Hai bộ xương cá voi trên hiện đang được thờ tại một ngôi miếu ven biển có tên Ngư Linh ở xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Hai bộ xương cá này hiện được đánh giá là có kích cỡ thuộc hàng “khủng” nhất ở các làng biển Việt Nam.
Video: Cận cảnh hai bộ xương cá voi 'khủng' có niên đại hàng trăm năm tuổi ở Quảng Bình
Theo các bậc cao niên, thời khai thiên lập làng, với phong tục làng biển, người dân biển Cảnh Dương đã tổ chức những buổi lễ trang nghiêm để cúng bái các vị thần cá dạt về nơi này.
Họ quan niệm đó là những vị thần mang lại sự bình yên, may mắn mỗi khi ra khơi. Vì vậy, mỗi khi xuất hiện các con cá lớn chết trôi dạt vào bờ, người dân đều chôn chất cẩn thận, không bao giờ làm hại đến thể xác của các vị thần cá.
Trong các loại cá thì cá voi được người dân làng Cảnh Dương tôn kính gọi bằng cái tên “cá Ông, cá Bà".
Một trong hai bộ xương cá voi "khủng" có niên đại hàng trăm năm được người dân lữu giữ và thờ cúng. (Ảnh: Trần Anh)
Hai bộ xương cá “khủng” chính là xương của hai con cá voi khổng lồ chết và trôi dạt vào bờ biển Cảnh Dương và được dân làng chôn cất, lấy cốt và thờ tự.
Theo gia phả của một dòng họ lớn ở Cảnh Dương thì hai bộ xương cá này có thể xuất hiện từ đời vua Gia Long (1809) và vua Duy Tân (1907). Cụ thể, gia phả Tây Trung Họ Trương (Còn gọi là Trương Trung Tây gia phả) có đoạn viết: "Năm Kỷ Tỵ (1809), đời Gia Long thứ 9, Đức Bà vào, các dòng họ trong làng tổ chức đón linh đình. Năm Đinh Mùi (1907), đời Duy Tân thứ 16, Đức Ông vào, các dòng họ tổ chức đón linh đình".
Sau những cuộc đón rước đó, đôi "cá Ông, cá Bà" này được người dân nơi đây tổ chức thờ cúng với sự tôn kính, trang nghiêm. Dân làng giành ngày rằm đầu xuân (15/1 Âm lịch) long trọng tổ chức lễ hội để thể hiện sự sùng bái đối với cặp "cá Ông, cá Bà" này.
Một số hình ảnh về hai bộ xương "cá Ông, cá Bà" thuộc hàng "khủng" nhất Việt Nam do PV VTC News ghi nhận:
Miếu Ngư Linh - nơi thờ tự hai bộ xương "cá Ông, cá Bà" được người dân tôn tạo khang trang. (Ảnh: Trần Anh)
Hai bộ xương cá được người dân thờ tự có kích thước rất lớn, mỗi ống xương như cái cột nhà, mảnh xương sườn có chiều dài hơn 4 m. (Ảnh: Trần Anh)
Một đoạn xương to như cái cột nhà. (Ảnh: Trần Anh)
Ông Nguyễn Văn Biểu (63 tuổi) - người quản lý Ngư Linh miếu cho biết: “Trước đây hai bộ xương này rất là to, nhưng do thời gian và chiến tranh tàn phá ác liệt, bị mất trộm và cũng do lâu ngày nên xương bị mất dần nên chỉ còn chừng này”. (Ảnh: Trần Anh)
Xương cá được đặt nơi trang nghiêm và được dân làng thường xuyên làm vệ sinh. Những mảnh vụn vỡ hay chất bột từ xương bị rơi xuống thì được hứng lại, bỏ vào bao và đặt lên bàn thờ để tiếp tục thờ cúng. (Ảnh: Trần Anh)
Đã nhiều đời nay, người dân Cảnh Dương luôn trân trọng và thờ cúng hai bộ xương cá một cách long trọng và trang nghiêm. (Ảnh: Trần Anh)