Bài viết trên website Bệnh viện Vinmec cho biết, bột ngọt hoặc mì chính là phụ gia thực phẩm thông thường được sử dụng để tăng hương vị.
Bột ngọt nguồn gốc từ axit amin glutamat hoặc axit glutamic, là một trong những axit amin phong phú nhất trong tự nhiên. Axit glutamic là axit amin không thiết yếu, cơ thể có thể tự sản xuất. Axit amin này có các chức năng khác nhau trong cơ thể, hiện diện trong hầu hết các loại thực phẩm.
Về mặt hóa học, bột ngọt là loại bột kết tinh màu trắng giống như muối ăn hoặc đường. Nó kết hợp natri và axit glutamic, được gọi là muối natri. Axit glutamic trong bột ngọt được tạo ra bằng cách lên men tinh bột, nhưng không có sự khác biệt về mặt hóa học giữa axit glutamic trong bột ngọt và axit glutamic ở thực phẩm tự nhiên. Tuy nhiên, axit glutamic trong bột ngọt có thể dễ hấp thụ hơn vì nó không nằm trong các phân tử protein lớn, nên cơ thể có thể hấp thụ trực tiếp mà không cần phải phá huỷ các phân tử protein này.
Bột ngọt làm tăng vị ngon, vị ngọt thịt (umami) cho thức ăn. Vị ngọt thịt là vị cơ bản thứ năm, cùng với mặn, chua, đắng và ngọt. Bột ngọt rất phổ biến trong các công thức nấu ăn của người châu Á và được sử dụng trong các loại thực phẩm chế biến khác nhau ở phương Tây.
Ăn bột ngọt có tốt không?
Báo Dân trí dẫn chia sẻ của TS.BS Trần Bá Thoại, Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam cho biết, nhiều thí nghiệm, khảo sát khoa học trên động vật và cả trên người đưa ra kết luận: “Bột ngọt bảo đảm an toàn cho mục đích sử dụng đối với mọi lứa tuổi” và “chưa thấy bột ngọt ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng”.
Không quốc gia nào cho bột ngọt là độc và cấm sử dụng trong chế biến thức ăn. Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) công nhận bột ngọt là an toàn; Liên minh châu Âu (EU) xếp loại bột ngọt là phụ gia thực phẩm với mã là HS29224220 và E621.
Năm 1968, BS Ho Man Kwok (Mỹ) ghi nhận một số người ăn các món ở nhà hàng Trung Quốc có các triệu chứng như: tê mỏi cổ, cảm giác nóng ran vùng cổ, ngực, ngứa mặt, cổ, lưng, nhức đầu, buồn nôn, tức ngực, cảm giác khó thở. Ông cho rằng, những thực khách này bị hội chứng quán ăn Trung Quốc (Chinese restaurant syndrome) do món ăn được nêm nhiều bột ngọt. Từ báo cáo của bác sĩ Kwok, nhiều nghiên cứu khoa học nghiêm túc đánh giá, kết luận cuối cùng là bột ngọt không gây ra hội chứng này.
Bản chất bột ngọt là một axit amin tối cần thiết, axit glutamic, thành phần cấu tạo của tất cả protein trong cơ thể. Với bản chất như thế, bột ngọt sẽ rất tốt nếu ta dùng đúng như một loại thức ăn.
Do vậy, chúng ta cần lưu ý, bột ngọt cũng chỉ là một chất phụ gia, chất điều vị thực phẩm như giấm, tiêu, muối, đường, ớt làm thức ăn thêm ngon miệng, hấp dẫn. Nó không thể cho thịt, cá, trứng và càng không thể dùng bột ngọt để che lấp mùi vị ôi thiu, chua mốc.
Bạn cũng cần lưu ý, bột ngọt là muối Natri glutamate, có Na+ (sodium) như muối ăn. Do đó, đối với người cao huyết áp, khi nêm bột ngọt nên giảm bớt muối ăn. Nhiều loại bột nêm chứa bột ngọt đến 30-40%, khi dùng cũng nên lưu ý điều này.