Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ai có nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim cấp?

(VTC News) -

Nhồi máu cơ tim cấp là bệnh lý nguy hiểm có khả năng gây tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Theo bác sĩ Viện Tim mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai, nhồi máu cơ tim cấp thường khởi phát bằng cơn đau ngực cấp tính.

Đau ngực điển hình do nhồi máu cơ tim có đặc điểm: đau thắt nghẹt sau xương ức, cảm giác như có ai bóp nghẹt hay có tảng đá đè nặng lên ngực khiến người bệnh phải nín thở, cơn đau có thể lan lên vai trái, lên cằm, xuống cánh tay.

Đau ngực do nhồi máu cơ tim thường xuất hiện đột ngột, ngay cả khi nghỉ ngơi, kéo dài hơn 20 phút.

Khoảng 20% các bệnh nhân nhồi máu cấp “im lặng”, tức là không triệu chứng hoặc gây ra các triệu chứng mơ hồ, đôi lúc chỉ là cảm giác mệt, hồi hộp hoặc khó chịu không giải thích được, thường thấy ở bệnh nhân tiểu đường.

Ngược lại, một số trường hợp nhồi máu cơ tim cấp khởi phát các cơn rối loạn nhịp nguy hiểm gây ngừng tim, người bệnh đột ngột mất ý thức, gọi hỏi không đáp ứng, đòi hỏi phải được cấp cứu ngừng tuần hoàn ngay lập tức nếu không sẽ tử vong.

Đau ngực do nhồi máu cơ tim thường xuất hiện đột ngột, ngay cả khi nghỉ ngơi, kéo dài hơn 20 phút. (Ảnh minh họa)

Các triệu chứng khác kèm theo là mệt mỏi, vã mồ hôi nhiều đặc biệt trong cơn đau, khó thở, hồi hộp đánh trống ngực, cảm giác tim đập nhanh hoặc tim đập bỏ nhịp, nôn hoặc buồn nôn, chân tay lạnh.

Nhồi máu cơ tim cấp có khả năng xuất hiện cao hơn ở:

  • Người cao tuổi, nam trên 55 tuổi hoặc phụ nữ sau mãn kinh.
  • Người có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận mạn, rối loạn mỡ máu, ít vận động, ăn mặn, lối sống tĩnh tại, thể trạng béo phì.
  • Hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá.
  • Sử dụng chất kích thích: cocaine, amphetamine làm co thắt động mạch vành.

Biện pháp phòng ngừa

Các bác sĩ khuyên người dân cần thiết lập và duy trì một lối sống lành mạnh: Bỏ thuốc lá, không làm dụng rượu bia và các chất kích thích, tập thể dục để đặn hàng ngày, kiểm soát cân nặng, sinh hoạt và làm việc khoa học.

Người dân cũng nên tránh các căng thẳng stress, có chế độ ăn hợp lý như hạn chế đồ chiên, xào, ăn nhiều rau xanh, ăn nhạt…

Những người có các bệnh lý tim mạch như tăng soát huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu cần khám, theo dõi định kỳ bác sĩ chuyên khoa để điều chỉnh kịp thời chế độ ăn, lối sống cũng như sử dụng các loại thuốc cần thiết.

Khi có biểu hiện nhồi máu cơ tim đặc biệt là đau ngực trái đột ngột, người bệnh cần nhanh chóng gọi sự trợ giúp từ người nhà hoặc trung tâm y tế gần nhất để được đưa đến bệnh viện có đơn vị can thiệp động mạch vành, nhằm thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán như điện tâm đồ, siêu âm tim, xét nghiệm men tim và tiến hành các biện pháp điều trị chuyên sâu.

Những người bệnh mắc nhồi máu cơ tim cần được điều trị tại các trung tâm tim mạch có đơn vị can thiệp động mạch vành, đảm bảo đủ khả năng chẩn đoán và tiến hành các can thiệp chuyên sâu như can thiệp động mạch vành qua da, phẫu thuật bắc cầu nối động mạch. Đặc biệt có đủ khả năng cấp cứu và hồi sức tim mạch khi tình trạng suy tim tiến triển nặng.

Thanh Hải

Tin mới