Đề cương Văn hóa Việt Nam là văn kiện có tính chất cương lĩnh, chiến lược đầu tiên về văn hóa của Đảng ta. Trong bối cảnh nước ta chưa giành được độc lập, với dung lượng chưa đến 1.500 chữ, Đề cương Văn hóa Việt Nam đã vạch ra đường lối đúng đắn khai mở nền văn hóa độc lập, tiến bộ; hiệu triệu được đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đi theo cách mạng; tạo nên sức mạnh đập tan đường lối văn hóa nô dịch, phản tiến bộ.
Ngược dòng lịch sử, đầu năm 1943, Hồng quân Liên Xô chiến thắng tại Stalingrad, làm thay đổi cục diện Đệ Nhị thế chiến. Ở trong nước, tổ chức Đảng và Mặt trận Việt Minh đã bắt rễ vào quần chúng và đang tạo ra những xung lực mới cho phong trào cách mạng.
Trước tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến đổi, từ ngày 25 đến 28/2/1943, tại làng Chài (nay là xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội), Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp bàn việc mở rộng Mặt trận Việt Minh và xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Hội nghị chủ trương liên minh với tất cả các đảng phái và các nhóm yêu nước trong và ngoài nước nhằm tăng cường sức mạnh đại đoàn kết giải phóng các dân tộc Đông Dương thoát khỏi ách thống trị của Nhật - Pháp; ủng hộ Liên Xô. Hội nghị đã thông qua Đề cương về cách mạng tư tưởng và văn hóa Việt Nam (gọi tắt là Đề cương Văn hóa Việt Nam) do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo. Hội nghị cũng quyết định lập Hội Văn hóa Cứu quốc ở các thành phố.
Thời điểm này, phát xít Nhật sử dụng các hoạt động văn hóa là công cụ để đánh lạc hướng nhân dân ta khỏi con đường cứu nước. Đế quốc Nhật tuyên truyền chủ nghĩa Đại Đông Á, rêu rao rằng người Việt Nam và người Nhật Bản đều “da vàng”, quân đội Nhật đến Đông Dương là để giải phóng dân tộc thuộc địa khỏi thực dân “da trắng”. Không ít trí thức, văn nghệ sĩ đã thiếu tỉnh táo, ra sức hợp tác, ủng hộ chính sách phản động thâm độc của phát xít Nhật.
Nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng đi theo cách mạng như: Thế Lữ, Ngô Tất Tố, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng... qua ống kính của Trần Văn Lưu.
Đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ ở thời điểm Đề cương ra đời, ước tính chưa đến 500.000 người, chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng dân số hơn 22 triệu dân. Thời buổi giao lưu, tiếp biến văn hóa “gió Âu mưa Á”, họ am hiểu văn hóa Đông Tây kim cổ, được mai hậu đánh giá là “thế hệ vàng”. Vị trí của lực lượng này rất quan trọng, là tinh hoa của xã hội, có khả năng tổ chức, lãnh đạo, thu hút và dẫn dắt quần chúng nhân dân. Song nhận thức, trình độ chính trị, năng lực tổ chức còn hạn chế.
Nhận thấy đa phần trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam sẵn có tinh thần yêu nước nồng nàn, căm thù ngoại xâm và phong kiến phản động, mong muốn đem tài năng phụng sự dân tộc và nhân dân, Đề cương Văn hóa Việt Nam vạch ra đường lối đúng đắn, đó là: Muốn giải phóng năng lực sáng tạo, mở đường để cho văn hóa tiến bộ thì trước hết phải giành lại độc lập cho dân tộc.
Đảng chỉ rõ nhiệm vụ của giới trí thức văn nghệ sĩ là tham gia cách mạng dân tộc dân chủ, đặc biệt là tham gia cách mạng văn hóa (một bộ phận cấu thành của cách mạng dân tộc dân chủ cùng với cách mạng chính trị, cách mạng kinh tế), xây dựng nền văn hóa mới.
Đảng đã động viên giới trí thức văn nghệ sĩ đoàn kết với toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; gắn trí thức với công nhân, nông dân. Đề cương đã góp phần cô lập kẻ thù, kiếm thêm nhiều bạn cho cách mạng, mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất chống Nhật - Pháp, động viên thêm lực lượng yêu nước và tiến bộ để cứu nước.
