(VTC News) - Anonima Lombarda Fabbrica Automobili (A.L.F.A) được thành lập ngày 24/6/1910 và như vậy, năm nay, nhãn hiệu xe hơi nổi tiếng của nước Ý tròn 100 tuổi. Nói về mác xe này, ông Henry Ford – người sáng lập hãng Ford – cho biết “khi một chiếc Alfa Romeo chạy qua trước mặt, tôi luôn ngả mũ đón chào”. Trong bài viết dưới đây, CNOTO sẽ điểm lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong lịch sử 100 năm của Alfa Romeo.
Thời kỳ thành lập
Công ty Anonima Lombarda Fabbrica Automobili (A.L.F.A.) được thành lập vào mùa hè năm 1910 tại khu Portello thuộc thành phố Milan. Phân xưởng đầu tiên của công ty chính là nhà máy cũ của hãng xe Darracq Italiana (thành lập năm 1907 và bị phá sản sau đó không lâu). Dưới sự lãnh đạo của ông Ugo Stella, Alfa bắt đầu lắp ráp những chiếc xe gắn động cơ khỏe và có tính năng lái tốt, nhanh chóng trở nên nổi tiếng trên thị trường. Chiếc xe hơi đầu tiên gắn nhãn hiệu Alfa có tên gọi “24 HP”, không thể nói là một tên gọi hay, mĩ miều theo kiểu Ý. Trong khoảng thời gian từ năm 1910 đến 1920, Alfa lắp ráp 300 chiếc xe này và 24 HP có những giải pháp công nghệ mới như lốc máy được đúc nguyên khối hay hộp số hiện đại (so với thời kỳ đó).
24HP được trang bị động cơ 4 xy lanh dung tích 4.084 cc (!) cho công suất tối đa 42 mã lực (!), giúp chiếc xe đạt tốc độ tối đa 115 km/h. Năm 1915, hãng xe trải qua lần thay đổi chủ đầu tiên và ông chủ mới Nicola Romeo đã quyết định ngừng lắp ráp xe hơi để chuyển sang sản xuất vũ khí. Năm 1919, sau khi Thế chiến thứ Nhất kết thúc, Alfa Romeo lại quay về với ngành công nghiệp ô tô.
Logo tuyệt đẹp và mối quan hệ với Enzo Ferrari
Ít ai nghĩ rằng, Scuderia Ferrari được lập ra như… đội đua của nhà máy Alfa Romeo. Mối quan hệ giữa ông Enzo Ferrari và hãng Alfa Romeo có từ những năm đầu thập kỷ 20 khi ông tới đua xe trong đội đua của nhà máy và đoạt giải nhì chung cuộc trong trận đua kinh điển Targa Florio sau vô-lăng chiếc 40-60 HP. Tổng cộng, Enzo Ferrari có tới gần 10 mùa giải đua xe tại đây. Năm 1929, Enzo Ferrari thành lập Scuderia Ferrari để phục vụ cho việc đua xe. Năm 1932, Scuderia Ferrari chính thức trở thành đội đua của nhà máy Alfa Romeo. Năm 1938, đội đua của nhà máy đổi tên thành Alfa Corse và Scuderia Ferrari chia tay với Alfa. Năm 1924, chiếc Alfa Romeo P2 giành chiến thắng trong giải đua vô địch thế giới và vì thế, kể từ năm 1925, Alfa Romeo đã đưa vòng nguyệt quế lên logo của mình. Cũng bởi vậy mà đường kính logo phải nới rộng từ 65mm lên 75mm. Năm 1930, kích thước của logo rút xuống còn 60 mm và được giữ như vậy cho đến hết năm 1945. Trong trận đua Targa Florio năm 1923, với mong muốn gặp nhiều điều may mắn, tay đua Sivocci đã vẽ lên chiếc Alfa của mình biểu tượng Quadrifoglio (lá cỏ may mắn bốn cánh) màu xanh trên nền trắng đặt trong khung hình tam giác và kể từ đó, nhà máy lấy đây làm biểu tượng của chi nhánh thể thao Alfa Racing.
