Hệ thống cửa hàng đổi rác lấy thực phẩm là ý tưởng xuất phát từ một công ty trên địa bàn phường Văn Miếu (quận Đống Đa, Hà Nội). Những gian hàng đặc biệt xuất hiện tại nhiều nơi trên địa bàn Thủ đô thu hút sự chú ý của không ít người dân.
Ngoài việc bày bán rau củ, hoa quả, thực phẩm… phục vụ nhu cầu của khác hàng, tại đây còn triển khai mô hình đổi rác từ vỏ lon, giấy bìa, sắt vụn để lấy thực phẩm. Bảng giá cho mỗi loại phế liệu cũng như thực phẩm đều được niêm yết công khai theo đúng quy định.
Gian hàng được mở cửa từ 6h đến 18h để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Ông Trần Ngọc Tuấn, đại diện của đơn vị tổ chức gian hàng thực phẩm số 3 Quốc Tử Giám (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Ngay từ khi triển khai các gian hàng đổi rác lấy thực phẩm, chúng tôi nhận được rất nhiều sự đồng tình ủng hộ của bà con. Đặc biệt, những việc làm trên góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc giảm thiểu chất thải ra ngoài, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, để từng con phố của Thủ đô được xanh - sạch - đẹp”.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, ban quản lý yêu cầu người mua quét mã QR, đứng đúng khoảng cách 1-2m và chấp hành biện pháp 5K theo quy định của Bộ Y tế.
Nhân viên của hàng có mặt từ sớm để chuẩn bị hàng hoá nhằm phục vụ kịp thời gian người dân đi mua hàng.
Ông Nguyễn Viết Khoa, người dân sinh sống trên địa bàn phường Văn Miếu (quận Đống Đa) cho biết: “Gian hàng này đã xuất hiện khoảng 2 tuần nay, ban đầu người dân còn bỡ ngỡ nhưng sau đó thấy vài người mang phế liệu vỏ lon, giấy vụn đổi lấy lương thực, thực phẩm mang về. Gia đình tôi cũng mang những vỏ lon, sách vở không dùng đến để hưởng ứng, vừa góp phần làm khu phố thêm xanh - sạch - đẹp, vừa có thêm thực phẩm sử dụng cho sinh hoạt hằng ngày”.
Những thực phẩm thiết yếu được bày bán tại đây đều niêm yết giá và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
"Những ngày toàn bộ người dân sinh sống trên địa bàn phường Văn Miếu bị phong toả do phát hiện ca nhiễm liên quan đến SARS-CoV-2, rác thải được tích tụ trong nhà gây mất vệ sinh, môi trường. Nhận được thông tin, tại địa bàn có chương trình đổi rác lấy thực phẩm tôi liền dọn dẹp nhà cửa, thu gom giấy vụn, vỏ lon từ đợt dịch để đem đổi lấy rau, thịt, cá”, một người dân sinh sống trên địa bàn quận Đống đa nói.
Được biết, mỗi ngày gian hàng thu mua trung bình từ 100 – 150kg phế liệu, thậm chí có ngày lên đến 200kg. Đặc biệt, khách hàng không chỉ là những người dân sinh sống quanh khu vực gian hàng mà rất nhiều người lao động tự do ở xa, công nhân môi trường cũng mang phế liệu đến đây để đổi lấy thực phẩm.
Hiện tại, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 20 gian hàng đổi phế liệu lấy thực phẩm như vậy đang hoạt động. Chương trình được triển khai từ 22/9 nhằm lan toàn tinh thần bảo vệ môi trường cũng như hỗ trợ người dân trong mùa dịch.