Đề cương Văn hóa Việt Nam có giá trị thời sự, tính thực tiễn cao, thể hiện sức mạnh của văn hóa thu phục nhân tâm, vận động quần chúng, trong tình huống Đảng ta dự đoán thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền sẽ sớm xuất hiện. Chỉ trong vòng hai năm, Đề cương đã góp phần quan trọng vào việc quy tụ các lực lượng văn hóa có tinh thần dân tộc mà hạt nhân là Hội Văn hóa Cứu quốc và hướng dẫn lực lượng ấy trong cuộc đấu tranh để cùng toàn dân đưa tới sự thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử nước nhà.
Tổng Bí thư Trường Chinh trong kháng chiến chống Pháp. Trích phim tài liệu "Việt Nam trên đường thắng lợi" của đạo diễn Liên Xô Roman Karmen.
Hội Văn hóa Cứu quốc được thành lập tháng 4/1943, hoạt động bên cạnh các tổ chức khác của Mặt Trận Việt Minh. Khởi đầu là những văn nghệ sĩ đảng viên hoặc được giác ngộ lý tưởng cộng sản như: Học Phi, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Như Phong… tích cực hoạt động dưới sự chỉ đạo của Đảng thông qua các cán bộ như Lê Quang Đạo, Trần Độ. Dần dần, nhiều trí thức văn nghệ sĩ nổi tiếng, ban đầu có tư tưởng đối nghịch với đường lối văn hóa của Đảng sau đó cũng gia nhập Hội.
Khi những trí thức, văn nghệ sĩ uy tín đi theo cách mạng, quần chúng nhân vì thế tin tưởng ủng hộ Việt Minh, tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc. Cho nên chỉ với hơn 5.000 đảng viên làm nòng cốt song Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa thành công.
Di hại của nền văn hóa, giáo dục thực dân có tính chất nô dịch đã bám rễ rất sâu, Đề cương Văn hóa Việt Nam đề ra giải pháp cũng là nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Marxist Việt Nam là phải hoạt động tranh đấu trên ba lĩnh vực là tư tưởng, học thuật, văn nghệ; theo ba nguyên tắc vận động “dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa”.
Với phương châm “văn hóa khi đã xâm nhập vào đại chúng thì cũng tác động như một sức mạnh vật chất”, Hội đã tuyên truyền, hướng dẫn sáng tạo văn hoá văn nghệ đó là: “Chống lại văn hóa phát xít phong kiến, thoái bộ, nô dịch, văn hóa ngu dân và phỉnh dân; phát huy văn hóa tân dân chủ”. Đây là điều cực kỳ quan trọng bởi lẽ các chủ thuyết, trường phái văn hóa, văn nghệ công khai thời điểm đó đều đi sâu vào vấn đề đời tư, tâm lý cá nhân mà không chú trọng vấn đề xã hội, nhất là đấu tranh giai cấp; quá thiên về khám phá hình thức theo xu hướng nghệ thuật vị nghệ thuật. Chúng còn được phát xít Nhật và thực dân Pháp sử dụng làm “bánh vẽ” đánh lừa trí thức, văn nghệ sĩ là có thể giành được độc lập thông qua còn đường cách mạng cải lương, bất bạo động.
Nhờ có chủ trương, đường lối sáng tỏ, Hội Văn hóa Cứu quốc tích cực tổ chức nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo về phương pháp như: Diễn thuyết, xuất bản sách báo, hội viên hoạt động chính trị, xã hội, văn hóa… ảnh hưởng lớn trong xã hội, tạo thuận lợi cho Tổng khởi nghĩa trên toàn quốc.
Sau đó, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời phải đối diện với thù trong giặc ngoài, Hội Văn hóa Cứu quốc tiếp tục phát huy vị thế, kêu gọi quốc tế ủng hộ cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam, tổ chức tuần lễ văn hóa tại Hà Nội, tổ chức các hội tuyên truyền cho Tổng tuyển cử Quốc hội khóa I, tham gia cuộc vận động xây dựng “Đời sống mới”; đẩy mạnh phong trào Bình dân học vụ xóa mù chữ…
Đến ngày Toàn quốc kháng chiến bùng nổ (19-12-1946), các hội viên của Hội đã cùng các cơ quan Chính phủ chuyển lên Việt Bắc, tham gia vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc với tư thế chiến sĩ văn hóa.
