4 đội bóng là SLNA, SHB Đà Nẵng, Nam Định và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh cùng đề đạt yêu cầu để V-League 2020 diễn ra mà không có đội xuống hạng. Chia sẻ với báo giới, Chủ tịch VPF Trần Anh Tú nói còn "quá sớm" để nghĩ tới phương án này.
Dù vậy, một giải đấu hàng đầu châu Á là J-League cũng thống nhất giải pháp không có đội xuống hạng, nên phương án này có thể sẽ được cân nhắc thiệt hơn ở V-League. Bên nào hưởng lợi nếu không có CLB xuống chơi hạng Nhất năm sau?
Nam Định (áo vàng) là ứng viên cho suất xuống hạng.
Món quà cho các đội nhỏ
Trước hết, đây sẽ là món quà vô giá dành cho các đội có tiềm lực hạn chế tại V-League. 3/4 đội đưa ra đề xuất không xuống hạng là SHB Đà Nẵng, Nam Định cùng Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đều đang chênh vênh, trong đó SHB Đà Nẵng còn toàn thua 2 trận đầu, đứng cuối bảng.
Nam Định, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh có nền tảng tài chính và lực lượng hạn chế bậc nhất V-League, trong khi SLNA, đội còn lại đưa ra đề xuất, cũng không dư dả về lực lượng.
Ở những mùa trước, V-League luôn có 1 suất xuống thẳng và 1 suất đá play-off với đội á quân hạng Nhất. Thống kê cho thấy các đội V-League đá play-off trong nhiều mùa gần đây đều thắng, do đó, mỗi mùa giải đấu chỉ chia tay một đội.
Tỷ lệ xuống hạng ở V-League chia bình quân cho các đội tính trong 5 mùa gần đây là 7,14%, thấp hơn nhiều so với 15% ở các giải VĐQG châu Âu. Thai League có 16 đội tham dự, 3 đội xuống hạng, tỷ lệ lên đến 18,75%. Số đội xuống hạng càng chiếm tỷ lệ lớn so với số đội tham dự, giải càng có tính ganh đua khốc liệt.
Video: HAGL có thoát khỏi "vũng lầy" đua trụ hạng mùa này?
Tỷ lệ xuống hạng ở V-League thấp, song các đội vẫn lo ngại do cách biệt về trình độ, đẳng cấp đã được thu hẹp đáng kể. V-League 2019 có tới 9 đội đua trụ hạng khi mùa giải còn 5 vòng, trong đó có những cái tên giàu tiềm lực như Thanh Hóa, Viettel hay cựu vương SHB Đà Nẵng. Khoảng cách giữa đội chót bảng và đội giữa bảng còn không vượt quá 1 trận thắng.
Trừ những đội ở nhóm đầu như Hà Nội FC, Than Quảng Ninh, CLB TPHCM, khó đội nào khác ở V-League thực sự an toàn ở thời điểm này. Ngoài ra, hạng Nhất năm nay cũng nhiều đội khao khát lên hạng như Sanna Khánh Hòa, Phố Hiến,... nên vị trí áp chót đá play-off cũng không "dễ thở" nữa.
Theo ông Bùi Xuân Hòa, đại diện SHB Đà Nẵng, việc không có đội xuống hạng ở mùa 2020 sẽ giúp các đội "quẳng gánh lo" về mặt thành tích. Không phải lo "sa lầy", Nam Định, SHB Đà Nẵng hay Hồng Lĩnh Hà Tĩnh sẽ thoải mái thi đấu và trao cơ hội cho cầu thủ trẻ.
Gánh nặng thành tích khiến nhiều đội buộc phải dựa vào cầu thủ kinh nghiệm và ngoại binh, như Hải Phòng trao băng đội trưởng cho Hoàng Vissai, Nam Định phụ thuộc Đỗ Merlo hay Hà Tĩnh có Lê Tấn Tài, Janclesio. Nếu áp lực thành tích được giải phóng, các đội sẽ thoải mái hơn khi tạo điều kiện cho "gà nhà" thi thố tài năng. Các đội tuyển trẻ hiển nhiên hưởng lợi.
Merlo (số 19) vẫn là điểm tựa của Nam Định dù đã luống tuổi.
Ngoài ra, các CLB vừa và nhỏ có thể thanh lý hợp đồng với ngoại binh và tiết kiệm tiền để duy trì hoạt động. Dịch Covid-19 khiến V-League đình trệ và các đội bóng thiệt hại không ít khi vừa nuôi quân, duy trì tập luyện, vừa không thu lại hiệu quả kinh tế sau những tháng nghỉ.
Mới 2/14 đội V-League có cầu thủ chấp nhận giảm lương là CLB TP.HCM và Nam Định. Còn lại, các đội vẫn phải "ăn đong" và tính ngày nào hay ngày ấy trong cuộc khủng hoảng này.
Giải pháp công bằng?
Ngoài ra, đá không có đội xuống hạng gần như là then cửa duy nhất để đóng lại những khúc mắc của một nửa số đội V-League.
Theo đề xuất của VPF, V-League có thể sẽ đá tập trung trên sân không khán giả ở phía Bắc. Các đội phía Nam sẽ chịu thiệt thòi do phải gánh chi phí ăn ở, tập luyện nhiều tháng, không được đá sân nhà trong phần còn lại của mùa giải. Tính công bằng của giải đấu giảm xuống, và nếu vẫn xét lên/xuống hạng như các mùa trước là có phần oan nghiệt với không ít CLB.
Chia sẻ với VTC News, Chủ tịch Nguyễn Húp của Quảng Nam FC khẳng định VPF cần có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ các CLB gặp khó khăn.
Với riêng các đội miền Trung và phía Nam, di chuyển ra Bắc thi đấu là bất lợi lớn. Ngay cả khi V-League quay lại thi đấu với thể thức cũ vào tháng 7, 8, 9, các đội miền Trung cũng chịu thiệt thòi do yếu tố sân bãi, thời tiết.
HAGL sẽ gặp bất lợi nếu phải đá xa nhà.
Chơi với thể thức không xuống hạng, Ban tổ chức giải có thể giữ nguyên số đội tham dự mùa này (14 đội), kết hợp với 2 đội hạng Nhất lên hạng mùa tới. Mùa 2021 sẽ có 16 đội tham dự và tăng số đội xuống hạng để đảm bảo quân số mùa 2022 về lại 14 như hiện nay. Sẽ có rất nhiều giải pháp tính đến, mà cách làm của J-League là một lựa chọn tham khảo.
Dù vậy, đá không xuống hạng, đối tượng đầu tiên chịu thiệt thòi chính là khán giả. Chất lượng V-League không cao trong nhiều năm qua. Nếu không có đội "rớt đài", tính cạnh tranh càng giảm, kéo theo sự lao dốc về chất lượng chuyên môn.
Không thể chờ đợi sự cống hiến, nỗ lực khi có tới quá nửa số đội không còn mục tiêu phấn đấu. Chơi trong môi trường thiếu cạnh tranh, áp lực, các tuyển thủ quốc gia - những người đứng trước nhiều mục tiêu quan trọng là giành vé dự vòng loại cuối World Cup 2022 và vô địch AFF Cup 2020, không thể duy trì phong độ.
Khó có giải pháp lý tưởng cho VPF và các CLB. Giờ đây, V-League chỉ mong dịch bệnh đi qua càng sớm càng tốt để trở lại nhịp sống, guồng quay cũ.