Bác sĩ Phí Thị Quang, chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho rằng câu nói “Bệnh từ miệng mà vào” là câu nói của người xưa nhưng đến nay vẫn nguyên giá trị. Bởi việc thiếu cân đối trong bữa ăn của người Việt và thực trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm đang ngày càng diễn biến phức tạp. Đó cũng là nguyên nhân làm cho ngày càng nhiều người mắc các bệnh đường tiêu hóa trong đó có ung thư đường tiêu hóa.
Ung thư đường tiêu hóa là bệnh do có sự xuất hiện của các khối u ác tính xuất phát từ trong một hoặc một vài cơ quan của đường tiêu hóa. Hệ thống tiêu hóa được tạo thành từ những ống rỗng thực quản, dạ dày, ruột non, đại tràng, trực tràng, hậu môn và một vài cơ quan đặc khác như tụy, gan và mật. Ung thư có thể xuất hiện ở bất cứ cơ quan, bộ phận nào, tuy nhiên nhiều nhất là ở thực quản, dạ dày, đại tràng, trực tràng và hậu môn.
Các bệnh ung thư xuất hiện ở đường tiêu hóa có thể chữa khỏi nhờ phát hiện sớm và điều trị can thiệp kịp thời. Bệnh diễn tiến âm thầm và thường không có biểu hiện rõ rệt.
Do đó, bác sĩ Quang khuyên rằng, khi thấy dấu hiệu bất thường như đầy hơi, khó tiêu, nuốt vướng, đau bụng, nôn ói, thiếu máu, sụt cân và đi ngoài phân đen, trong đó đặc trưng nhất là đại tiện ra máu, rối loạn đại tiện,… thì người bệnh nên đi khám ngay.
Cách tốt nhất là nên thực hiện khám và tầm soát định kỳ bằng các bước thăm khám lâm sàng như siêu âm, nội soi hoặc làm các xét nghiệm chỉ dấu khối u.
Cũng giống như hầu hết các loại ung thư khác, ung thư đường tiêu hóa là sự kết hợp của nhiều yếu tố như gene di truyền, tuổi tác, lối sống, chế độ dinh dưỡng…
Trong đó, chế độ dinh dưỡng có thể coi là tác nhân quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe. Một chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý, ăn ít rau, nhiều thịt, thực phẩm tồn nhiều dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… thì rất khó để đảm bảo một chỉ số xét nghiệm “hoàn hảo” cho đường tiêu hóa.
Với nhiều triệu chứng lâm sàng khá giống nhau như đại tiện không thông, gây ứ đọng cặn bã trong ruột khiến nhiều
người chủ quan, nhầm lẫn giữa viêm đại tràng với bệnh táo bón. Theo đó, nếu bị táo bón kéo dài sẽ là nguyên nhân khiến cơ thể có nguy cơ hấp thụ ngược trở lại các độc tố, lâu ngày dẫn đến ung thư.
Nhiều kết quả thống kê cho thấy, hầu hết những người mắc bệnh đều có chế độ dinh dưỡng mất cân đối, ăn quá nhiều thịt, ít rau, dẫn đến cơ thể thiếu chất xơ và vitamin.
Vì vậy, việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh theo tỷ lệ ăn thịt và ăn rau ở mức 1:4 hoặc 1:5 sẽ góp phần đảm bảo cơ thể tránh các nguy cơ bệnh tiềm ẩn.
Bên cạnh đó, người bị viêm đại tràng thường phải đối mặt với các biểu hiện đau bụng đi ngoài, đầy hơi, khó tiêu ngay sau khi ăn các món ăn lạ, đồ ăn sống lạnh, các món ăn có chứa hóa chất, chất làm trắng như bún, phở…
Bác sĩ Quang giải thích, nguyên nhân một phần là do bún, phở được làm từ bột gạo ngâm với nước trước khi làm khoảng 1 ngày để bột nở ra. Trong thời gian này sẽ có quá trình lên men của tinh bột, chưa kể, nhiều cơ sở thường cho nhiều chất phụ gia và chất bảo quản vào thực phẩm này khiến cho hệ tiêu hóa sẽ bị ảnh hưởng khi ăn.
Vì thế, trước khi ăn cần chần bún thật kỹ qua nước sôi nhằm làm giảm lượng hóa chất có trong bún cũng như giảm mùi chua đã lên men của tinh bột. Đặc biệt, với trẻ nhỏ và người cao tuổi cần hạn chế ăn bún, phở để không gây ảnh hưởng đến bộ máy tiêu hóa.
Bên cạnh những nguyên nhân như uống nhiều rượu, viêm gan do virus B, C thì nguyên nhân do sử dụng những thực phẩm bị biến chất, ẩm mốc như lạc, gạo, ngô… cũng là một tác nhân gây ung thư.
Do độc tố aflatoxin trong các thực phẩm bị mốc, bị nhiễm độc sở hữu độc tính thậm chí còn cao hơn thạch tín, nếu đi vào cơ thể có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ung thư gan được đánh giá là một trong những bệnh có tiên lượng xấu nhất với tỷ lệ sống nói chung của bệnh ung thư gan trong vòng năm năm sau khi chẩn đoán chỉ khoảng 9%.
Tuy nhiên, tỷ lệ này được cải thiện nếu bệnh được phát hiện sớm. Theo đó, nếu ung thư gan được phát hiện vào giai đoạn đầu khi chưa xâm lấn, tỷ lệ sống 5 năm được ghi nhận khoảng 20%.
Dưa, cà muối là những món ăn dân dã và quen thuộc trên mâm cơm của nhiều gia đình. Tuy nhiên, bác sĩ Quang khuyến cáo không nên ăn dưa, cà muối kéo dài triền miên từ ngày này qua ngày khác.
Bởi dưa, cà muối ngoài việc có độ mặn cao, không tốt cho người có bệnh lý mãn tính cần ăn nhạt thì còn có chứa hàm lượng nitrat cao khi đi vào dạ dày, nitrit dưới sự tác động của môi trường trong dạ dày sẽ tiến hành kết hợp với các acid amin trong những thực phẩm khác (tôm, cá, mắm tôm…) và trở thành nitrosamine.
Chất nitrosamine là tác nhân gây nên nhiều loại ung thư trong đó có ung thư dạ dày. Vì vậy, với nhiều người có tiền sử mắc bệnh tiêu hóa, đường ruột nên dừng thói quen ăn uống này trước khi quá muộn.
Đối với các bệnh ung thư đường tiêu hóa, phương pháp điều trị có thể là phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị theo phương pháp mới, chăm sóc giảm nhẹ. Theo đó, việc xét nghiệm và chẩn đoán ban đầu đóng vai trò quan trọng trong việc tầm soát phát hiện sớm nguy cơ.