Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ai Cập họp báo thông tin về tiến độ giải cứu tàu mắc cạn tại kênh đào Suez

(VTC News) -

Ngày 27/03, Cơ quan quản lý kênh đào Suez đã tổ chức họp báo để thông tin về nỗ lực giải cứu tàu chở hàng Ever Given của Panama bị mắc cạn tại đây.

Người đứng đầu Cơ quan quản lý kênh đào Suez, Trung tướng Osama Rabie xác nhận rằng không có thương vong hoặc xảy ra ô nhiễm trong sự cố tàu Ever Given (do công ty Evergreen Marine có trụ sở tại Đài Loan vận hành) mắc cạn tại kênh đào và Ai Cập đang nỗ lực suốt ngày đêm để thả nổi con tàu và phục hồi tuyến vận tải quan trọng này.

Con tàu bị mắc kẹt.

Theo đó, hoạt động giải cứu tàu diễn ra liên tục 24 giờ mỗi ngày và 14 tàu lai dắt đã được huy động tham gia nỗ lực này. Bên cạnh đó, một công ty cứu hộ quốc tế lớn của Hà Lan cũng đang hỗ trợ Ai Cập trong quá trình thả nổi tàu. Đến nay, bánh lái của con tàu Ever Given đã hoạt động trở lại và phần đuôi tàu đã bắt đầu di chuyển.

Tuy nhiên, hoạt động giải cứu tàu cũng đang gặp những khó khăn lớn do tình trạng thủy triều, đất, độ cao của con tàu và khối lượng hàng hóa trên tàu. Ông Osama Rabie cho biết, độ sâu ở giữa kênh đào lên đến 24 mét, nhưng độ sâu ở hai bên kênh chỉ từ khoảng 2 đến 5 mét, do đó hoạt động nạo vét là rất cần thiết để thả nổi tàu. Chính quyền cũng đã dự kiến các phương án thay thế khác nếu hoạt động thả nổi con tàu hiện nay không thành công, trong đó có phương án giảm tải trọng của con tàu để việc di chuyển diễn ra thuận lợi. Người đứng đầu Cơ quan quản lý kênh đào Suez chưa xác định thời gian dự kiến cụ thể sẽ hoàn tất việc thả nổi con tàu.

Người đứng đầu Cơ quan quản lý kênh đào Suez, ông Osama Rabie, trả lời họp báo.

Ông Osama Rabie cho biết thêm, việc con tàu khổng lồ bị mắc cạn đã khiến hoạt động vận tải qua kênh đào bị gián đoạn và đến nay đã có tới 321 tàu phải chờ ở hai đầu phía Bắc và Nam của kênh đào. Theo ông Rabie, tốc độ gió có thể không phải là nguyên nhân duy nhất khiến con tàu mắc cạn và không loại trừ giả thuyết có lỗi kỹ thuật hoặc của con người.

Người đứng đầu Cơ quan quản lý kênh đào Suez cũng bày tỏ cảm ơn các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Hy Lạp và UAE đã đề nghị giúp đỡ trong hoạt động thả nổi con tàu và Ai Cập đang nghiên cứu tất cả những lời đề nghị này để lựa chọn phương án tốt nhất. Quan chức Ai Cập cũng khẳng định vụ việc sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động và tầm quan trọng của kênh đào trong tương lai, bởi đây vẫn là một tuyến đường vận tải an toàn và ngắn nhất trên thế giới, đồng thời Ai Cập đang xử lý vấn đề một cách minh bạch và với những nỗ lực, quan tâm cao nhất.

Ngọc Thạch, Tuấn Nguyễn (VOV-Cairo)

Tin mới