Ai đúc những ngai vàng?
Dạo này các ca sĩ có vẻ tập trung khai thác bản thân mình hơi sâu. Mỹ Tâm đã thông báo ra mắt phim tài liệu chiếu rạp Người giữ thời gian xoay quay live show Tri Âm hoành tráng của cô.
Nhưng khiến khán giả tròn mắt ngạc nhiên lại không phải giọng ca Đúng cũng thành sai mà chính là Đàm Vĩnh Hưng với phim tiểu sử Hào quang rực rỡ - The King.
Đàm Vĩnh Hưng trong buổi họp báo ra mắt phim về cuộc đời mình.
Người ta cũng ít tin Đàm Vĩnh Hưng dại dột vén màn những góc tối trong cuộc đời, như Thương Tín chia sẻ về chuyện yêu đương bát ngát của ông trong hồi ký. Còn hào quang rực rỡ vây quanh Đàm Vĩnh Hưng ra sao thực tế chỉ khán giả mới có thể xác nhận chính xác, vì chính họ tạo nên hào quang cho nghệ sĩ. Điều người ta lăn tăn ở đây là, Đàm Vĩnh Hưng thành vua khi nào? Ai đúc ngai vàng cho Đàm Vĩnh Hưng? (Hay là tự đúc)…
Ngoài Vua còn có bao nhiêu nữ hoàng: “Nữ hoàng phòng trà”, “Nữ hoàng giải trí”, “Nữ hoàng Bolero”...
Hồ Ngọc Hà từng lên tiếng phân bua: “Tôi rất vui khi được nhận danh hiệu như thế nhưng cũng chưa bao giờ dám tự nhận mình là Nữ hoàng giải trí và cũng sẽ không bao giờ dám. Nhưng tôi cũng sẽ không từ chối vì dù sao đó cũng chính là tình cảm mà mọi người ưu ái dành cho tôi”.
Nói một hồi thì vẫn là đồng ý với danh hiệu, từ chối lại phụ tình cảm ưu ái của mọi người. Nhưng “mọi người” là bao nhiêu người? Ai là người gọi đầu tiên, để đến bây giờ danh xưng thành quen thuộc với Hồ Ngọc Hà? Câu hỏi này chắc không dễ tìm được đáp án.
Trở lại với Đàm Vĩnh Hưng. Giọng ca đình đám này từng khẳng định anh không “vỗ ngực xưng tên”, không tự nhận là “ông hoàng, bà chúa”.
“Tôi chỉ muốn là nghệ sĩ của mọi người, mọi nhà hát cho đến khi mình còn có thể” - anh nói.
Thế nhưng, bây giờ anh lại đang quảng cáo cho dự án Hào quang rực rỡ- The King?
Nếu theo dõi những phát ngôn của Đàm Vĩnh Hưng người ta chỉ còn biết ca: “Em biết tin ai bây giờ/Ngày còn đây, người còn đây…”.
Đàm Vĩnh Hưng cũng từng sắm vai Ngọc Hoàng trong chương trình Táo Quân của Đài truyền hình Vĩnh Long.
“Tấm thân nhỏ bé” lại được thích hơn…
Cũng có trường hợp, chỉ bám vào phát ngôn của một người có tiếng nào đó, danh xưng lập tức hình thành. Như trường hợp giọng ca bolero Tố My có danh xưng “ngọc nữ” là nhờ MC Trác Thuý Miêu trao tặng.
Thực ra, người tặng có khi cũng chỉ nói chơi chơi mang tính giải trí trong một chương trình nào đó hay lúc “trà dư tửu hậu”, chính họ cũng chẳng ngờ nó lại trở thành danh xưng gắn bó với một người.
Nhưng chuyện này xưa đã có. Ở sân ca nhạc hải ngoại, khi xưa tác giả Áo lụa Hà Đông, thi sĩ Nguyên Sa đã tặng Tuấn Vũ biệt danh Phượng hoàng. Nhưng đến bây giờ trên các sân khấu ca nhạc có sự góp mặt của Tuấn Vũ người ta cũng ít nhắc biệt danh chói lòa này bởi nhắc đến Tuấn Vũ khán giả nào cũng biết đó là ai, không cần “áo khoác” sang chảnh.
