Cuộc sống hối hả, nhiều người chọn mua sẵn các loại thực phẩm về ăn Tết. Nhưng ở những chung cư của Thủ đô, những người dân Hà Nội truyền thống vẫn tỉ mẩn, rửa lá, nấu đậu, gói - luộc từng chiếc bánh chưng truyền thống vuông vức, ngon lành đón xuân.
Vẫn lá dong phủ ngoài, gạo nếp, đỗ xanh, thịt mỡ bên trong 27, 28 Tết năm nay nhiều gia đình ở Hà Nội tự tay chuẩn bị nguyên liệu, dành những khoảng thời giờ cuối năm để gói, nấu bánh chưng đón Tết.
Hình ảnh được ghi lại sáng 28 Tết tại một khu chung cư ở đường Nguyễn Xiển, Thanh Xuân, Hà Nội. Nhiều gia đình người Hà Nội ở đây tự gói - nấu bánh chưng ăn Tết, đón xuân.
Với quan niệm "có bánh chưng là có Tết" dù sống ở chung cư, không gian chật hẹp nhưng gia đình bà Đinh Kim Mai ở chung cư A2/X2 Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội năm nào cũng tự tay chuẩn bị nguyên liệu, tự gói, tự nấu những chiếc bánh chưng xanh chuẩn vị truyền thống.
Bà Mai cho biết: "Hàng chục năm nay, năm nào nhà tôi cũng tự tay gói bánh chưng ăn Tết. Trước tôi ở nhà đất, có sân rộng thì cả nhà quây quần gói bánh chưng với nhau. Mới đây, tôi chuyển lên chung cư sống, không quên truyền thống của gia đình, năm nay tôi cùng con cháu vẫn tự gói bánh và mang bánh xuống sân chung cư để nấu".
Bánh của bà chuẩn vị bánh chưng truyền thống. Đầu tiên gạo được ngâm kỹ xuyên đêm với nước lạnh sau đó trộn với nước lá giềng tươi để có màu xanh mướt đẹp mắt. Nước lá giềng còn giúp gạo dẻo, chín dền, giúp bánh có mùi thơm vị đậm đà hơn hẳn.
Muốn bánh ngon, nhân mềm mịn, không bị cứng bà Mai cũng nấu đỗ rất cầu kỳ. Đỗ ngâm nấu chín sau đó được giã nhuyễn, dùng dao thái mịn sau đó nắm thành từng viên vừa với chiếc bánh.
Thịt dùng để gọi bánh phải là thịt có đủ nạc và mỡ, ngon nhất là phần thịt ba chỉ. Thịt được làm sạch sau đó ướp kỹ để nhân bánh thơm ngon đậm đà.
Theo chia sẻ của bà Mai, chỉ có những người trẻ mới hay ngại và thường mua bánh gói sẵn về ăn. Riêng nhà bà, bà muốn tự tay làm mọi thứ, công việc bận bịu hơn một chút nhưng cả con cả cháu cùng xúm tay vào, mỗi người một việc Tết sẽ vui và ý nghĩa hơn.
Theo khảo sát của VTC News, năm nay không chỉ gia đình bà Mai mà rất nhiều gia đình khác ở Hà Nội và cả những nhà sống ở các khu chung cư tụ tập cùng nhau tự gói và nấu bánh chưng.
Chị Thúy Hiền, ở khu đô thị mới Định Công cho biết: "Nhà tôi ở tầng 5 chung cư, năm nay cả tầng cùng gói bánh ăn với nhau. Sáng 27 Tết chị em đã cùng đi chợ sắm đủ nguyên liệu, sáng nay 28 Tết thì quây quần tại một nhà gói bánh với nhau".
Cả tầng nhà chị Hiền ở gồm 8 hộ gia đình, năm nay họ gói hơn 60 chiếc bánh chưng.
"Tối nay, các ông chồng sẽ tụ tập canh luộc bánh dưới sân chung cư. Tất bật cả 2 ngày trời lo nồi bánh nhưng vui lắm. Vui nhất là bọn trẻ con. Đúng là Tết", chị Hiền nói.
Cận cảnh các bước gói bánh chưng truyền thống của gia đình bà Mai. Gạo xanh mướt, đậu chín vàng thịt mỡ quyện vào nhau chuẩn vị.
Bánh chưng sau khi luộc chín vỏ dền, mềm dẻo, nhân đậm đà, lớp mỡ chảy nhẹ ra hòa với nhân ngon khó cưỡng.
Cận cảnh các bước gói bánh.
Bà Mai đang chau chuốt từng chiếc bánh của mình.
Vì năm nào cũng gói bánh, rất có kinh nghiệm nên không cần cân đo, chỉ cần bát bà Mai dễ dàng ước lượng đủ nguyên liệu cho 1 chiếc bánh.
Không cần dùng khuôn, bà Mai gói vo bánh bằng tay những vẫn vuông đẹp như dùng khuôn có sẵn.
Mỗi chiếc bánh được buộc 3 lần lạt để đủ chắc chắn, tránh bị rách, bục bánh khi luộc.
Gói bánh chưng ngày 28 Tết.
Cận cảnh bánh sau khi gói.
Những chiếc bánh này sẽ được luộc chín trong 12 tiếng vào đêm nay.