Những tháng ngày phải đằng đẵng ăn trực nằm chờ tại khu vực cửa khẩu, chờ xe được thông quan dịp cuối năm 2021 có lẽ sẽ là những ngày đáng quên nhất với cánh lái xe chở hàng lên biên giới phía Bắc. Trong lúc sốt ruột ngóng chờ thông quan, tài xế phải tự trang trải cuộc sống, lo mọi chi phí sinh hoạt. (Ảnh: V.N)
Anh Đoàn Hồng Giang (32 tuổi) chia sẻ, thời tiết ở vùng cửa khẩu rất khắc nghiệt: Đêm xuống thì lạnh dưới 10 độ C, ban ngày thì nắng và khói bụi vì bãi đỗ xe không một bóng cây. Ai không đủ sức khỏe thì không trụ nổi vài ngày. Trong suốt thời gian chờ đợi, họ chỉ biết tụ tập ngồi nói chuyện để "giết" thời gian. (Ảnh: Trần Cường)
Mọi nhu cầu phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày đều phải mất tiền. Nhiều tài xế than thở: Ở trên này thứ gì cũng đắt đỏ, chưa kể có không ít người lợi dụng tình hình để bán giá cao hơn. Suất cơm bình dân thôi cũng 50.000 đồng. Còn muốn ăn ngon một chút thì phải xác định tốn 300.000 - 400.000 đồng/bữa ngay. Chính vì thế, để cầm cự, tài xế chọn cách tự mua thực phẩm về chế biến. (Ảnh: V.N)
Nước là nhu cầu không thể thiếu, được bán với giá 10.000 đồng/bình. (Ảnh: V.N)
Dù đã chuẩn bị sẵn tiền làm lộ phí sinh hoạt nhưng do mắc kẹt quá lâu, nhiều tài xế dần cạn vốn. (Ảnh: V.N)
Hiện tại, vẫn còn gần 4.000 xe hàng mắc kẹt tại các cửa khẩu biên giới Lạng Sơn, đồng nghĩa với việc cũng có gần 4.000 tài xế nằm chờ.
Nấu ăn đơn sơ với chiếc bếp gas du lịch là hình ảnh phổ biến tại các bãi tập kết xe thời điểm này. (Ảnh: Trần Cường)
Mọi hoạt động sinh hoạt đều diễn ra xung quanh xe hàng để bảo vệ tài sản và tiết kiệm chi phí. (Ảnh: Trần Cường)
Do nằm chờ quá lâu, nhiều xe hỏng ắc quy, tài xế phải thay nước axit và sạc lại. (Ảnh: V.N)
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết, hiện phí bến bãi được giảm theo các mức hỗ trợ 20% cho tất cả các phương tiện. Từ ngày thứ 3 trở đi giảm 50%, từ ngày thứ 10 giảm 70%. (Ảnh: V.N)
Tài xế thường xuyên phải kiểm tra chất lượng hàng nông sản. (Ảnh: V.N)
Nhiều tài xế rủ nhau nấu chung những bữa ăn đạm bạc để giảm thiểu chi phí sinh hoạt. (Ảnh: V.N)
Có những ngày nắng nóng, nhiều tài xế phải trèo lên xe nổ máy, bật điều hoà vì không chịu được. Nhưng phần lớn chọn cách mắc võng dưới gầm xe để tiết kiệm chi phí. Bởi cứ mỗi phút máy nổ là mỗi phút “đốt tiền” xăng dầu. (Ảnh: V.N)
Mọi sinh hoạt đều diễn ra trong không gian chật hẹp, bức bối của chính chiếc xe chở hàng. (Ảnh: V.N)