Với đường lối đúng đắn, sát với thực tế của Đề cương Văn hóa Việt Nam, đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ thực sự lột xác để “nhận đường” (chữ của nhà văn Nguyễn Đình Thi), trở thành bộ phận tiên phong cách mạng trong xã hội. Văn hóa cũng vì thế thực sự phát huy vị thế, vai trò cải tạo xã hội buổi đầu nền dân chủ cộng hòa. Đây là điều mà nhà thơ Sóng Hồng (bút danh của Tổng Bí thư Trường Chinh) đã dự báo trong bài thơ “Là thi sĩ” viết tháng 6-1942: “Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ/ Mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền”.
Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (năm 2014) nhấn mạnh: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Nhiều người do chưa nghiên cứu kỹ, tưởng rằng đây là lần đầu tiên Đảng ta nêu bật tầm quan trọng của văn hóa. Thực ra Nghị quyết 33 chỉ khẳng định lại các luận điểm tương đồng với nội dung Đề cương Văn hóa Việt Nam đưa ra: “Mặt trận văn hoá là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hoá) ở đó người cộng sản phải hoạt động”; “Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hoá nữa”; “Có lãnh đạo được phong trào văn hoá, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả”.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ luôn dành tình cảm đặc biệt với trí thức, văn nghệ sĩ.
Trong diễn văn khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/1946 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Sau này, Người cho rằng: “Vǎn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
Tổng Bí thư Trường Chinh, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà văn hóa lớn của dân tộc trong các tác phẩm xuất bản thời kỳ chống Pháp như: “Kháng chiến nhất định thắng lợi”, “Chủ nghĩa Marx và văn hóa Việt Nam” đã làm sáng rõ hơn đường lối văn hóa của Đảng mới chỉ được nêu sơ lược trong Đề cương Văn hóa Việt Nam: “Mục đích của những người làm công tác văn hóa chúng ta là thắng địch, giữ nước, làm cho dân mạnh, dân tiến, dân tin, dân vui; là chống văn hóa nô dịch, ngu dân của thực dân Pháp, khắc phục những tư tưởng phong kiến, lạc hậu trong văn hóa nước nhà, là xây dựng một nền văn hóa dân chủ mới Việt Nam và góp phần văn hóa Việt Nam vào kho tàng văn hóa thế giới”.
Trong hoàn cảnh hơn 30 năm trời chiến tranh khốc liệt và chế độ kế hoạch hóa quan liệu bao cấp song văn hóa nước ta vẫn đạt được nhiều thành tựu to lớn đáng tự hào: Xóa mù chữ đạt hiệu quả trên diện rộng; khai sinh ra nền văn hóa cách mạng phục vụ Tổ quốc, nhân dân; tôn vinh các giá trị của dân tộc, con người và văn hóa Việt Nam… Trên hết, văn hóa trở thành vũ khí tư tưởng, cổ vũ tinh thần quân và dân ta trong những thời điểm gian nguy đối đầu với thế lực ngoại xâm hùng mạnh trên thế giới. Cho nên, khi đánh giá tầm ảnh hưởng văn hóa đối với sự nghiệp cách mạng, ý kiến cho rằng văn hóa có sức mạnh to lớn tựa như một đội quân trên mặt trận không tiếng súng là hết sức chính xác.
Rõ ràng Đề cương Văn hóa Việt Nam không chỉ có giá trị thời sự, ra đời ở đêm trước cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhằm vận động văn hóa góp phần giành chính quyền; mà còn có giá trị lâu dài, giúp chúng ta xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, thực sự độc lập, dân chủ, tiến bộ, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh (Quảng trường trung tâm thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) là nơi lưu giữ nhiều tư liệu lịch sử về cuộc đời một nhà lãnh đạo tiền bối nổi bật của Đảng ta, nhà văn hóa lớn của dân tộc.