Vào thế kỷ 14, bệnh dịch hạch bắt đầu lây lan đến châu Âu. Năm 1347, khi 12 con tàu từ Biển Đen cập cảng Messina của Sicilia. Mọi người có mặt ở bến cảng lúc đó gặp phải điều kinh hoàng, hầu hết các thủy thủ trên những con tàu này đã chết, những người còn sống thì cũng đang bệnh nặng, toàn thân bao phủ bởi những nhọt đen rỉ máu và mủ.
Bệnh dịch hạch – nỗi ám ảnh về cái chết đen
Chính quyền Sicilia nhanh chóng đưa hạm đồi tàu tử thần ra khỏi cảng, nhưng đã quá muộn. Căn bệnh chết người đó đã lấy đi sinh mạng của hơn 20 triệu người ở châu Âu.
Bệnh dịch hạch là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất trong lịch sử loài người, nó chỉ đứng sau bệnh đậu mùa. Trong hàng trăm năm, nguyên nhân gây ra bệnh dịch hạch vẫn là điều bí ẩn và thậm chí nó bị che giấu trong những điều mê tín dị đoan. Nhưng dưới sự phát triển của khoa học, sự ra đời của kính hiển vi cuối cùng đã làm tiết lộ thủ phạm thực sử của căn bệnh chết người này.
Bệnh dịch hạch là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất trong lịch sử loài người.
Yersinia pestis là một loại vi khuẩn hình que cực kỳ độc hại, nó vô hiệu hóa hệ thống miễn dịch của vật chủ bằng cách tiêm chất độc vào trong các tế bào miễn dịch như đại thực bào, có nhiệm vụ phát hiện vi khuẩn xâm nhập. Một khi các tế bào này bị loại bỏ, vi khuẩn có thể nhân lên một cách nhanh chóng mà không bị cản trở.
Nhiều loài động vật có vú nhỏ đóng vai trò là vật chủ của loại vi khuẩn này, gồm: Chuột, sóc, sóc chuột, chó thảo nguyên, và thỏ. Trong một chu kỳ, Yersinia pestis có thể lưu hành với tốc độ thấp trong quần thể động vật gặm nhấm, hầu như nó không bị phát hiện vì không tạo ra dịch.
Từ lâu, chuột được coi là véc tơ chính của dịch hạch, vì nó có mối liên hệ mật thiết với con người. Các nhà khoa học phát hiện ra một con bọ chét sống trên chuột có tên Xenopsylla cheopis, là nguyên nhân chủ yếu gây ra các trường hợp mắc bệnh dịch hạch ở người. Khi loài gặm nhấm bị chết vì bệnh dịch hạch, bọ chét sẽ nhảy sang một vật chủ mới, có thể là con người và nó truyền vi khuẩn Yersinia pestis cho họ. Sự lây truyền bệnh cũng có thể xảy ra qua việc xử lý mô hoặc máu của động vật bị nhiễm bệnh dịch hạch hoặc hít phải những giọt dịch tiết bị nhiễm bệnh trong không khí.
Bệnh dịch hạch đã cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người trên thế giới.
Bệnh dịch hạch đặc trưng bởi các hạch bạch huyết bị sưng đau, nổi nhiều ở quanh háng, nách hoặc cổ. Các vết loét trên da trở nên đen, do đó đại dịch hạch ở châu Âu được gọi là “Cái chết đen”. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh dịch hạch có chuyển sang viêm phổi và nhiễm trùng máu gây tử vong với tỷ lệ rất cao.
Đại dịch cái chết đen hoành hành ở châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới đã chấm dứt vào năm 1350, tuy nhiên bệnh dịch hạch vẫn xuất hiện trở lại sau một vài thế hệ trong nhiều thế kỷ. Việc vệ sinh sạch sẽ và thực hành y tế công cộng đã giúp làm giảm thiểu tác động của bệnh rất nhiều nhưng vẫn không thể loại trừ được.
