Hãng tin RT dẫn lại một đoạn phóng sự do Bộ Quốc phòng Anh công bố ngày 27/3 cho thấy, các binh sĩ Ukraine đang được huấn luyện cách vận hành xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 cùng với đó là các loại đạn pháo 120 mm cho xe tăng này.
Binh sĩ Ukraine cũng được giới thiệu về đạn xuyên giáp dưới cỡ (APFSDS) L26A1 và L27A1, thứ vũ khí giúp Challenger 2 tiêu diệt các mục tiêu bọc thép của đối phương.
Cũng trong phóng sự của Bộ Quốc phòng Anh, các binh sĩ Ukraine với sự hướng dẫn của sĩ quan tăng thiết giáp Anh và cả Mỹ đang nhanh chóng học cách điều khiển những xe tăng mới mà họ sắp được trang bị.
Binh sĩ Ukraine được các cố vấn quân sự Anh giới thiệu về đạn xuyên giáp dưới cỡ APFSDS dành cho Challenger 2. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh)
Đạn xuyên giáp dưới cỡ APFSDS là một trong nhiều mẫu đạn pháo 120 mm được trang bị cho Challenger 2, nó được trang bị một lõi uranium nghèo có khả năng xuyên phá qua các lớp giáp bảo vệ của nhiều dòng xe tăng chiến đấu chủ lực từ khoảng cách 3.500 m.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Anh cam kết sẽ viện trợ 14 xe tăng Challenger 2 cho Ukraine, một phần trong số này đã được chuyển giao cho Kiev. Ngoài Anh, Mỹ và Đức cũng cam kết chuyển giao xe tăng M1 Abrams và Leopard 2 cho Ukraine nhưng không rõ trang bị đạn dược đi kèm.
Bên cạnh xe tăng Challenger 2, Bộ Quốc phòng Anh còn tuyên bố sẽ chuyển giao đạn xuyên giáp APFSDS sử dung loại lõi uranium nghèo cho Ukraine, bất chấp những lo ngại về nguy cơ ô nhiễm môi trường lẫn sức khỏe của con người trước loại vũ khí này.
Theo ông Doug Weir, một chuyên gia của tổ chức quan sát môi trường và xung đột, đạn uranium nghèo sau khi được bắn đi sẽ bị vỡ thành nhiều mảnh và đốt cháy, chúng tạo ra các bụi phóng xạ độc hại đối với sức khỏe con người lẫn môi trường.
Cũng theo ông Weir, việc các bên sử dụng đạn uranium nghèo càng tạo thêm gánh nặng cho Ukraine một khi cuộc chiến qua đi, ô nhiễm môi trường do bụi phóng xạ là một trong số đó.
Đạn xuyên giáp APFSDS L27A1. (Ảnh: Declassified UK)
Chuyên gia Weir cũng xác định loại đạn trong video của Bộ Quốc phòng Anh là phiên bản APFSDS L27A1 được quân đội Anh sử dụng từ năm 1999.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố vào cuối tuần trước, Bộ Quốc phòng Anh cho biết khả năng đạn uranium gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường là rất thấp.
Sau tuyên bố cung cấp đạn uranium nghèo cho Ukraine của phía Anh, Bộ Ngoại giao Nga đã gọi động thái này là “liều lĩnh và vô trách nhiệm”’.
Còn theo Trung tướng Igor Kirillov, người đứng đầu Lực lượng phòng thủ hạt nhân, sinh học và hóa học của quân đội Nga cho biết, bụi phóng xạ từ đạn uranium nghèo sẽ làm ô nhiễm đất và phá hủy nền nông nghiệp của Ukraine trong nhiều thập kỷ, đồng thời gây ra “tác hại không thể khắc phục” đối với sức khỏe của người dân Ukraine.