Theo ông Faisal al-Ibrahim, Ả Rập Xê-út cam kết cung cấp dầu thô cho Trung Quốc và quan tâm đến việc hợp tác với nền kinh tế đứng thứ hai thế giới trong các vấn đề khác như biến đổi khí hậu và kiềm chế lạm phát.
“Trung Quốc là một khách hàng rất quan trọng. Chúng tôi hiểu rằng gần đây thị trường năng lượng đã thay đổi, nhưng chúng tôi tiếp tục cam kết trở thành nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy cho thế giới, bao gồm cả Trung Quốc”, ông Ibrahim nói.
"Chúng tôi đánh giá rất cao mối quan hệ này".
Ả Rập Xê-út cam kết trở thành nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy cho Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Tuyên bố của ông Faisal al-Ibrahim được đưa ra trong bối cảnh thế giới chuẩn bị đối mặt với một đợt tăng giá dầu mới sau lệnh cấm vận của phương Tây đối với dầu của Nga.
Trung Quốc phải nhập khẩu tới 70% nhu cầu dầu. Do đó, quốc gia này phải nỗ lực giữ cho cả nền kinh tế và hệ thống công nghiệp khổng lồ của đất nước hoạt động ổn định.
Năm ngoái, Trung Quốc đã mua 87,6 triệu tấn dầu thô từ Ả Rập Xê-út - nguồn nhập khẩu dầu lớn nhất của đất nước.
Hiện Bắc Kinh đang cố gắng nâng sản lượng dầu thô trong nước lên khoảng 200 triệu tấn và tăng sản lượng khí đốt tự nhiên từ mức 205,3 tỷ m3 năm 2021 lên 214 tỷ m3 trong năm nay.
Hồi tháng 3, tập đoàn năng lượng Aramco của Ả Rập Xê-út tuyên bố sẽ đầu tư vào một nhà máy lọc dầu trị giá hàng tỷ USD ở vùng Đông Bắc Trung Quốc. Trước đó, tập đoàn cũng liên doanh với nhà máy lọc dầu quốc doanh Sinopec ở tỉnh Phúc Kiến, Đông Nam Trung Quốc.
Trung Quốc gần đây cũng tăng cường quan hệ với Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) - khối gồm 6 quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn bao gồm Ả Rập Xê-út, Qatar, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Oman và Bahrain.
Đồng thời, Bắc Kinh đang tăng cường nhập khẩu dầu thô từ Nga - nhà cung cấp dầu lớn thứ hai của Trung Quốc. Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu tới 79,6 triệu tấn dầu của Nga.
Dù giá dầu cao, Bộ trưởng Kinh tế Ả Rập Xê-út nói rằng sản phẩm này vẫn chưa tăng giá nhiều bằng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và các sản phẩm năng lượng khác - cho thấy sản lượng từ các quốc gia sản xuất dầu lớn cũng tăng. Theo ông, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh đã góp phần giúp hạn chế giá dầu leo thang.
“Tôi phải nói rằng OPEC+ và thỏa thuận của OPEC+ là biện pháp tốt để quản lý nguy cơ lạm phát tiềm ẩn”, ông Ibrahim nói.
“Chúng tôi luôn muốn tham gia giải quyết các thách thức toàn cầu”.
Vào tháng 4, sản lượng dầu của OPEC đạt 28,6 triệu thùng/ngày, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,5% so với tháng 3.