Hiện trong Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế còn lưu giữ, trưng bày hơn 40 hiện vật gắn liền với triều đại hoàng đế Gia Long. Trong hình là súng điểu thương, kỷ vật gắn bó với vua Gia Long thời chinh chiến. Sau khi lên ngôi, kỷ vật này được lưu giữ và về sau ban tặng cho vua Minh Mạng và được vua Thiệu Trị xác nhận là bảo vật truyền đời của triều đại, khắc lên súng để ghi nhớ. (Ảnh: LC).
Kim bảo Quốc gia tín bảo (phiên bản gốm mạ vàng) xuất hiện ở triều đại vua Gia Long và dùng để đóng trên các văn bản triệu tập tướng lĩnh, phát động binh lính, trưng binh nhập ngũ... cùng một số văn bản quan trọng khác. (Ảnh: LC)
Thời vua Gia Long, việc duy trì quan hệ ngoại giao với các nước lân bang, đặc biệt là với Trung Hoa được đặc biệt chú trọng. Trong những lần đi sứ, ngoài nhiệm vụ triều đình giao phó (cầu phong, trả ân, lệ cống, chúc mừng...) các đoàn sứ triều Nguyễn còn mua sắm vật dụng (đồ sứ, vải gấm...) cho triều đình. Năm 1804, sau khi nhà Thanh sai sứ sang làm lễ tuyên phong cho hoàng đế Gia Long tại thành Thăng Long, đoàn sứ giả triều đình Việt Nam do Lê Bá Phẩm dẫn đầu mang thư và phẩm vật sang tạ. Những món đồ sứ (tô, chén, đĩa) mang hiệu "Giáp tỳ nhiên chế" (1804) là những sản phầm được đặt làm tại Trung Hoa trong chuyến đi này. (Ảnh: LC).
Các vật dụng dùng trong lễ tế Giao được chế tác và sắp xếp dựa trên các quy định của triều đình nhà Nguyễn về màu sắc, hình dáng, chất liệu và phương hướng theo triết lý của Dịch học phương Đông. Trong hình là lư xông trầm bằng đồng dùng trong lễ tế Giao thời nhà nguyễn.
Những bình hoa bằng đồng được chế tác dưới triều đại hoàng đế Gia Long. (Ảnh: LC)
Bản sao văn khế bán đất ngày 25 tháng Giêng năm Gia Long thứ 2 (1803) của vợ chồng Trần Đình Thuận và bà Dương Thị Thìn cho vợ chồng ông Phúc (huyện Quảng Điền).
Tiền dưới triều đại vua Gia Long (1802 - 1820). (Ảnh: LC)
Thời Nguyễn, theo quy định của triều đình, mỗi tháng nhà vua sẽ làm lễ Đại triều vào ngày mồng 1 và 15 (âm lịch) tại sân điện Thái Hòa với sự tham gia của bá quan văn võ trong triều; lễ Thường triều được tổ chức vào ngày 5, 10, 20 và 25 (âm lịch) hàng tháng tại điện Cần Chánh với sự tham gia của các quan từ Tứ phẩm trở lên. Dưới thời Gia Long, các quan văn đứng bên phải, quan võ đứng bên trái sân chầu, theo vị trí được xác định bằng bia Phẩm sơn. Thời vua Minh Mạng đổi lại theo trật tự quan văn đứng bên trái, quan võ đứng bên phải. Trong hình, tấm bia đá đứng là Phẩm sơn (bia định vị trí đứng chầu) của quan Chánh Tam phẩm. (Ảnh: LC).
Bút phê của hoàng đế Gia Long trên bản kê khai họ tên, tuổi và số dân các hạng phường An Mỹ (tổng Yên Lễ Thượng, huyện Duy Xuyên, phủ Thăng Hoa) nhân kỳ duyệt tuyển năm Gia Long thứ 17 (1818). (Ảnh: LC)
Bản chiếu về việc giảm các hạng thuế năm Giáp tuất vì thời tiết không thuận lợi năm Gia Long thứ 13 (1814) và phiên bản mộc bản bìa sách "Hoàng Việt luật lệ" ban hành năm Gia Long thứ 12 (1813). (Ảnh: LC)
Phiên bản mộc bản sách "Đại nam thực lục chính biên đệ nhật ký" (quyền 23, mặt 13) tóm tắt nội dung hoàng đế Gia Long đổi quốc hiệu nước ta là Việt Nam. (Ảnh: LC).
Gạch vồ là loại gạch phổ biến được dùng để xây dựng Kinh thành Huế. Dưới thời vua Gia Long - Minh Mạng, nhiều đội sản xuất và các đơn vị quân đội tham gia trực tiếp vào việc sản xuất gạch và xây dựng kinh thành Huế. Các ký hiệu, ký tự khắc trên thân gạch dùng để đánh dấu các đơn vị sản xuất loại gạch này. (Ảnh: LC).
Gạch bát tràng được sử dụng trong việc xây dựng lăng Thiên Thọ của vua Gia Long. (Ảnh: LC).