Để các công ty công nghệ hỗ trợ sự giám sát của chính phủ, “cánh tay” đắc lực cho việc đó chính là hình ảnh và thông tin riêng tư của bạn.
Các công ty, trường đại học và phòng thí nghiệm tại Mỹ đã tổng hợp hàng triệu bức hình trên Internet để hoàn thiện hệ thống nhận diện khuôn mặt. Các nhà nghiên cứu đã tạo ra Exposing.AI (E.AI), công cụ giúp người dùng tìm ảnh từ hệ thống tổng hợp đó.
Theo New York Times, E.AI hỗ trợ việc tìm kiếm hình ảnh tương tự nhau, lưu trên dịch vụ chia sẻ ảnh Flickr. Nó cũng mang đến nguồn dữ liệu cần thiết cho việc xây dựng hệ thống trí tuệ nhân tạo, hoặc những chatbot trên Internet.
Bức ảnh Mosaic tổng hợp khuôn mặt của hơn 50.000 người từ MegaFace. (Ảnh: Adam Harvey)
"Mọi người cần nhận ra rằng những khoảnh khắc riêng tư của họ không còn bí mật nữa”, Liz O’Sullivan, Giám đốc Dự án Công nghệ Giám sát cho biết. Bà cùng với Adam Harvey (một nhà nghiên cứu và nghệ sỹ ở Berlin) tạo nên E.AI.
Các hệ thống sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vận hành bằng cách sử dụng dữ liệu mẫu được tạo ra bởi con người như hình ảnh, bản ghi âm... Nhiều người không biết họ đang đóng góp cho việc phát triển AI.
Tuy nhiên, việc khai thác dữ liệu riêng tư là trái pháp luật. Một luật được ban hành tại Illinois (Mỹ) vào năm 2008 ghi rằng nếu sử dụng hình ảnh cá nhân của ai đó mà chưa có sự cho phép sẽ bị phạt hành chính.
Năm 2006, Brett Gaylor, một nhà làm phim tài liệu ở Canada, đăng tải hình ảnh tuần trăng mật lên Flickr. Trong một lần sử dụng E.AI, Gaylor phát hiện hàng trăm tấm ảnh tương tự đã được thu thập để hoàn thiện hệ thống AI. Không biết tại sao ảnh của mình có thể xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau, sự tò mò của Gaylor đã trở thành nỗi lo sợ.
Một ví dụ điển hình về việc thu thập hình ảnh là MegaFace, hệ thống dữ liệu được tạo ra bởi các giáo sư tại Đại học Washington năm 2015. MegaFace nhận được hàng nghìn lượt tải từ các công ty và cơ quan chính phủ nhiều nước trên thế giới. Mặc dù không được sử dụng với mục đích thương mại, MegaFace đã bị dừng hoạt động vào tháng 5/2020 và tất cả dữ liệu đã được gỡ xuống.
Ảnh tuần trăng mật của Brett Gaylor trên Flickr. (Ảnh: Brett Gaylor)
O’Sullivan và Harvey đã dành nhiều năm phát triển công cụ giúp người dùng biết được dữ liệu của họ bị sử dụng như thế nào, nhưng sợ rằng công cụ đó sẽ được dùng vào mục đích xấu.
“Rủi ro cho việc này là rất lớn”, O’Sullivan cho biết. Cuối cùng, họ vẫn phải hạn chế việc sử dụng của E.AI và kết quả mà nó mang lại để không làm mọi thứ tồi tệ hơn. Cả 2 hy vọng rằng trong tương lai, chính phủ sẽ thiết lập những chính sách, hệ thống mới để ngăn chặn việc thu thập hàng loạt thông tin cá nhân của người dân.