Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Afghanistan: Sự sụp đổ của chính quyền hèn nhát, không có nhân dân

(VTC News) -

Tổng thống Afghanistan hèn nhát bỏ chạy mang theo tiền bạc của cải khi quân Taliban tiến vào cửa ngõ Kabul, chính quyền của ông ta sụp đổ vì không hề có nhân dân.

Bất chấp việc Mỹ đã đổ hơn 83 tỷ USD vũ khí, trang thiết bị và đào tạo lực lượng an ninh của Afghanistan trong hơn hai thập kỷ, chính phủ ở Kabul đã sụp đổ tan tành trong thời gian ngắn kỷ lục khi Mỹ và đồng minh còn chưa kết thúc việc rút quân, vốn được lên kế hoạch hoàn tất vào đầu tháng 9 tới.

Xây dựng bộ máy an ninh Afghanistan là một phần quan trọng trong chiến lược của chính quyền Barack Obama khi họ tìm cách chuyển giao việc bảo đảm an ninh cho chính phủ sở tại từ gần một thập kỷ trước. Những nỗ lực này đã tạo ra một đội quân được mô phỏng theo hình ảnh của quân đội Mỹ. Nhưng đội quân ấy nhanh chóng tỏ ra bạc nhược, chưa đánh đã hàng ngay khi lực lượng Taliban mở các cuộc tấn công giành lãnh thổ.

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. (Ảnh: Reuters)

Taliban là ai? Là một lực lượng Hồi giáo cực đoan, bị quốc tế lên án vì việc thực thi hà khắc luật Hồi giáo Sharia, dẫn đến việc nhiều người Afghanistan bị đối xử tàn bạo. Trong thời gian cầm quyền từ năm 1996 đến năm 2001 ở Afghanistan, Taliban và các đồng minh của họ đã thực hiện các cuộc thảm sát nhằm vào thường dân, từ chối lời đề nghị cung cấp lương thực (của Liên hợp quốc) cho 160.000 dân thường chết đói và tiến hành chính sách tiêu thổ, đốt cháy những vùng đất màu mỡ rộng lớn, phá hủy hàng chục nghìn ngôi nhà.

Trong thời kỳ cai trị của mình, họ cấm phụ nữ đi học, phân biệt đối xử với các dân tộc thiểu số và tôn giáo khác. Theo Liên hợp quốc, Taliban và các đồng minh của họ là nguyên nhân gây ra 76% thương vong cho dân thường Afghanistan trong năm 2010, 80% vào năm 2011 và 80% vào năm 2012. Taliban cũng đã tổ chức các cuộc “diệt chủng văn hóa”, phá hủy nhiều di tích bao gồm cả các tượng Phật 1.500 năm tuổi nổi tiếng…

Nhưng vì sao vẫn có nhiều người dân Afghanistan đi theo Taliban, hoặc ít ra là không hề ủng hộ chính phủ vừa sụp đổ, cho dù họ biết Taliban không hề tốt đẹp? Phải chăng họ không có lựa chọn nào khác?

Nhiều người đã cố gắng lý giải câu hỏi này. Một trong những điểm chung mà các nhà quan sát nói đến, đó là chính quyền Afghanistan mục ruỗng, hèn nhát, không hề có nhân dân, vì nhân dân.

Trên thực tế, chính phủ Afghanistan không chỉ không giành được sự tin tưởng của người dân để ngăn chặn một cuộc nổi dậy, mà sự yếu kém và mục ruỗng trong bộ máy của họ còn khiến nhiều người Afghanistan rời xa họ và rơi vào vòng tay của Taliban.

Một cố vấn quân sự Mỹ từng tham chiến ở Afghanistan mới đây nói rằng, trong lực lượng an ninh Afghanistan, có những vị chỉ huy mà binh lính chỉ đơn giản là không muốn chiến đấu vì họ, không tin vào họ. Bởi cái lon họ đeo trên vai được mua bằng tiền. Rồi khi ngồi vào ghế chỉ huy, họ tìm mọi cách tham lạm công quỹ, biển thủ hàng hóa viện trợ, tận dụng các cơ hội kiếm tiền khác để bù lại và để làm giàu. Binh lính nào muốn tuân lệnh những chỉ huy như thế?

Nạn tham nhũng còn dẫn đến những báo cáo dối trá, những người lính “ma”, những đội cảnh sát không hề tồn tại trong thực tế, nhưng lương bổng của lính “ma” lại hoàn toàn có thật và rơi vào túi các quan chức tham nhũng. Một bài viết trên Los Angeles Times tiết lộ rằng, ở miền nam Afghanistan, khu vực có nhiều người ủng hộ Taliban, 50% - 70% danh sách cảnh sát là không có thật trong thực tế.

