Nếu ẩm thực miền Trung mang đậm bản sắc của vùng đất đầy nắng gió, miền Nam là sự hòa trộn của những nền ẩm thực khác nhau thì miền Bắc lại in đậm cốt cách của một nền văn hóa lâu đời. Vì lẽ đó mà từ món ăn đến cái mặc của người miền Bắc đều trở thành chuẩn mực không dễ gì thay đổi.
Báo Tây từng nhiều lần khen ngợi những món ngon miền Bắc như phở, bún,... Vậy có gì đặc biệt ở nền ẩm thực lâu đời này?
Nét đặc sắc của ẩm thực miền Bắc
Ẩm thực miền Bắc cũng chú trọng đến việc sử dụng gia vị như miền Trung và Nam bộ, nhưng cách nêm nếm lại có những nét độc đáo riêng. Món ăn thường không đậm vị cay, béo, ngọt, cũng không quá nồng nhưng lại có màu sắc sặc sỡ; chủ yếu sử dụng nước mắm loãng, mắm tôm, thường có nhiều món rau và các loại thủy sản nước ngọt dễ tìm thấy như tôm, cua, cá, trai, hến,…
Mâm cỗ Tết cổ truyền ở miền Bắc theo lệ thường có 4 bát, 4 đĩa tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa và bốn phương. Cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa… tượng trưng cho phát lộc, phát tài. Việc trình bày cũng không thể qua loa, các món ăn đều được bày biện khéo léo và đẹp mắt.
Không phải là món ăn để no, những món quà bánh dân dã như bánh cốm, bánh cam hay các loại mứt,… lại đem đến cho người ta nhiều sự háo hức, và đằng sau từng món ăn đều lưu giữ bao kỉ niệm đẹp một thuở của người dân Bắc.
Những món ăn làm nên danh tiếng ẩm thực miền Bắc lẫy lừng
Chiếc bánh đậu xanh được làm từ những nguyên liệu đơn giản như bột đậu xanh nguyên chất, trộn mỡ, đường... hình dạng bánh lại rất đơn giản, nhưng chứa đựng được hương vị thuần túy, thơm nồng nàn. Khi thưởng thức, nhất định phải nhâm nhi cùng chén chè xanh Thái Nguyên, sự kết hợp hoàn hảo giữa vị ngọt béo của bánh cùng chát đắng của trà sẽ khiến thực khách ấn tượng, cứ vậy mà thành nghiện lúc nào không hay.
Đầu tiên, người ta phải chọn được loại cá trắm đen to, làm sạch rồi đem ướp với các nguyên liệu riêng. Cá được xếp vào niêu cùng các gia vị, kho liên tục trong 16 tiếng bằng củi. Niêu đất thì phải đặt làm riêng, củi thì phải dùng đúng loại củi nhãn. Cầu kỳ từ lúc làm cá đến lúc kho như vậy, cốt chỉ để có được miếng cá thơm, chắc. Thớ thịt cá to, nạc nhưng không khô, ngấm đều gia vị, khi ăn sẽ cảm nhận được vị béo ngậy, thêm phần gia vị được tẩm ướp cẩn thận, nồi cá kho làng Vũ Đại cứ vậy mà tồn tại với thời gian.
Chả mực Hạ Long có nhiều đặc sắc so với loại chả ở nhiều nơi khác. Nguyên liệu chính phải là loại mực mai có kích thước lớn, từ 1,5 - 2kg đặc trưng ở vùng biển Quảng Ninh. Sau khi sơ chế, nguyên liệu được xay rối, trộn những liều lượng phụ gia “gia truyền” rồi được giã tay để có độ sệt và ngấm, tạo thành một hỗn hợp dẻo. Phần hỗn hợp này được cho vào khay, cấp đông 2 tiếng để miếng chả thêm kết dính rồi nặn thành hình. Miếng chả nặn xong sẽ được cho ngay vào chảo ngập dầu, chiên vàng đều hai mặt.
Quá trình chiên chả phải điều chỉnh lửa phù hợp, nếu nhiệt độ quá thấp chả nhanh bị tóp, nhiệt độ quá cao chả nhanh bị cháy, màu không đẹp, người chiên phải có kinh nghiệm để miếng chả có độ vàng và thơm nhất định. Có lẽ vì sự tỉ mỉ trong khâu chế biến sản phẩm mà chả mực Hạ Long được coi là một trong những đặc sản ẩm thực nổi tiếng nhất của TP Hạ Long nói riêng và của Quảng Ninh nói chung.
Được làm từ công thức gia truyền, món ăn trở nên hấp dẫn và nổi tiếng khắp cả nước với hương vị đậm đà của mắm tôm, cá lăng chắc thịt. Cá được tẩm ướp rồi đem nướng trên bếp than hồng, thêm bước rán lại trong chảo mỡ nóng hổi, ăn kèm với chút bún rối là đúng vị Hà Nội.
Không riêng gì những món ăn được kể tên trên đây, miền Bắc còn rất nhiều những đặc sản phải thử, nhưng nhìn chung, đều là sự kì công chăm chút từng khâu một, và được truyền lại qua nhiều thế hệ. Từ đó tạo thành một nền ẩm thực đặc sắc, lâu đời, trứ danh, là niềm tự hào không chỉ của những người con xứ Bắc mà còn của Việt Nam khi giới thiệu quê hương ra thế giới.