Củ riềng từ xưa đến nay được biết đến là một trong những loại gia vị phổ biến, góp phần tạo nên hương vị thơm ngon của các bữa ăn. Không chỉ là loại gia vị, trong Y học cổ truyền loại củ này còn được biết đến là vị thuốc quen thuộc hỗ trợ chữa được nhiều bệnh. Hãy cùng tìm hiểu về tác dụng của củ riềng trong bài viết dưới đây.
Bài viết của BS Hoàng Sơn trên Báo Sức khoẻ & Đời sống cho biết, trong y học cổ truyền, củ riềng có vị cay thơm, tính ấm vào hai kinh tỳ và vị, tác dụng ôn trung, giảm đau, tiêu thức ăn, chữa đau bụng do lạnh, phong thấp, sốt rét, hắc lào, lang ben.
Cây riềng là loại cây nhỏ, thân rễ mọc bò ngang, dài. Cụm hoa mặt trong màu trắng, mép hơi mỏng, kèm hai lá bắc hình mo, một màu xanh, một màu trắng. Lá không cuống, có bẹ, hình mác dài.
Củ riềng tên là phong khương, cao lương khương, tiểu lương khương, có khá (Thái), kìm sung (Dao). Ở nước ta, cây riềng mọc hoang và được trồng ở khắp nơi, không chỉ được dùng làm gia vị mà còn được sử dụng làm thuốc. Bộ phận làm thuốc rễ (củ) phơi khô.
Cách chế biến: Đào rễ, rửa sạch đất, cắt bỏ rễ con rồi cắt thành từng đoạn 2 - 3cm, phơi khô. Riềng được dùng cả trong y học hiện đại và y học cổ truyền.
Theo nghiên cứu hiện đại, thành phần hóa học của riềng khoảng 1% tinh dầu, mùi thơm long não, chủ yếu có xineola và metylxinnamat. Ngoài ra, nó còn có chất dầu vị cay gọi là galangola được dùng để làm thuốc kích thích tiêu hóa, chữa đầy hơi.
Dưới đây là những tác dụng tuyệt vời của củ riềng với sức khoẻ:
Chống ung thư mạnh mẽ
Báo Dân trí dẫn lời Lương y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam, cho biết, riềng được phát hiện là có tác dụng tích cực đáng kể đối với các loại ung thư khác nhau, cũng như giảm các dạng viêm mãn tính thậm chí còn hơn cả các loại thuốc chống viêm.
Theo ông Giang, các nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Chiayi ở Đài Loan đã nghiên cứu tác động của 3 hợp chất từ củ riềng với tế bào khối u ác tính (ung thư da) ở người. Cả 3 hợp chất đều có tác dụng chống tăng sinh, nghĩa là chúng ngăn chặn sự phát triển của các tế bào mới.
Một nghiên cứu năm 2014 ở Iran phát hiện ra rằng chiết xuất riềng lỏng đã phá hủy đáng kể số lượng tế bào ung thư dạ dày trong một thử nghiệm ở phòng thí nghiệm sau 48 giờ.
Không chỉ thế một chất chiết xuất từ củ riềng đã tạo ra quá trình chết theo chương trình trong dòng tế bào ung thư vú ở người, MCF-7, nhưng không gây hại cho các tế bào vú khỏe mạnh, MRC-5.
Củ riềng rất tốt cho sức khoẻ.
Chữa bệnh viêm khớp
Củ riềng có đặc tính chống viêm nên có lợi trong việc điều trị viêm khớp. Chất chống viêm gingerols giúp tổng hợp prostaglandin, làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp.
Điều trị say sóng, say tàu xe
Củ riềng tươi có thể chữa chứng say sóng và say tàu xe bằng cách làm dịu thần kinh. Do đó, nhai vài lát riềng tươi trước khi đi tàu hoặc xe sẽ giúp cải thiện tình trạng say hiệu quả.
Cải thiện chất lượng da, tóc
Sự hiện diện của vitamin C trong củ riềng giúp trẻ hóa làn da, ngăn ngừa sự tấn công của các vết thâm, đồi mồi và mụn trứng cá. Bên cạnh đó, củ riềng còn có khả năng làm sạch gàu và hạn chế tóc gãy rụng.
Củng cố hệ miễn dịch
Nhiều nghiên cứu cho thấy, chiết xuất polysaccharide từ củ riềng có tác động kích thích hệ lưới nội mô và làm tăng số lượng tế bào lá lách và tế bào rỉ viêm phúc mạc vốn đóng vai trò then chốt trong hệ miễn dịch.
Tăng số lượng tinh binh
Củ riềng được cho là có tác dụng kích thích khả năng sinh sản ở nam giới. Báo Thanh Niên dẫn nguồn trang tin Natural Food Series cho biết, một cuộc nghiên cứu được công bố hồi năm 2014 trên chuyên san Iranian Journal of Reproductive Medicine cho thấy củ riềng làm tăng sự di động, số lượng và sức khỏe tinh trùng.
Một nghiên cứu được tương tự được công bố sau đó cho thấy số lượng tinh trùng di động gia tăng gấp 3 lần khi 34 đàn ông khỏe mạnh hấp thu chiết xuất quả lựu và củ riềng.
Kiểm soát bệnh hen suyễn
Củ riềng có khả năng điều trị các vấn đề liên quan đến hệ hô hấp. Đồng thời, củ riềng còn giúp long đờm, làm giãn các tiểu phế quản, kiểm soát bệnh hen suyễn và hội chứng suy hô hấp cấp tính.
Giảm lipid và cholesterol trong máu
Các flavonoid như kaempferol, quercetin và galanin trong củ riềng giúp giảm hàm lượng cholesterol cũng như mức lipid trong máu. Ngoài ra, chiết xuất của củ riềng có thể chống lại quá trình tổng hợp axit béo.
Kháng viêm
Nghiên cứu cho thấy, củ riềng chứa các đặc tính kháng viêm giúp nó trở thành một phương thuốc trị bệnh viêm khớp dạng thấp hiệu quả.
Bên cạnh đó, củ riềng còn giúp giảm nhẹ sự khó chịu do các vết loét và viêm đau vùng bụng gây ra.
Trên đây là những tác dụng của củ riềng với sức khoẻ. Hi vọng những thông tin này sẽ hữu ích đối với bạn.