Sau chuyến công du 5 ngày đến Ai Cập, Quốc vương Saudi đã trở về với một món quà không thể lớn hơn: 2 hòn đảo nằm ngay 2 góc chiến lược tại Biển Đỏ.
Theo New York Times, 2 hòn đảo này chính là “lời cảm ơn” mà Ai Cập gửi đến Quốc vương Saudi Arabia sau khi nhận được hàng loạt viện trợ và đầu tư từ quốc gia giàu có này.
Theo ước tính, chỉ trong vòng 5 ngày, hai bên đã ký ít nhất 15 thoả thuận kinh tế, trong đó bao gồm một gói hỗ trợ phát triển ở Sinai và một thỏa thuận dầu mỏ trị giá đến 22 tỷ USD.
Quốc vương Saudi Arabia (phải) bắt tay Tổng thống Ai Cập tại sân bay quốc tế Cairo. Ảnh: Reuters |
Trước đó, vào ngày 9/4, nội các Ai Cập tuyên bố sẽ chuyển 2 phần lãnh thổ khô cằn, không người ở là đảo Tiran và Sanafir tại Vịnh Aqaba cho Saudi Arabia.
Nội các nhấn mạnh đây là hành động chuyển giao hợp pháp, vì vốn dĩ 2 khu vực này thuộc lãnh thổ của Saudi Arabia. Hai đảo này được giao quyền kiểm soát cho Ai Cập vào năm 1950, trong bối cảnh leo thang căng thẳng với Israel.
Các quan chức cho biết việc bàn giao 2 hòn đảo nằm giữa bờ biển của 2 nước là kết quả của cuộc đàm phán 6 năm qua về biên giới hàng hải.
2 vùng lãnh thổ này chủ yếu có giá trị chiến lược chứ không phải kinh tế, vì trên đảo không có dân lưu trú mà chỉ có số ít binh lính (hầu hết là người Mỹ), đóng quân theo thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Ai Cập năm 1979.
Vị trí 2 đảo Tiran và Sanafir. Ảnh: New York Times |
Tuy vậy, quyết định trên vẫn làm dấy lên không ít phản đối từ phía dân chúng Ai Cập. Họ cho rằng Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi đang nhượng bộ "đầy nhục nhã" trước đồng minh.
Trong loạt bài xã luận xuất hiện sau quyết định trên, các nhà phê bình gọi ông Sisi là “Awaad” để gợi nhắc về một nhân vật trong dân gian Ai Cập đã bán đất của mình, hành động đáng xấu hổ trong con mắt của người dân nông thôn Ai Cập.
“Không cần biết tình trạng pháp lý của sự việc là như thế nào, động thái này nhìn từ bên ngoài là rất tồi tệ", Samer Shehata, giáo sư nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma cho biết.
"Vua Salman đến Ai Cập mang theo hàng tỷ USD viện trợ đầu tư, và đổi lại, họ nhận được 2 hòn đảo. Đối với nhiều người Ai Cập, hành động trên như thể tổng thống đang bán đất cho Saudi vậy”, vị giáo sư nhận định.
Các chuyên gia chính trị cũng thể hiện sự ngạc nhiên trước hành động nhượng đất của Tổng thống Sisi, vì sau khi lên nắm quyền vào năm 2013, ông từng gợi ý một điều khoản trong Hiến pháp quy định rõ việc cấm nhượng lãnh thổ Ai Cập cho bên ngoài.
Không chỉ thể hiện thái độ phản đối trên các phương tiện truyền thông đại chúng, người dân Ai Cập còn tổ chức một cuộc biểu tình nhỏ tại Quảng trường Tahrir, nơi từng diễn ra các cuộc bạo loạn lật đổ tổng thống Hosni Mubarak. Theo một quan chức Bộ Nội vụ, ít nhất 5 người đã bị bắt giữ trong cuộc biểu tình ngày 10/4.
Video bão cát kinh hoàng ở Saudi Arabia
Tuy vậy, theo nhận định của các chuyên gia, việc chuyển giao có thể mang lại nhiều lợi ích ngoại giao cho Cairo, sau gói viện trợ ít nhất 12 tỷ USD từ Arab giúp phục hồi nền kinh tế yếu kém của Ai Cập từ năm 2013.
Động thái này càng trở nên ý nghĩa hơn trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa 2 nước trong những tháng gần đây, khi Arab nhất quyết phản đối các chính sách mà nước này coi là xâm lược quân sự của Ai Cập tại Yemen và Syria.
"Thực ra, đây không phải là một sự nhượng bộ", Michael Wahid Hanna, thành viên cao cấp của Quỹ Thế kỷ tại New York đánh giá. "Nó cho thấy Tổng thống Sisi của Ai Cập đang nhìn nhận mối quan hệ với Arab như một hàng rào cần được nối lại."