Hình ảnh được chụp lại chỉ vài phút sau khi thiên thạch lao xuống bầu khí quyển của Trái Đất cho thấy phần đuôi nó để lại cũng như phần bóng của quả cầu lửa mà nó tạo ra.
"Có thể quan sát thấy đám mây nhuốm màu cam mà quả cầu lửa để lại là hệ quả khi thiên thạch lao xuống và làm nóng không khí", NASA bình luận dưới GIF đăng tải về vụ nổ.
NASA công bố hình ảnh về vụ nổ hồi tháng 12/2018. (Ảnh: NASA)
Các hình ảnh được vệ tinh Terra cùng 5 trong tổng số 9 máy ảnh của máy quang phổ hình ảnh đa góc của NASA chụp lại khoảng 7 phút sau khi thiên thạch lao vào bầu khí quyển. NASA đã tổng hợp các hình ảnh này và ghép thành một GIF.
Theo thông tin mà NASA cung cấp hôm 18/3, vụ nổ xảy ra vào trưa 18/12 tại biển Bering, ngoài khơi bán đảo Kamchatka của Nga. Đây là vụ nổ lớn nhất kể từ sau vụ nổ thiên thạch ở Chelyabinsk cách đây 6 năm.
Một thiên thạch có đường kính khoảng vài mét đã lao vào bầu khí quyển của Trái Đất với vận tốc lên tới gần 120.000 km/h. Nó phát nổ khi cách bề mặt Trái Đất 25,6 km. Vụ nổ tạo ra năng lượng tương đương với 173 kiloton chất nổ TNT, mạnh gấp 10 lần vụ nổ bom hạt nhân ở Hiroshima năm 1945.
Vệt sáng màu cam là quả cầu lửa mà thiên thạch tạo ra khi nó lao vào bầu khí quyển. (Ảnh: Twitter)
"Năng lượng mà nó giải phóng ra bằng 40% năng lượng từ vụ nổ ở Chelyabinsk nhưng do xảy ra ngoài biển Bering nên nó không được chú ý trên các trang tin tức", Kelly Fast, người quản lý chương trình quan sát vật thể gần Trái Đất tại NASA nói BBC.
Theo NASA, một vật thể có kích thước như vậy chỉ "tấn công" Trái Đất 2 tới 3 lần trong vòng 100 năm. Trước NASA, Nhật Bản cũng đã công bố hình ảnh mà vệ tinh thời tiết của nó chụp lại về vụ nổ.