Những mẫu xe “làm nên lịch sử” của Alfa Romeo
Năm 1932, Alfa Romeo lại được chuyển nhượng cho chủ mới là I.R.I (Institute for Industrial Reconstruction). Cùng với việc chấm dứt mọi hoạt động đua xe (đây chính là thời kỳ đội đua Scuderia Ferrari của ông Enzo Ferrari được quyền thay mặt cho đội đua nhà máy Alfa Romeo), ông Ugo Gobbato, giám đốc điều hành mới đã chọn hướng đi mới cho Alfa Romeo, đó là sản xuất đại trà cả xe hơi lẫn xe tải và xe buýt. Vào khoảng giữa những năm 30’, công việc kinh doanh của Alfa Romeo lại phát đạt và bởi vậy, họ lại tổ chức đội đua nhà máy dưới tên gọi Scuderia Alfa. Một trong những mẫu xe thành công nhất của Alfa Romeo trong thời kỳ này là chiếc 8C 2300, gắn động cơ 8 xy lanh cho công suất tối đa từ 142 mã lực đến 180 mã lực, gặt hái nhiều thành công trên đường đua Le Mans. Động cơ 8 xy lanh của xe là loại động cơ đầu tiên trên thế giới được làm từ kim loại nhẹ và có phần nắp xy lanh tách rời.
Trong những năm tháng khó khăn của Thế chiến thứ Hai, các phân xưởng của Alfa Romeo đều bị trúng bom của quân Đồng minh. Tuy nhiên, ngay sau hòa bình, nhà máy lại khôi phục sản xuất và cho ra đời các loại động cơ máy bay và tàu thủy. Ít lâu sau, Alfa Romeo bắt đầu lắp ráp xe hơi và cho xuất xưởng chiếc 6C 2500 tuyệt đẹp. Năm 1950, dựa trên mẫu Alfa 158 làm từ thép không gỉ, hãng xe Ý đã tung ra thị trường mẫu Alfa 159 với động cơ được cải tiến hoàn toàn. Alfa 158 (hay còn gọi là Alfetta) được lắp ráp trong thời kỳ từ năm 1938 đến 1950, gắn động cơ 1.5L, 8 xy lanh thẳng hàng, cho công suất tối đa từ 195 mã lực đến 330 mã lực. Không những thế, phiên bản xe đua của dòng xe này (do ông Enzo Ferrari thuê ông Gioachino Colombo thiết kế) còn có động cơ công suất 425 mã lực. Chiếc Alfa 159 cũng sử dụng cỗ máy nói trên và nhờ đó, nó có thể đạt tốc độ tối đa 305 km/h(!).
Trong những năm 50’, bên cạnh việc phát triển sản xuất đại trà, Alfa còn cố gắng đưa ra những mẫu xe khỏe với mục đích quảng bá thương hiệu và một trong số đó là chiếc “báo đen” 1900 mà nhà sản xuất cung cấp cho các đơn vị cảnh sát tuần đường. Đây cũng là thời điểm nhà máy mở rộng trung tâm thiết kế và kết hợp với các nhà thiết kế bên ngoài để cho ra đời những chiếc xe mốt. Tác phẩm bất hủ của Alfa trong thời kỳ 1954-1962 là chiếc Giulietta do nhà thiết kế tài ba Orazio Satta vẽ mẫu. Cùng với Giulietta nguyên bản là chiếc Giulietta Sprint Coupe, tác phẩm của nghệ nhân Bertone. Năm 1955, Alfa Romeo giới thiệu trước công chúng chiếc Giulietta Spider của Pininfarina và tiếp đến là hai phiên bản thể thao Sprint Special (của Bertone) và SZ (của Zagato).
