Tám tháng sau khi tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Nguyễn Ngọc Trung nhận được thư mời nhập học bậc tiến sĩ của hai trường Đại học Monash - top 100 trường đại học tốt nhất thế giới và Đại học New South Wales - top 1 các trường đại học về nghiên cứu Hoá học ở Úc.
Nhận được email thông báo, Trung vỡ òa cảm xúc bởi cuối cùng em cũng đạt được mục tiêu sau nhiều lần kiên trì apply hồ sơ vào các trường quốc tế nổi tiếng.
Em Nguyễn Ngọc Trung.
Vượt cấp học thẳng lên tiến sĩ
Được đi du học là ước mơ Trung ấp ủ ngay khi đặt chân vào giảng đường. Em luôn nghĩ rằng, môi trường học tập ở nước ngoài có nhiều điều mới về lối tư duy, tiếp cận vấn đề theo cách khác biệt. Đó cũng sẽ là môi trường tốt để em học tập, phát triển khả năng của bản thân cũng như cách nhìn nhận vấn đề, trải nghiệm về cuộc sống sẽ phong phú, sâu sắc hơn.
Sau khi tham khảo ý kiến của thầy cô, bố mẹ và các giáo sư nước ngoài, em quyết định theo học và làm nghiên cứu sinh tại Đại học Monash (Úc).
Theo Trung, thông thường sau khi tốt nghiệp cử nhân, người học sẽ trải qua bậc thạc sĩ rồi mới học lên đến tiến sĩ. Nhưng nhiều đại học trên thế giới cho phép người học được học thẳng lên tiến sĩ nếu có công trình, định hướng nghiên cứu tốt và thư giới thiệu của các giáo sư nổi tiếng.
Khi còn là sinh viên tại Đại học Khoa học Tự nhiên, Trung là tác giả chính của bài báo, công trình nghiên cứu về vật liệu mới khả năng hấp phụ kháng sinh trong nước thải y tế được đăng trên tạp chí uy tín quốc tế nhóm Q1. Đó là một trong những lý do em thuyết phục Đại học Monash đồng ý cho vượt cấp học thẳng lên bậc tiến sĩ.
Không chỉ nhận được thư mời nhập học vào trường đại học nổi tiếng thế giới, Trung còn được Tập đoàn Vingroup cấp học bổng toàn phần bậc tiến sĩ trong 4 năm liên tục. Như vậy, nam sinh gốc Hà Nội sẽ không phải lo các khoản chi phí tiền học, ăn ở, bảo hiểm, đi lại trong 4 năm học làm nghiên cứu tại Đại học Monash.
Dự kiến tháng 8/2021, khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt hơn, Úc mở cửa các đường bay quốc tế trở lại, Trung sẽ chính thức lên đường du học. Hiện Trung vừa tranh thủ đi làm, vừa hoàn thiện các hồ sơ xin cấp visa đi Úc.
Trung tham gia nhiều hoạt động trại hè trao đổi sinh viên giữa các nước.
Nếu sang Úc trời gian tới, Trung dự kiến sẽ chuyển hướng nghiên cứu về năng lượng và tái tạo năng lượng. Cậu cho rằng, năng lượng luôn là bài toán thách thức với mọi nền kinh tế. Chỉ quốc gia nào giải quyết được bài toán năng lượng thì mới có thể phát triển mạnh mẽ và bền vững ở tương lai. Trong khi đó, Việt Nam có nguồn năng lượng xanh điện, gió, mặt trời, hydrogen... ngày càng được ưa chuộng và nước ta cũng đặc biệt quan tâm.
Phát triển năng lượng sạch thay thế các chất đốt như dầu khí, than đá... sẽ là xu hướng của thế giới trong 10, 15, 20 năm tới. Đó là lý do Trung lựa chọn chuyển hướng sang nghiên cứu chuyên sâu hơn về lĩnh vực năng lượng.
Hướng nghiên cứu mới này hoàn toàn không liên quan đến công trình nghiên cứu, bài báo quốc tế em từng công bố năm 2020. Trước đây, em nghiên cứu về xử lý rác thải- môi trường trong công nghiệp. Tuy nhiên em tin rằng với hướng đi mới sẽ là những cơ hội cũng như thách thức sự khám phá và tìm tỏi của bản thân.
