Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

An ninh sân bay Mỹ an toàn hơn sau sự kiện 11/9?

(VTC News) -

Trải nghiệm ra sân bay đã phức tạp hơn nhiều sau vụ tấn công khủng bố 11/9 tại Mỹ, và tiếp tục đối mặt với các thách thức mới liên quan đến vấn đề an ninh.

Vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ đã tạo ra những thay đổi lớn với ngành hàng không.

Trước thời điểm này, các chuyến đi được cho là thoải mái hơn nhiều. Có kiểm tra an ninh, nhưng không đến mức "xăm soi" như bây giờ. Hành khách không phải xếp hàng dài đứng chờ. Họ có thể cùng người nhà đi bộ ra cổng bay, ôm tạm biệt.

Tất cả kết thúc sau khi các phần tử khủng bố al-Qaeda sử dụng 4 máy bay chở khách thương mại tấn công, đâm vào các tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới, Lầu Năm Góc và một cánh đồng ở Pennsylvania, Mỹ.

Vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 thay đổi lớn diện mạo ngành hàng không. 

Cuộc tấn công khủng bố tồi tệ nhất nước Mỹ đã khiến các sân bay trên toàn thế giới gia tăng biện pháp an ninh, kéo theo sự căng thẳng. Tất cả nhằm ngăn chặn sự kiện tồi tệ đó lặp lại. Thảm kịch cũng góp phần vào những thay đổi lớn nhỏ khác định hình lại ngành hàng không, trong khi đối với hành khách, việc di chuyển bằng máy bay trở nên ngày càng phức tạp.

Hai tháng sau các vụ tấn công, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, ông George W. Bush ký đạo luật thành lập Cơ quan Quản lý An ninh Vận tải (TSA), một lực lượng kiểm tra sân bay liên bang thay thế các công ty tư nhân mà các hãng hàng không đang thuê để xử lý vấn đề an ninh. Luật yêu cầu kiểm tra tất cả các hành lý ký gửi, gia cố cửa buồng lái và nhiều sĩ quan an ninh được đưa lên các chuyến bay.

(Ảnh minh họa)

Ứng phó với các mối đe dọa

Các biện pháp an ninh phát triển theo những mối đe dọa mới, vì vậy du khách được yêu cầu cởi thắt lưng và lấy một số vật dụng ra khỏi túi để quét. Những thứ rõ ràng có thể được sử dụng làm vũ khí, như dao rọc giấy đã được những kẻ không tặc 11/9 sử dụng, đều bị cấm.

Sau khi "kẻ đánh bom giày" Richard Reid cố gắng hạ chuyến bay từ Paris đến Miami vào cuối năm 2001, hành khách bắt đầu phải cởi giày dép tại các trạm kiểm soát an ninh.

Mỗi yêu cầu mới dường như làm cho các quá trình kiểm soát dài hơn, buộc hành khách phải đến sân bay sớm hơn nếu họ muốn lên máy bay đúng giờ. Đối với nhiều du khách, các quy tắc khác gây bối rối không nhỏ như giới hạn lượng chất lỏng được mang theo - phòng trường hợp điều này bị lợi dụng để chế tạo bom.

"Đi máy bay rắc rối hơn nhiều so với trước ngày 11/9, nhưng chúng tôi đã quen với nó", Ronald Briggs nói khi ông và vợ, Jeanne, đợi tại sân bay Quốc tế Dallas/Fort Worth để đáp chuyến bay đến London tháng trước. Hai người đã về hưu và thường xuyên đi du lịch trước đại dịch, hiện cho biết họ lo lắng về COVID-19 hơn là khủng bố.

Ronald Briggs nói: “Yêu cầu cởi giày vì một sự cố trên máy bay có vẻ hơi cực đoan, nhưng chương trình PreCheck (giúp khách hàng đăng ký thông tin trước để loại bỏ một số quy trình kiểm tra) hoạt động khá trơn tru và tôi đã sử dụng thắt lưng nhựa nên không cần bỏ ra".

Quy trình kiểm tra an ninh khi đi máy bay ngày càng phức tạp hơn sau 11/9. (Ảnh minh họa)

Vấn đề phải xếp hàng dài khi thực hiện các biện pháp an ninh sau cuộc tấn công 11/9 đã làm nảy sinh “chương trình dành cho khách du lịch đáng tin cậy” là TSA PreCheck và Global Entry, trong đó những người trả phí và cung cấp thông tin nhất định về bản thân sẽ được đi qua các trạm kiểm soát mà không cần tháo giày và áo khoác hoặc lấy máy tính xách tay ra khỏi túi.

Nhưng sự tiện lợi đó phải trả giá bằng sự riêng tư.

Trên ứng dụng của mình và trong các cuộc phỏng vấn ngắn, chương trình TSA PreCheck hỏi mọi người về thông tin cơ bản như quá trình làm việc và nơi họ đã sống. Khách hàng sẽ phải cung cấp dấu vân tay và đồng ý kiểm tra hồ sơ phạm tội.

Những người ủng hộ quyền riêng tư đặc biệt lo ngại khi TSA còn đưa ra ý tưởng kiểm tra các bài đăng trên mạng xã hội (mà quan chức hàng đầu của cơ quan này cho biết họ đã từ bỏ), các thông tin trên báo chí về người đăng ký (nếu có), dữ liệu vị trí và thông tin từ các nhà môi giới dữ liệu, bao gồm thông tin người đăng ký tiêu tiền như thế nào.