Quan chức, lãnh đạo tham nhũng tràn lan, trong khi nhiều binh sĩ và cảnh sát nhiều tháng không được nhận lương, những người lính được đưa ra mặt trận mà không có đủ thức ăn và nước uống, thậm chí là vũ khí.

Tổng thống Ashraf Ghani lên máy bay rời khỏi Afghanistan. (Ảnh chụp màn hình)

Và làm trầm trọng các vấn đề là sự chia rẽ, bè phái. Một số nhà quan sát nói rằng chia rẽ chính trị lan tràn trên khắp Afghanistan, ngay trong những người phản đối Taliban. Họ không ủng hộ Taliban, nhưng cũng không ủng hộ chính phủ của tổng thống Ashraf Ghani. Kể từ năm 2014, đã có nhiều cuộc đấu đá nội bộ giữa những người tuy cùng thuộc phe chính phủ Afghanistan nhưng không thể hòa hợp và hợp tác với nhau.

Vì thế, Taliban dễ dàng đánh chiếm những nơi mà chính quyền trung ương ở Kabul có bất đồng với lãnh đạo địa phương, hoặc nơi các cộng đồng địa phương không chấp nhận ai đó không phải người địa phương nhưng được Kabul cử về làm quan chức.

Trong khi đó, nhiều người dân cảm thấy bị chính quyền trung ương tước đoạt quyền lợi hoặc bỏ rơi, điều này khiến họ có ít lý do hơn để chiến đấu ngăn bước tiến của Taliban.

Và rõ ràng là họ có lý. Chính phủ ấy đâu có bảo vệ họ khi tình hình nguy cấp: Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã âm thầm rời khỏi đất nước hôm Chủ nhật (15/8), ngay trước khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul và điều này được Abdullah Abdullah, quan chức đàm phán hàng đầu của Afghanistan, xác nhận. “Cựu tổng thống Afghanistan đã rời bỏ đất nước” - Abdullah, người đứng đầu Hội đồng cấp cao về hòa giải quốc gia, nói trong một thông báo video trên Facebook. “Ông ta đã rời bỏ đất nước trong tình trạng này, [vì điều đó] Chúa sẽ bắt ông ta phải chịu trách nhiệm”.

Máy bay trực thăng tại Đại sứ quán Mỹ ở Kabul. (Ảnh: AP)

Các vấn đề tồn tại dai dẳng ở Afghanistan đã củng cố niềm tin của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng Washington không thể chống lưng, hỗ trợ chính phủ và quân đội Afghanistan mãi được. Trong các cuộc họp tại Phòng Bầu dục hồi đầu năm, ông Biden nói với các phụ tá rằng việc ở lại thêm một năm, hoặc thậm chí năm năm, sẽ không tạo ra sự khác biệt đáng kể và không đáng để mạo hiểm.

Mỹ đã cho quân trú đóng ở Afghanistan lâu hơn nhiều so với người Anh đã làm trong thế kỷ 19, và lâu gấp đôi so với Liên Xô trong những năm 80 của thế kỷ trước - và kết quả mang lại gần như tương tự.

Ngay sau khi tướng Lloyd J. Austin tuyên thệ nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vào ngày 22/1, ông và tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân, đã đề nghị với ông Biden cho 3.000 - 4.500 quân Mỹ đóng tại Afghanistan, gần gấp đôi con số 2.500 thời điểm đó đang đồn trú.

Nhưng ông Biden, người nghi ngờ sâu sắc về những nỗ lực của Mỹ trong việc đem quân viễn chinh trong những năm ông ở Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và thời gian làm Phó tổng thống, đã đặt vấn đề vài nghìn quân Mỹ có thể làm gì nếu Kabul bị tấn công. Ông nói với các trợ lý rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ sẽ làm tăng thêm sự phụ thuộc của chính phủ Afghanistan vào Mỹ và trì hoãn ngày mà họ phải tự chịu trách nhiệm về an nguy của chính mình.

Tổng thống Mỹ nói với nhóm cố vấn, bao gồm Ngoại trưởng Antony J. Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, ông tin rằng bất kể Mỹ làm gì, Afghanistan gần như chắc chắn sẽ bước vào một cuộc nội chiến khác – điều Washington không thể ngăn cản, nhưng cũng không nên bị lôi kéo vào.

Ông Biden, theo tường thuật của báo New York Times, trong một cuộc thảo luận hồi tháng 3, có đặt câu hỏi: Nếu (lúc đó) chính phủ Afghanistan không thể cầm chân Taliban, thì khi nào họ có thể làm được?

Không ai trong số các quan chức Lầu Năm Góc đưa ra câu trả lời.

Anh Minh

Tin mới