Video: Phiên chợ ném cà chua cầu may đầu năm mới
Cứ mùng 6 Tết Nguyên đán, hàng nghìn người dân ở Thanh Hóa kéo nhau về phiên chợ Chuộng ở xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa). Phiên chợ này được tổ chức duy nhất vào ngày mùng 6 Tết hàng năm.
Đồ bán tại chợ là những sản vật trong vùng: rau xanh, hoa quả, vật nuôi, dụng cụ sản xuất nông nghiệp... Tuy nhiên, được nhiều người ưa thích, chọn mua nhiều nhất là các món hàng có màu đỏ như cà chua chín mọng, bánh đa đỏ… với ý nghĩa đầu năm mang về nhà “vận đỏ”.
Người bán hàng tại chợ mang theo tâm lý bán mở hàng đầu năm còn người mua thì mong muốn mua hàng lấy may nên giá cả không phải là yếu tố quan trọng nhất trong hoạt động mua bán.
Được chờ đợi nhất tại phiên chợ là hoạt động nam thanh nữ tú dùng cà chua chín đỏ ném vào người nhau để “lấy may”.
Người ta quan niệm cà chua chín đỏ mang lại may mắn nên dù có bị bẩn hết quần áo vì bị ném cà chua thì cả người ném lẫn người bị ném vẫn vui vẻ, hồ hởi.
Dưới đây là một số hình ảnh tại chợ Chuộng vào sáng 21/2 (mùng 6 Tết):
Chỉ họp một phiên duy nhất trong năm, chợ Chuộng thu hút hàng nghìn lượt người tham gia.
Cà chua chín đỏ là mặt hàng thu hút nhiều người mua nhất tại chợ Chuộng.
Được chờ đợi nhất tại chợ là hoạt động nam thanh nữ tú dùng cà chua chín đỏ ném vào người nhau để “tỏ tình” và mong một năm mới may mắn, bình an.
Lứa tuổi tham gia ném cà chua nhiều nhất ở phiên chợ là thanh thiếu niên.
Cả người ném lẫn người bị ném cà chua vào người rất hồ hởi và vui vẻ.
Các cô gái trẻ luôn là tâm điểm của "cuộc chiến" ném cà chua.
Người đi chợ Chuộng quan niệm càng “bị” ném nhiều cà chua chín đỏ vào người thì càng may mắn.
Các cụ cao niên kể ngày xưa, vào thời Lê Lợi có một vị tướng đánh giặc chạy ngang qua làng Giang (xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn) thì bị kẻ địch vây bắt. Hôm ấy nhằm ngày mùng 6 Tết.
Để tránh bị địch phát hiện, vị tướng đã trao đổi với dân làng và huy động nhân dân quanh vùng họp chợ để che mắt quân thù. Vũ khí được giấu trong những gánh hàng.
Quân địch tưởng đó chỉ là một phiên chợ quê bình thường, mất cảnh giác nên khi vị tướng phát lệnh, dân quân làng bất ngờ tấn công khiến quân địch không kịp trở tay.
Để tưởng nhớ chiến công đó, cứ đến ngày mùng 6 Tết là dân quanh vùng tụ tập về đây họp chợ, mua may, bán rủi để cầu mong năm mới gặp nhiều may mắn, làm ăn phát tài.