Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang) vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân, 49 tuổi, trú tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang nhập viện trong tình trạng nôn, tê lưỡi, đau đầu chóng mặt… sau khi ăn nhầm lá ngón.
Ngay khi nhập viện, bệnh nhân đã được các y bác sĩ thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết, đồng thời rửa dạ dày và điều trị, chăm sóc tích cực.
Hiện tại, sau 1 ngày được các y bác sĩ tận tình cứu chữa, sức khỏe bệnh nhân ổn định và được xuất viện.
Theo TS. BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), lá ngón là loại cây có độc tính cao, thường mọc tự nhiên ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Trong lá ngón có chứa chất kịch độc, có thể ngay lập tức gây ra cái chết, đó chính là hoạt chất cực độc alkaloid, một loại độc tố nguy hiểm. Các alkaloid chứa trong toàn bộ cây, độc tính giảm dần theo thứ tự rễ, lá, hoa, quả và thân cây. Alkaloid là những hợp chất hữu cơ có chứa dị vòng nitơ, có tính bazơ, thường gặp trong nhiều loài thực vật; đôi khi còn tìm thấy trong một vài loài động vật.
Alkaloid có hoạt tính sinh lý rất cao đối với cơ thể con người và động vật, nhất là đối với hệ thần kinh. Một lượng nhỏ alkaloid đủ làm chết người. Loại cây này không những rất giống mà còn mọc gần nhiều cây thuốc và rau ăn nên dễ dẫn đến sự nhầm lẫn.
Khi bị ngộ độc lá ngón người bệnh thường có các triệu chứng khát nước, đau họng, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, sau đó dẫn đến mỏi cơ, thân nhiệt hạ, huyết áp hạ, răng cắn chặt, sùi bọt mép, đau bụng dữ dội, tim đập yếu, khó thở, đồng tử giãn và chết rất nhanh do ngừng hô hấp.
Sơ cứu ngộ độc lá ngón
Khi phát hiện người bị ngộ độc cây lá ngón, việc sơ cứu ban đầu rất quan trọng, cần phải nhanh chóng loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể bằng các biện pháp như: gây nôn, uống đầy nước, móc họng để kích thích gây nôn.
Sau đó nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để loại bỏ độc chất, ngăn cản hấp thu độc chất bằng cách rửa dạ dày, uống than hoạt, truyền dịch. Sau đó nhanh chóng vận chuyển bệnh nhân tới bệnh viện chuyên khoa có đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu điều trị giải độc.
Lưu ý, hiệu quả cấp cứu nên được thực hiện sớm dưới 1 giờ. Việc gây nôn chỉ tiến hành khi bệnh nhân mới ăn xong, bệnh nhân tỉnh, hợp tác. Chỉ dùng biện pháp cơ học (kích thích họng), không dùng thuốc gây nôn vì đến khi thuốc có tác dụng, bệnh nhân nôn thì có thể bệnh nhân bị liệt hầu họng, co giật rất dễ sặc phổi.
Để phòng ngừa ngộ độc lá ngón, biện pháp hữu hiệu nhất là nên chặt bỏ tất cả những cây lá ngón được tìm thấy. Phần lớn bệnh nhân ngộ độc lá ngón là do tự tử hoặc bị đầu độc. Cần phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý tâm thần như trầm cảm, stress… là nguyên nhân gây tự sát, không nên để những người này tiếp cận với lá ngón.