Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ảnh: 5 cây gạo đỏ rực giữa trời tháng 3 bên ngôi đền cổ Hải Phòng

(VTC News) -

Những ngày này, 5 cây gạo gắn liền với đền cổ Vạn Chài (Hải Phòng) đang nở hoa đỏ rực, níu chân rất nhiều khách du lịch khi đặt chân tới Đồ Sơn.

 

Đồ Sơn có gần chục cây gạo cổ thụ từ 100 đến hơn 200 năm, tập trung chủ yếu tại khu vực bến Thốc, phường Vạn Hương (Đồ Sơn, TP Hải Phòng), gắn liền với ngôi đền cổ Vạn Chài. 

Nhìn từ xa, những cây gạo như đốm lửa nhỏ rực rỡ giữa bầu trời tháng 3, ven theo con đường chạy thẳng tới các bãi tắm ở Đồ Sơn.

Mỗi người dân phường Vạn Hương đều thuộc nằm lòng câu thơ: "Tháng 3 mùa hoa gạo đỏ rực/Tháng 5 mùa quả gạo bông trắng xóa/Đỏ mùa hoa gạo tháng 3/Trắng màu quả gạo bay xa gió ngàn".

Nơi đây có ngôi đền Vạn Chài hay còn gọi đền Chài, nằm tựa lưng vào chân núi Đầu Vái - vị trí trung tâm của dãy núi Chín Rồng. Ngôi đền nằm dưới bóng 5 cây gạo đại thụ hàng trăm năm tuổi, xum xuê. 5 cây gạo mang tên một loại ngũ cốc, nuôi sống con người, được bố trí thành hình chữ sinh, nói lên sự sinh sôi, nảy nở, ấm no, hạnh phúc. 5 cây gạo như 5 ngón tay của Vua Mẫu ngự xuống mảnh đất linh địa này. 

Bà Hoàng Thị Thâm (68 tuổi, khu Vạn Hương) cho hay, trong số những cây gạo này, có 4 cây đứng ở 4 góc đền tượng trưng cho tứ trụ triều đình. Điều đặc biệt, những cây gạo chỉ mọc trong khuôn viên đền. Dù mưa bão, cành cây rụng xuống nhưng chỉ rụng ở sân và chưa lần nào rơi vào ngôi đền cổ.

Ông Nguyễn Văn Tung (68 tuổi, thủ nhang đền Vạn Chài) cho biết, ông thuộc lớp hậu duệ thứ 5 từ khi ngôi đền được xây dựng vào giữa thế kỷ XIX. 5 cây gạo cũng đi cùng năm tháng với ngôi đền.

Theo ông Tung, 5 cây gạo nằm trong khuôn viên đền Vạn Chài là nét độc đáo nhất vùng biển Đồ Sơn. Vì bên dưới là nước biển mặn mòi nhưng những cây gạo vẫn xanh tốt và rất sai hoa.

Tới mùa hoa gạo, người dân phường Vạn Sơn khi ra khơi lại được mùa cá tôm. Theo quan niệm của người dân nơi đây, năm nào cây gạo ra nhiều hoa và quả là năm đó ngư dân sẽ được mùa của tôm cá.

Thân cây gạo ở đền Vạn Hương đều có hình lòng chảo rất độc đáo. 

Đường kính đo được tại phần gốc mỗi cây từ 2 tới 2,5m. Một sải tay người lớn không ôm hết được nửa thân cây.

Hoa gạo có nhiều tên gọi khác như: hoa mộc miên, pơ - lang, anh hùng thụ, phàn chi hoa,hồng miên… là loài cây thân thẳng, vươn dài, có thể cao hơn 15m.

 Mỗi bông hoa có 5 cánh đều nhau, đỏ tươi rực rỡ.

Nếu như tháng 2, tháng 3 hoa gạo nở đỏ rực thì tháng 4, tháng 5 cây ra quả. Quả nhỏ chứa các sợi tương tự như sợi bông, sau khi nở trắng rơi thành từng chùm xuống đất. Nhiều người nhặt về làm bông nhồi gối.

Xác hoa rơi phủ đỏ một phần mái đền cổ, rêu phong.

Trên thân những cây gạo này xuất hiện cây tầm gửi. Theo bà Thâm, những cây tầm gửi này cũng mang nét khác biệt. Nhiều đoàn tâm linh về đền Vạn Chài xin cây này về đun nước chữa bệnh liên quan tới gan, thận.

Nhiều du khách khi đến với Đồ Sơn đều bị vẻ đẹp của những cây gạo đền Vạn Chài "hút hồn". Họ dừng lại dù chỉ vài ba phút nhưng cũng muốn thu trọn vẻ rực rỡ của loài hoa tháng 3 vào trong khung ảnh kỷ niệm.

Chị Hương (Hải Phòng) cũng là một trong số rất nhiều du khách dừng bước tại đền Vạn Chài, tranh thủ tạo dáng cùng những bông hoa gạo rụng đầy sân đền. Chị Hương cho biết, chị tổ chức ngày Quốc tế Phụ nữ sớm tại Đồ Sơn và bị choáng ngợp bởi sắc đỏ của hoa gạo đền Vạn Chài.

Không chỉ 5 cây gạo trong đền, xung quanh khu vực phường Vạn Hương còn rất nhiều cây gạo khác đang nở đỏ rực.

 

Video: Hoài niệm hoa gạo tháng 3

Nguyễn Huệ

Tin mới