Jay Stanley, một chuyên gia về quyền riêng tư tại American Civil Liberties Union, cho biết: “Còn lâu mới có thể khẳng định được điều đó có liên hệ với an ninh hàng không hay không".

(Ảnh minh họa)

Theo chỉ đạo của Quốc hội Mỹ, TSA PreCheck sẽ mở rộng việc sử dụng các nhà cung cấp tư nhân để thu thập thông tin từ những người nộp đơn.

“Họ thực sự đang cố gắng tăng thị phần của mình bằng cách thu thập càng nhiều dữ liệu nhạy cảm về càng nhiều người càng tốt. Điều đó gióng lên nhiều hồi chuông cảnh báo đối với tôi”, India McKinney, giám đốc phụ trách các vấn đề liên bang của Electronic Frontier Foundation, một nhóm vận động cho quyền kỹ thuật số, nói.

TSA cũng đang thử nghiệm việc sử dụng các ki-ốt được trang bị công nghệ nhận dạng khuôn mặt để kiểm tra giấy tờ tùy thân có ảnh và thẻ lên máy bay thay vì để nhân viên làm việc đó. Các ki-ốt này có thể được kết nối internet, gây ra lo ngại rò rỉ thông tin cho tin tặc.

McKinney nói: “Họ hoàn toàn tập trung vào yếu tố tiện lợi chứ không phải riêng tư và bảo mật”.

Có thực sự an toàn?

Bản thân TSA thường xuyên là chủ đề trong các câu hỏi về phương pháp, ý tưởng và hiệu quả những chương trình của họ.

Các tiếp viên hàng không và sĩ quan không quân đã phẫn nộ khi cơ quan này vào năm 2013 đề xuất cho hành khách mang dao gấp và các vật dụng bị cấm lên máy bay một lần nữa. Cơ quan về sau cũng phải bỏ ý tưởng. Sau một cuộc phản đối kịch liệt khác, TSA phải loại bỏ các máy quét toàn thân tạo ra hình ảnh chân thực mà một số du khách cho rằng không khác gì "lột trần" bằng hình ảnh. Họ phải thay thế bằng các máy khác gây ít phản đối về quyền riêng tư và sức khỏe hơn. Việc soát người hành khách cũng liên tục gây ra phàn nàn.

Vào năm 2015, một báo cáo được công bố cho biết các sĩ quan TSA đã thất bại 95% trong việc phát hiện vũ khí hoặc vật liệu nổ do các thanh tra chìm mang theo. Một nhà lập pháp nói rằng TSA “bị hỏng nặng”.

Những người chỉ trích, bao gồm cả các cựu sĩ quan TSA, đã chế nhạo cơ quan này là “nhà hát an ninh” gây ấn tượng sai lầm về việc bảo vệ an toàn cho công chúng. Lãnh đạo cơ quan, ông David Pekoske bác bỏ quan điểm đó bằng cách chỉ vào số lượng khổng lồ súng bị thu giữ tại các trạm kiểm soát sân bay - hơn 3.200 khẩu vào năm ngoái, 83% trong số đó đã được nạp đạn.

Pekoske cũng nói đến các nhiệm vụ khác mà TSA đã thực hiện. “Có rất nhiều điều mà mọi người không nhìn thấy. Yên tâm, đây không phải nhà hát an ninh, đó là an ninh thực sự".

Máy quét hành lý ở sân bay. (Ảnh minh họa)

Nhiều chuyên gia độc lập đồng ý với đánh giá của Pekoske, nhưng cũng cho rằng TSA phải cải thiện. Còn hành khách, hầu hết chấp nhận sự bất tiện như cái giá phải trả của an ninh trong một thế giới nhiều biến đổi.

Đe dọa từ bên trong

Dù ở trong hay ngoài nước Mỹ, các cuộc tấn công khủng bố hàng không kể từ ngày 11/9/2001 rất hiếm. Nhưng còn có những đe dọa bên trong.

Năm 2016, một quả bom tấn công máy bay Daallo Airlines ngay sau khi cất cánh, giết chết kẻ đánh bom nhưng 80 hành khách và phi hành đoàn sống sót. Các nhà chức trách Somali công bố video từ sân bay Mogadishu cho thấy người đàn ông được giao một máy tính xách tay có chứa bom.

Năm 2018, một nhân viên vận chuyển hành lý của Delta Air Lines ở Atlanta đã bị kết tội sử dụng thẻ an ninh của mình để buôn lậu hơn 100 khẩu súng trên các chuyến bay đến New York.

Năm 2019, một thợ máy của American Airlines với các video của tổ chức Nhà nước Hồi giáo trên điện thoại đã nhận tội phá hoại một chiếc máy bay chở đầy hành khách bằng cách làm tê liệt hệ thống đo tốc độ và độ cao. Các phi công đã hủy bỏ chuyến bay khi máy bay cất cánh ở Miami.

Những sự cố đó làm nổi bật một mối đe dọa - những người làm việc cho các hãng hàng không hoặc sân bay giúp họ tránh bị kiểm tra thường xuyên. Pekoske cho biết TSA đang cải thiện khả năng giám sát về lĩnh vực này.

Phương Anh (Nguồn: ABC News)

Tin mới