Người đầu tiên tìm ra cách ngăn chặn dịch hạch
Alexandre Yersin (1863 – 1943, sinh ra ở Thụy Sỹ) là người phát hiện ra loài vi khuẩn gây bệnh dịch hạch. Năm 1894, bệnh dịch hạch lan tràn trên khắp miền Đông Trung Quốc, gây ra nhiều cái chết và trở thành mối đe dọa cho tất cả cảng biển có giao dịch thương mại với Trung Hoa, trong đó có cảng Hải Phòng. Khi đó Albert Calmette (1863 – 1933) là bác sĩ, nhà vi khuẩn học, miễn dịch học người Pháp đã đề nghị Yersin sang nước này để nghiên cứu tại chỗ bệnh dịch hạch.
Alexandre Yersin (1863 – 1943) là người đã phát hiện ra loài vi khuẩn gây bệnh dịch hạch.
Ngày 15/6/1894, Yersin đặt chân đến Hồng Kông, chứng kiến xác người chết vì dịch hạch trên đường phố, giữa những vũng nước, trong các khu vườn, trên ghe thuyền đang cắm neo. Yersin liền ghi lại quan sát ban đầu của mình thấy có rất nhiều chuột chết trên mặt đất.
Với sự trợ giúp của Vigano, một người Ý sống ở Hồng Kông, Yersin làm việc trong lán bằng tre phủ rơm với vài xác chết được lấy từ nhà xác. Nhờ đó Yersin xác định được nguyên nhân của bệnh dịch.
Yersin là người đầu tiên chứng minh rằng trực khuẩn hiện diện ở chuột bệnh và người bệnh là một, nhờ đó ông đã lý giải được phương thức truyền bệnh. Cũng trong năm ấy, khám phá này được cộng tác viên Émile Duclaux gửi đến Viện Hàn lâm Khoa học Pháp trong bài báo nhan đề La Peste Bubonique de Hong-Kong (Bệnh dịch hạch ở Hồng Kông).
Năm 1895 ông trở lại Viện Pasteur ở Paris và cùng với Émile Roux, Albert Calmette và Armand Borrel đã điều chế ra huyết thanh chống bệnh dịch hạch đầu tiên.
Năm 1896, ông lập một phòng thí nghiệm nhỏ tại Nha Trang (Khánh Hòa) để sản xuất huyết thanh (năm 1905 viện này trở thành một chi nhánh của Viện Pasteur).
Những đóng góp to lớn của bác sĩ Alexandre Yersin đã giúp nhân loại thoát khỏi bệnh dịch hạch.
Cũng trong năm 1896, bác sĩ Yersin đến Quảng Châu (Trung Quốc), được phép tiêm huyết thanh được điều chế tại Nha Trang cho một chủng sinh đang mắc bệnh tại đây và mau chóng thu được kết quả. Ông trở thành người thầy thuốc đầu tiên cứu sống một bệnh nhân dịch hạch. Bác sĩ Yersin trở thành ân nhân của nhân loại khi ngăn chặn được bệnh dịch hạch thời đó.
Đại dịch COVID-19 xuất hiện cũng đã cướp đi sinh mạng hàng triệu người trên thế giới. Điều này khiến chúng ta nhớ lại đại nạn dịch hạch, một trong những căn bệnh khủng khiếp trong lịch sử loài người. Bác sĩ Yersin đã không quản ngại hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh vì khoa học, lên đường sang Hồng Kông - trung tâm của dịch bệnh.
Trong điều kiện thiếu thốn thiết bị y tế, cũng như không được sự giúp đỡ của chính quyền sở tại, bác sỹ Yersin đã miệt mài nghiên cứu và chỉ trong thời gian ngắn, ông đã phát hiện ra trực khuẩn dịch hạch, sau đó tiến hành điều chế vaccine trị bệnh và chữa trị thành công.
Để ghi nhớ công lao của ông, vi khuẩn được đặt theo tên ông là “Yersinia pestis”.