Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ẩm thực Việt: Bánh còn có cặp có đôi quấn quýt bên nhau nhưng chúng ta thì vẫn ế

Có những món bánh Việt Nam đi thành đôi và "thuộc về nhau" như một định lý, có món này thì không thể thiếu món kia được.

Có bao giờ bạn nhận ra, rằng trong ẩm thực Việt Nam có những món bánh mà đã gọi tên là phải gọi theo "cặp"? Như thể chúng sinh ra đã là định mệnh của nhau vậy.

Nếu để ý, bạn sẽ thấy những món bánh này thường xuyên được bán, được xuất hiện cùng nhau. Mà cho dù có không xuất hiện cùng nhau đi nữa thì người Việt Nam vẫn thường có thói quen nhắc đến bánh này kèm theo bánh kia như một cụm từ độc lập. 

Bánh chưng bánh giầy

 

Cứ năm hết, tết đến là người ta lại hay nhắc đến cụm từ này. Do cùng nhau xuất hiện trong tích xưa mà đến hiện tại, hình ảnh bánh chưng vuông vẫn luôn được gắn với bánh giầy có hình tròn. Cụm "bánh chưng bánh giầy" vẫn thường được người ta quen miệng nói vì trong tâm tưởng người Việt, hai hình ảnh này vốn hài hoà bên nhau.

Hình tượng vuông – tròn trái ngược nhau, thể hiện được triết lý vuông tròn của người Việt, tin rằng hai hình dạng này bổ trợ cho nhau, tạo nên sự hài hoà, sung túc, tốt lành. Mặt khác, bánh chưng vuông theo truyền thuyết tượng trưng cho đất, bánh giầy tròn là trời, đi cùng nhau như tinh hoa đất trời giao hoà.

Bánh trôi bánh chay

 

Bánh trôi bánh chay đi cùng nhau như một lẽ tự nhiên, đến mức nói bánh trôi không, hay bánh chay không cũng thấy hơi… lạ miệng. Đây là hai món bánh được ăn vào tết Hàn thực của người Việt Nam, và lúc nào cũng được bán cùng với nhau trong ngày này, không có ngoại lệ. Tết Hàn thực phổ biến hơn ở miền Bắc nên nhiều người dân vùng miền khác đôi khi không phân biệt được hai loại bánh này, bởi chúng đi với nhau đã thường xuyên, lại còn có ngoại hình tương tự.

Bánh trôi có nhân là đường phèn xắt viên nhỏ, trong khi bánh chay có nhân đậu xanh và kích cỡ to hơn. Bánh trôi không ăn cùng nước, bánh chay thì ăn cùng với nước đường thơm mùi gừng.

Bánh bò bánh tiêu

 

Nhắm mắt lại, tưởng tượng bản thân đang nằm đung đưa trên một chiếc võng vào một trong những trưa hè miền Nam, ta lại như loáng thoáng nghe được tiếng rao thiết tha: "Ai… bánh bò, bánh tiêu không…?"

Hiện tại, bánh bò và bánh tiêu hay được ăn cùng với nhau. Bánh tiêu vốn rỗng, có người hay cho bánh bò ngọt, mềm vào bên trong bánh tiêu giòn, thơm như một loại nhân.

Tuy nhiên không ai biết cách ăn này có từ bao giờ, hay vì sao mà bánh bò và bánh tiêu lúc nào cũng được bán cùng nhau. Chỉ biết, từ những tiếng rao ấy, người ta hình thành một loại "phản xạ có điều kiện", nhắc đến bánh bò là nhớ đến bánh tiêu và ngược lại.

Bánh cam bánh còng

 

Có lẽ chỉ những đứa trẻ miền Tây Nam Bộ thế hệ 9x trở về trước mới quen thuộc với cặp đôi "thiên mệnh" này. Những câu rao như "ai bánh cam bánh còng hôn" kéo dài ngân nga bằng chất giọng con gái miền Tây nghe ngọt ngào mà xao xuyến, ngọt như chính bản thân hai món bánh ấy vậy. Đây là món quà vặt mà trẻ con rất ưa thích, mỗi lần thấy là xin bố mẹ, ông bà vài đồng bạc lẻ để mua. Người lớn mà đi chợ, thấy bánh cam bánh còng cũng mua về làm quà cho trẻ con ở nhà.

Bánh cam bánh còng đều là món bánh được rán lên, thường được áo bên ngoài một lớp đường chảy cùng với mè, bóng bẩy và hấp dẫn. Tuy nhiên bánh cam có nhân đậu và tròn trịa, trong khi bánh còng có hình dạng giống bánh vòng, có lỗ chính giữa.

Thường con nít đứa nào không thích ăn đậu xanh sẽ mê bánh còng, chỉ có bột và đường, còn người lớn không kén ăn sẽ ăn bánh cam nhân đậu. Bánh cam nhân đậu ăn vào bữa xế no lâu, người lao động tay chân dễ đói mà thấy ai rao bánh cam, bánh còng cũng vẫy tay gọi người bán để mua rồi nhâm nhi đôi chiếc để có sức làm việc, dằn bụng chờ đến bữa cơm chiều. Ở đâu có bánh cam, ở đấy có bánh còng, không thể khác đi được.

Rachel Phạm (Tổng hợp)

Tin mới