Giulia |
Cùng với những thành tích trong đua xe thể thao, Alfa Romeo cũng lên tới đỉnh điểm của quá trình phát triển. Chiếc Alfasud do Hruska và Giugiaro thiết kế là dòng xe đầu tiên của Alfa được trang bị hệ thống dẫn động bánh trước. Bước sang những năm 70’, công việc kinh doanh của Alfa Romeo lại lên xuống thất thường một phần cũng bởi tác động xấu của cuộc khủng hoảng năng lượng khi đó và phải đợi đến khi ông Ettore Masaccesi lên nắm quyền điều hành thì nhà máy mới có những bước chuyển biến rõ rệt như thời kỳ những năm 30’ dưới sự điều khiển của ông Ugo Gobbato. Chương trình mà ông Masaccesi đề ra là phải thích nghi với hoàn cảnh và Alfa Romeo đã tung ra thị trường dòng Alfetta gắn động cơ 1.8L, 122 mã lực với thanh giằng ngang ở trục trước và hệ treo De Dion ở trục sau. Hộp số, vi sai và hệ phanh được đưa vào một khối riêng gắn ở đuôi xe để tạo ra tỷ lệ phân bổ trọng lượng tối ưu lên hai trục bánh, giúp chiếc xe dẫn động bánh sau bám đường tốt hơn. Sang những năm 80’, Alfa Romeo liên kết với Nissan thành lập công ty ARNA (Alfa Romeo Nissan Automobili) hòng nâng cao doanh số nhưng không đạt được kết quả mong muốn. Năm 1985, kỷ niệm 75 năm ngày thành lập, Alfa giới thiệu chiếc 75 và trong vòng 3 năm đã bán được 170.000 chiếc xe này nhờ động cơ khỏe và tính năng lái tốt. Năm 1986, nhà đầu tư Finmeccanica bán Alfa Romeo cho tập đoàn Fiat và kể từ năm 1987, Fiat sáp nhập Alfa Romeo với một nhãn hiệu khác là Lancia thành Alfa Lancia S.p.A. Tuy vậy, ban lãnh đạo nhà máy vẫn đấu tranh để giữ nguyên logo và tính độc lập trong việc thiết kế xe. Đây cũng là thời kỳ họ cho ra đời chiếc Alfa 33, sử dụng hệ thống dẫn động 4 bánh cài đặt bằng tay, thay thế cho Alfasud. Năm 1987, Pininfarina lại cống hiến cho Alfa một mẫu xe mới, lớn hơn dòng Alfa 75, đó là chiếc Alfa 164. Năm 1990, Alfa 33 thế hệ thứ hai được tung ra thị trường và điểm đặc biệt của dòng xe mới là sử dụng động cơ boxer.
Trong suốt một thế kỷ, trải qua biết bao thăng trầm, Alfa Romeo đã giành nhiều chiến thắng tại Targa Florio, giành 11 chiến thắng Mille Miglia (là mác xe có số lần chiến thắng kỷ lục trong trận đua kinh điển này), luôn áp đảo trong cuộc đua Le Mans và giành cả chiến thắng trong F1 với những tay đua lừng danh như Alberto Ascari, Juan M. Fangio hay Niki Lauda. Trong lĩnh vực sản xuất xe hơi, những mẫu xe của Alfa bao giờ cũng nổi tiếng bởi thiết kế đẹp và vì vậy, chiếc Alfa 156 đã dành giải Car of The Year năm 1998 để rồi 3 năm sau, “đàn em” của nó là Alfa 147 lại đoạt giải này. Hiện tại, nhắc tới Alfa là người hâm mộ nhớ ngay đến chiếc siêu xe 8C Competizione và hai mẫu xe hạng nhỏ là Mi.To và Giulietta. Trong giai đoạn tới, do Fiat đã mua lại đa số cổ phiếu của Chrysler nên chắc chắn người tiêu dùng châu Âu và Mỹ sẽ còn nhiều dịp chiêm ngưỡng những chiếc Alfa Romeo trên đường phố.
Và, nhân dịp hãng xe vùng Milano, Ý kỷ niệm 100 năm ngày thành lập, ta hãy cùng ngả mũ đón chào giống như Henry Ford đã từng làm khi thấy những chiếc Alfa Romeo phóng qua trước mặt ông hồi đầu thế kỷ trước.
Ngân Hà