nhà nước cần phải có một quy hoạch rõ ràng và minh bạch. "Nhà nước muốn làm con đường này và tuyên bố là sẽ thu hồi với một dịện tích như thế nhưng phải mạch lạc, công khai, có những quy định rất rõ ràng về mặt thời gian, tiến độ, cơ chế đền bù, tái định cư… và phải có sự tham gia của người dân trong khu vực. Sau khi sự đồng thuận đạt được rồi thì lúc đấy sẽ triển khai các bước tiếp theo", TS Anh nêu quan điểm.

Thế Quang

Tin mới