Là nghệ sĩ nên đứng trong tim khán giả bằng chính nghệ danh của mình hay bằng những danh xưng không chính thống? Điều này tùy lựa chọn của mỗi người làm nghề quyết định.
Hiện nay, bolero không còn hấp dẫn khán giả mạnh mẽ như những năm trước. Cứ nhìn vào làng bolero người xem, người nghe cũng choáng váng bởi danh xưng: Nữ hoàng bolero, Ngọc nữ bolero, Thánh nữ bolero, Tiểu thư bolero, Búp bê bolero… Những thế hệ sau theo đuổi dòng bolero chắc cũng phải nhờ nhà văn giàu chữ nghĩa nghĩ giúp danh xưng để đỡ trùng.
Ngọc Sơn với bề dày hoạt động nghệ thuật và sức hút đối với dòng nhạc anh theo đuổi, xứng đáng gọi là “danh ca”?
Tuy nhiên, có một điều khá hài hước, nhắc đến Ngọc Sơn nhiều người lại nhớ đến anh với “thương hiệu” ngộ nghĩnh tự tạo: “Tấm thân nhỏ bé”.
Tại sao lại thế? Có khi toàn gặp ông hoàng, bà chúa, khán giả lại thích những cách gọi bình dân, gần gũi.
Cơ bắp cuồn cuộn kém chi lực sĩ Phạm Văn Mách nhưng lên sân khấu câu đầu tiên Ngọc Sơn nói là: "Tấm thân nhỏ bé xin kính chào đại gia đình".
Không phải đến bây giờ mà làng giải trí trước 1975 cũng đã có những danh xưng, thí dụ nhắc “ti vi chi bảo”, ai cũng hiểu đang nói Phương Hồng Quế. Hay thời phim mì ăn liền cũng có “nữ hoàng nước mắt”…
Song nói gì thì nói, danh xưng không loạn như bây giờ. Làng giải trí quá nhiều “nữ hoàng”, “ngọc nữ”, “thánh nữ”… Một bộ phận khán giả lại kêu lố và loạn. Nhưng ai kêu cứ kêu, danh xưng vẫn cứ tiếp tục đâm chồi nảy lộc.
Đến đây, lại sực nhớ hai cái tên ăn khách nhất làng ca nhạc. Mỹ Tâm nhiều biệt danh Nữ hoàng Vpop, Chị Đại… nhưng có khi “Hoạ mi tóc nâu” vẫn quen thuộc, gần gũi nhất.
Khán giả thích Mỹ Tâm ở sự không làm màu trong phong cách thế thì cần gì gọi cô ấy là “Nữ hoàng” cho cách xa vời vợi? Hà Anh Tuấn được coi là ông hoàng “hút vé” nhưng khán giả của anh chỉ thích anh là “Người đàn ông và bông hoa bên ngực trái”, lịch lãm và lãng mạn hơn nhiều.
Cũng có một số nghệ sĩ có tên, có tuổi đề nghị khán giả không gọi họ là “nữ hoàng” hoặc “danh ca”… Chỉ gọi đúng nghề nghiệp họ đang theo đuổi là ca sĩ hoặc diễn viên.
Phi Nhung được mệnh danh "Nữ hoàng băng đĩa" một thời nhưng trong trái tim người hâm mộ cố nghệ sĩ là "bà mẹ đông con nhất V-biz".
Đừng nghĩ họ dại. Cổ nhân đúc kết: “Gừng càng già càng cay”. Có “nữ hoàng” nào sống mãi với thời gian? Bởi đã nói đến vua hay nữ hoàng là nói đến triều đại. Lịch sử biến thiên… chi bằng làm ca sĩ “rong chơi ca hát tháng ngày”, lại còn không bị áp lực phải sống sao cho giống vua, giống nữ hoàng.
Nhớ live show của Phi Nhung - Mạnh Quỳnh - Như Quỳnh tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, một trong những live show cuối cùng của “Nữ hoàng băng đĩa”.
Đêm ấy, Phi Nhung không lên nổi nốt cao phải nhờ dàn bè đỡ. Khán giả vẫn vỗ tay rào rào vì họ thương “bà mẹ đông con nhất V-biz” chứ không phải thương một “nữ hoàng”.