Trong tiết trời se lạnh của những ngày cận Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, người dân tại huyện miền núi Anh Sơn (Nghệ An) lại háo hức, đổ xô về các khu vực trung tâm để mua sắm Tết. Tại thị trấn nhỏ của huyện, sắc cờ đỏ tung bay, rộn ràng khắp ngõ.
Khi đất trời đang bắt đầu chuyển mình sang xuân, đang có sự giao thoa giữa năm mới và năm cũ thì con người cũng trở nên hân hoan hơn. Mọi người lại háo hức rủ nhau tới chợ huyện để sắm Tết.
Đi chợ ngày Tết đã trở thành thói quen, một nét văn hóa độc đáo của người dân quê. Tại chợ có đầy đủ tất cả mặt hàng đậm đà chất quê.
Từ bánh chưng, bánh tét...
Cho tới cau trầu để thờ cúng.
Không khí tại chợ những ngày này trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Người người chen nhau, chào hỏi nhau, xua tan cái lạnh của mùa đông vùng cao.
Ngoài các mặt hàng dân dã, các mối buôn cũng tranh thủ nhập thêm đào và quất cảnh về bán.
Quất cảnh được nhập từ Hà Nội về có giá từ 300.000 - 1.200.000 đồng/cây.
Đào có giá 300.000 - 1.000.000 đồng/cây. Tết ở vùng nông thôn thường đến sớm hơn và dễ cảm nhận hơn ở thành thị nhờ có chợ Tết. Thường cứ sau ngày 20 tháng Chạp, chuẩn bị cho cái lễ đầu tiên là cúng ông Táo (ngày 23 tháng Chạp) đi khắp chốn vùng quê, ta đã có thể cảm nhận rất rõ không khí tết qua khắp mọi chợ lớn, chợ nhỏ.
Đối với người dân vùng quê, chợ Tết không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi giao lưu tình cảm, thăm hỏi bạn bè, người thân, kể chuyện gia cảnh khi lâu lâu mọi người mới có dịp gặp nhau.
Ở vùng quê, đàn bà, con gái rủ nhau đi chợ, còn cánh đàn ông lại ở nhà cùng nhau làm thịt lợn rồi 3, 4 nhà chia nhau mang về ăn Tết.
Video: Bí quyết gói bánh chưng không cần khuôn ở làng nghề nức tiếng miền Bắc