Theo Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt nam, Hội Đông y Hà Nội, cây xạ đen còn có tên gọi khác là cây bách giải, cây bạch vạn hoa, cây đồng triều, đơn lá chè hoặc cây “ung thư” (theo cách gọi của người dân tộc Mường).
Đây là loại dược liệu tác dụng phòng ngừa và hỗ trợ điều trị một số loại bệnh. Xạ đen giúp cơ thể thanh nhiệt và giải độc, hỗ trợ điều trị các bệnh viêm nhiễm, tiểu đường, máu nhiễm mỡ, dùng trong giảm đau, tăng sức đề kháng của cơ thể.
Cây xạ đen phân bố nhiều ở Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á như Việt Nam, Myanmar, Thái Lan. Loại cây này thường mọc ở độ cao từ 1.000 đến 1.500 m. Ở nước ta, cây thuốc xạ đen phân bố chủ yếu tại các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế và một số vườn quốc gia lớn như Vườn quốc gia Cúc Phương, Ba Vì.
Xạ đen lành tính nhưng ai không nên uống nước xạ đen? (Ảnh minh hoạ)
Ai không nên uống nước xạ đen?
Theo Đông y, xạ đen có vị đắng chát, tính hàn, có tác dụng thông kinh, lợi tiểu, chữa ung nhọt, lở loét, tiêu viêm, mát gan mật, giảm tiết dịch và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Dù xạ đen là dược liệu khá lành tính nhưng cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn đối với một số người. Những nhóm người dưới đây không nên uống nước xạ đen.
- Phụ nữ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi.
- Người bị huyết áp thấp không nên sử dụng cây xạ đen vì có khả năng hạ huyết áp, gây hoa mắt, chóng mặt. Trường hợp huyết áp thấp nhưng vẫn muốn sử dụng xạ đen, bạn nên cho thêm 3 đến 5 lát gừng mỏng khi uống.
- Xạ đen cũng chống chỉ định với những người mắc suy thận, chức năng thận kém. Cây thuốc tốt nhưng có thể khiến chức năng thận kém đi vì phải lọc thêm tạp chất.
- Những người sau khi uống rượu bia cũng không nên uống nước xạ đen.
Tác dụng của xạ đen với sức khỏe
Cây xạ đen hay còn gọi là cây ung thư vì thành phần hóa học của cây có khả năng ức chế tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư gan và ung thư phổi. Cây xạ đen chứa thành phần hóa học gồm những polyphenol (axit lithospermic và axit lithospermic B, axit rosmarinic, kaempferol 3-rutinoside, rutin); sesquiterpene và triterpene; các nhóm hợp chất khác như axit amin, quinone, flavonoid, tanin...
Với những thành phần đó, cây xạ đen có tác dụng dược lý gồm:
Chống khối u: Các hợp chất polyphenol, flavonoid, quinone trong cây xạ đen có tác dụng ức chế tế bào ung thư phát triển, hóa lỏng tế bào ung thư để chúng dễ dàng bị tiêu hủy, từ đó chống hình thành khối u và di căn.
Chống oxy hóa: Các chất hóa học trong cây xạ đen có khả năng chống lại các gốc tự do và làm suy giảm những tác hại của gốc tự do đối với tế bào.
Chống nhiễm khuẩn: Đặc biệt, hợp chất saponin triterpenoid trong xạ đen có khả năng bảo vệ cơ thể trước tác nhân vi khuẩn xâm nhập.
Về Đông y, cây xạ đen vị hơi chát và đắng, tính hàn và có những tác dụng sau:
- Điều trị bệnh viêm gan, xơ gan, hỗ trợ chữa gan nhiễm mỡ làm vàng da
- Giải độc, tiêu viêm, mụn nhọt trên da
- Ổn định huyết áp, hoạt huyết
- Giúp giải tỏa căng thẳng, an thần, tăng sức đề kháng
- Chữa khối u
- Trị các bệnh xương khớp, cột sống
Tùy từng bài thuốc liều dùng xạ đen sẽ tương ứng, tuy nhiên tối đa chỉ nên dùng xạ đen khoảng 70g/ngày và cần tham khảo ý kiến thầy thuốc để được tư vấn liều dùng phù hợp.
Bài viết trên đây trả lời cho câu hỏi "Ai không nên uống nước xạ đen?", cũng như những tác dụng của cây xạ đen. Tuy nhiên, để đạt được mục đích sử dụng xạ đen một cách tối ưu, tốt nhất người dùng nên tham vấn ý kiến của người có chuyên môn để tránh trường hợp lạm dụng, hoặc dùng sai cách dẫn đến tác dụng phụ không mong muốn.