"Nghiên cứu về năng lượng không phải thế mạnh của em, nhưng đây cũng là 'canh bạc' đáng để thử. Chỉ vài năm tới, Việt Nam và thế giới sẽ nổi lên làn sóng chế tạo, sử dụng năng lượng xanh, sạch. Rất tiềm năng và đáng để chờ đợi", nam sinh chia sẻ.
Chiến thắng bản thân
Nguyễn Ngọc Trung bắt đầu làm quen với nghiên cứu khoa học từ năm thứ hai đại học. Đến cuối năm thứ 4 đại học, cậu trở thành tác giả chính của bài báo công bố quốc tế.
Nhớ lại những ngày đầu bắt đầu nghiên cứu, em làm việc ở phòng thí nghiệm của tiến sĩ Phạm Tiến Đức (Bộ môn Hoá Phân tích, Khoa Hoá học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) để được thầy hướng dẫn và học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu.
Tiến sĩ Đức rất nghiêm khắc, thầy thử thách em bằng cách giao nhiệm vụ đọc hiểu, phân tích một số tài liệu, bài báo chuyên ngành liên quan đến hướng nghiên cứu dự định làm.
Thời gian đầu, Trung gặp khó khăn trong việc đọc các bài báo khoa học vốn có nhiều từ vựng tiếng Anh chuyên ngành. Em cảm thấy bối rối trong việc trả lời các câu hỏi như mình sẽ làm các bước như thế nào, thiết kế thí nghiệm ra sao, có công cụ, phương pháp nào để làm. Thời điểm Trung thừa nhận bản thân thiếu nhiều kiến thức, kỹ năng và cả kinh nghiệm.
Nguyễn Ngọc Trung cùng mẹ.
Từ cảm giác vẫy vùng “tập bơi”, nhờ sự giúp đỡ của thầy giáo hướng dẫn, Trung dần có hình dung cơ bản và quen với cách làm việc tại phòng thí nghiệm.
Khó khăn nhất là khi việc bắt tay làm thí nghiệm, em phải làm đi làm lại nhiều lần, số liệu thu được thường xuyên lặp lại, kém ổn định và không như kỳ vọng. Trong khi đó, thầy Đức luôn yêu cầu các thí nghiệm phải được làm lặp lại ít nhất 3 lần sao cho sai số là nhỏ nhất trong khoảng cho phép.
Có lần Trung thực hiện thí nghiệm hấp phụ, lần đầu cho kết quả khả quan nhưng hai lần sau lại cho kết quả rất trái ngược. Đôi khi chỉ một sai sót nhỏ mắc phải trong quá trình làm thí nghiệm khiến kết quả chệnh lệch, thay đổi rất nhiều so với kỳ vọng.
Khó khăn là vậy nhưng Trung chưa khi nào thấy nản và muốn bỏ cuộc. Sự kiên trì và mong muốn chinh phục luôn thôi thúc em mỗi khi sai số thí nghiệm. Cứ thế, sau nghiên lần thất bại, em hoàn thành được công trình nghiên cứu đầu tiên của mình.
Sau thời gian dự thi nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Trung được thầy Đức động viên phát triển nghiên cứu thành một bài báo hoàn chỉnh để gửi đăng cho tạp chí Journal of Molecular Liquids (Q1, IF 4.561). Thành công này cũng chính là bước tiền đề mở ra cho Trung cơ hội du học tiến sĩ ngày hôm nay.
Để chuẩn bị du học, Trung đang cố gắng tự trau dồi thêm khả năng tiếng Anh. Em đang đạt trình độ 7.0 IELTS. Cậu kỳ vọng thời gian tới sẽ nâng trình độ tiếng Anh của mình lên được 8.0. Trung cũng từng cảm thấy tiếng Anh thật sự rất khó, như thể nó sinh ra không dành cho mình vậy. Nhưng rồi em tự tìm ra sự mới mẻ thông qua những video thú vị. Dần dần em bớt đi suy nghĩ tiêu cực, tìm lại được động lực và xây dựng cho mình một phương pháp học phù hợp với khả năng. Nhờ đó, em đã làm chủ được ngôn ngữ.
Khi học Trung luôn tập trung, nỗ lực hết sức để đạt được những gì mình muốn. Mọi khó khăn, vất vả hay thất bại đều là bài học giúp bản thân tiếp tục mạnh mẽ để trở thành phiên bản tốt hơn của ngày hôm qua. Đó là lý do vì sao ở Trung luôn tràn đầy năng lượng và không ngừng học hỏi đi lên mỗi ngày.