Măng cụt là cây có nguồn gốc ở các đảo quốc Đông Nam Á, được du nhập vào Việt Nam trồng ở Nam Bộ, tại các tỉnh Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Gia Định… để lấy quả ăn.
Măng cụt là cây to, cao 20-25m, cành mọc thấp, chất nhựa vàng. Lá dày, dai, màu lục thẫm, hình thuôn dài, đầu nhọn dần. Hoa đực cụm 3-9 hoa có lá bắc, hoa lưỡng tính, có cuống, đốt. Quả hình cầu, to bằng quả cam, phía dưới có đài. Vỏ ngoài màu đỏ tím, trong đỏ tươi tựa như rượu vang, dày xốp. Trong quả 6-16 hạt, quanh hạt áo màu trắng, thịt quả ăn thơm ngon.
Theo nhà khoa học, Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), măng cụt là loại quả thịt dùng để ăn và vỏ làm thuốc. Theo y học cổ truyền măng cụt vị chát, tác dụng sáp tràng, chỉ tả. Vỏ măng cụt được biết tới chứa chất xanthones có tính kháng khuẩn, chống viêm và chất chống oxy hoá giúp phòng ngừa ung thư, chống lão hoá.
Ăn măng cụt đừng vứt vỏ.
Lương y Bùi Đắc Sáng cho hay, vỏ măng cụt khi uống độc vị (một vị măng cụt) nên thường rất khó uống. Măng cụt thường được kết hợp thêm một số loại cỏ cây quanh nhà khác như hạt thì là, gừng… giúp dễ uống và tăng thêm công dụng của thuốc. Dưới đây là tác dụng của vỏ măng cụt không phải ai cũng biết:
Chữa tiêu chảy: Vỏ quả măng cụt chứa những hợp chất tác dụng tuyệt vời cho chức năng tiêu hóa của cơ thể và loại bỏ các vi khuẩn gây tiêu chảy. Dùng vỏ măng cụt khô 24g, hạt thì là 2g sắc uống.
Bạn cũng có thể dùng bài thuốc: Vỏ măng cụt 10 cái cho vào nồi đất, đậy thật kín bằng một tàu lá chuối. Sau đó, đun sôi cho đến khi nước có màu thật sẫm, uống mỗi ngày 3-4 chén. Cách này giúp cầm tiêu chảy hiệu quả do vỏ măng cụt chứa tannin uống sẽ rất chát.
Chữa kiết lỵ: Vỏ măng cụt 6g rau má 8g, cỏ nhọ nồi 8g, trà xanh 6g, rau sam 8g, cỏ sữa 8g, trần bì 4g, cam thảo 4g, gừng 3 lát. Sắc lấy nước để uống trong ngày.
Trị hôi miệng: Vỏ măng cụt 1 quả, mật ong vừa đủ, nước 200ml. Lấy phần thịt vỏ của 1 quả măng cụt xay nhuyễn với mật ong và 200ml nước, lọc bớt xác và uống. Để tăng vị thơm ngon, bạn có thể cho thêm đường và đá vì vỏ măng cụt chứa nhiều tannin, vị đắng chát.
Chữa kinh nguyệt không đều: Dùng 20g vỏ măng cụt phôi khô sắc nước uống.
Chữa tàn nhang: Vỏ măng tươi cụt 20g. Dùng thìa cạo phần thịt mềm bên trong của vỏ măng cụt xay nhuyễn trộn với mật ong đắp nên mặt giúp dưỡng da, chống lão hoá, trị nám cho chị em.
Giảm cholesterol trong máu: Dùng vỏ măng cụt khô lượng vừa đủ, nấu nước uống thay trà. Loại nước này cũng rất tốt giúp đốt mỡ thừ cho người giảm cân. Ngoài ra, nước trà măng cụt còn có tác dụng phòng ngừ ung thư, chống lão hoá.