Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ám ảnh rừng già ở Gia Lai 'đổ máu', chính quyền không hay biết

(VTC News) -

Lợi dụng rừng sâu, địa hình khó khăn, "lâm tặc" xâm nhập vào vùng rừng xã Ia Bă (Ia Grai, Gia Lai) để khai thác gỗ trái phép, tiếng cưa rền vang cả khoảnh rừng.

Video: Công trường khai thác gỗ lậu ở Gia Lai

Ngay sau khi nhận phản ánh của người dân về tình trạng khai thác gỗ rầm rộ, phá trắng rừng, PV VTC News đã thâm nhập vào khu vực rừng thuộc xã Ia Bă (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) để tìm hiểu, xác minh vụ việc. Ở đây, PV đã được mắt thấy, tai nghe tiếng cưa xăng gầm rú, gỗ rừng bị cưa hạ đang "rỉ máu".

Cảnh tượng đau xót

Khoảng 7h sáng, lần theo con đường mòn, PV tiếp cận cánh rừng thuộc địa giới hành chính xã Ia Bă (khu vực giáp ranh giữa Ban quản lý Rừng phòng hộ Ia Grai và UBND xã Ia Bă). "Công trường" phá rừng cách trung tâm xã Ia Bă khoảng 5 cây số đường rừng.

"Công trường" khai thác gỗ lậu ở Gia Lai. (Ảnh: Hiền Mai)

Sau khoảng 20 phút len lỏi qua con đường mòn, vừa đặt những bước chân đầu tiên vào rừng, tiếng cưa máy gầm rú từ xa đã khoan vào tai chúng tôi. Vừa đi vừa dò, PV phát hiện một nhóm "lâm tặc" đang chất những cây gỗ vừa cưa được lên xe độ chế, chuẩn bị vận chuyển ra khỏi rừng.

Để ngụy trang, "lâm tặc" sẽ cắt những cây gỗ tròn với đường kính lớn để sâu ở phía dưới xe, sau đó dùng các cây nhỏ, cây keo (loại cây được khai thác) để hòng qua mắt người đi đường.

Theo tìm hiểu của PV, nhóm người này thường vào buổi sáng để cắt cây rừng và đến 3h chiều sẽ ngang nhiên vận chuyển xuống theo đường mà các xe khai thác cây keo gần đó hay đi.

Những cây gỗ đường kính hơn 1 người ôm bị cưa hạ nằm la liệt.

Len lỏi sâu vào trong cánh rừng tự nhiên mà UBND xã Ia Bă quản lý, trước mắt PV là hàng chục cây gỗ hai bên đường bị cắt la liệt. Những cây gỗ bị cắt hạ có đường kính từ 40 – 60 cm, chỉ còn trơ lại phần gốc. Những thân gỗ lớn nằm gần khu vực khai thác keo đã bị vận chuyển đi tiêu thụ.

Cũng gần đó, khoảnh rừng rộng khoảng hơn 600m2 bị cạo sạch. Các đối tượng đã phá trắng rừng, từ những cây nhỏ như bắp chân người đến các cây cổ thụ đường kính từ 60 – 70 cm.

Theo quan sát của PV, trong khoảnh rừng này có đến khoảng hơn 30 cây gỗ lớn đường kính 60 cm bị cắt hạ. Thời gian khoảnh rừng này bị khai thác khoảng một tuần trở lại đây. Lâm tặc đốn cây, xẻ lấy một phần, còn lại gốc, một phần thân, cành bị vứt bỏ, nằm ngổn ngang giữa rừng.

Lực lượng chức năng ở đâu?

Điều đáng nói, khoảng cách từ con đường mòn đến hiện trường cây rừng bi triệt phá chỉ khoảng vài bước chân, với việc đi kiểm tra thường xuyên, chắc chắn lực lượng kiểm lâm sẽ đều có thể nghe rõ tiếng cưa máy hoạt động. Chưa kể, việc gỗ được vận chuyển bằng đường lớn song không có bất kỳ lực lượng nào ngăn chặn, kiểm tra để xử lý. 

Cây gỗ đường kính hơn 1 người ôm bị cưa hạ tận gốc. (Ảnh: Hiền Mai)

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Bổn - Chủ tịch UBND xã Ia Bă, cho biết cánh rừng mà VTC News phản ánh thuộc sự quản lý của UBND xã. Gần một tháng trước, Công ty MDF đã bắt đầu khai thác keo trên khu vực giáp ranh. Vì sợ lâm tặc trà trộn vào việc này để khai thác gỗ nên đơn vị đã thường xuyên kiểm tra, phối hợp(?).

"Cách đây 2-3 ngày, chúng tôi cũng đã phối hợp đi kiểm tra nhưng không phát hiện được gì. Chỉ có một số cây gỗ rừng bên đường bị công ty MDF cắt để dọn đường cho xe đi", ông Bổn phân trần.

Khi được PV cho xem những hình ảnh, clip về việc lâm tặc ngang nhiên đưa xe vào cắt rừng và hàng loạt cây gỗ lớn bị cưa hạ chỉ còn gốc, vị lãnh đạo UBND xã Ia Bă nhận định đây là vụ phá rừng nghiêm trọng.

“Do cánh rừng nằm rải rác, tiếp giáp với nhiều đơn vị khác nhau nên cũng khó quản lý. Ngay khi nhận được thông tin, xã cũng đã cử lực lượng lên kiểm tra, xác định vị trí khai thác nhằm có hướng xử lý”, ông Bổn cho hay.

Gỗ rừng tự nhiên bị cưa hạ nằm la liệt giữa rừng. (Ảnh: Hiền Mai)

Nhận được thông tin về vụ phá rừng từ PV, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, UBND huyện Ia Grai đã chỉ đạo lực lượng chức năng kịp thời vào hiện trường để ghi nhận và truy bắt các đối tượng thực hiện hành vi.

VTC News sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

HIỀN MAI

Tin mới