1. Nghe một cách lịch sự
Điều đầu tiên bạn phải làm với những người có thói "thao thao bất tuyệt" là kiên nhẫn lắng nghe. Đôi khi, điều mà họ đang cố gắng muốn bày tỏ, chia sẻ là mấu chốt của vấn đề. Hoặc cũng có thể họ chỉ đang muốn thể hiện điều gì đó và mong nhận lại sự ngưỡng mộ từ bạn. Bạn cần nhận biết rõ, nếu thực sự họ đang nói về một điều gì đó quan trọng, cuộc hội thoại không thể diễn ra quá lâu.
2. Hỏi họ đâu là ý chính
Những cuộc nói chuyện miên man, lê thê rời xa chủ đề chính khiến bạn "chẳng biết đường nào mà lần". Trong tình huống này, bạn hãy tỉnh táo nhắc nhở, hỏi thẳng người đối diện xem họ đang muốn nói gì, đâu là ý chính của cuộc hội thoại?
Bạn hoàn toàn có quyền làm vậy để kéo họ "trở về với mặt đất" và yêu cầu họ tôn trọng thời gian của bạn.
3. Xin phép ngắt lời
Nếu đối phương cứ nói mãi chẳng kết thúc cuộc hội thoại sau nhiều nỗ lực lịch sự chen ngang, bạn hoàn toàn có quyền giơ tay lên và hỏi: "Xin phép tôi có thể ngắt lời bạn không?".
Họ cần biết điểm dừng và kết thúc những suy nghĩ không hồi kết của mình, nếu tự họ không làm được, bạn hoàn toàn có thể làm việc này.
4. Xoay chuyển tình thế
Sau khi có thể ngắt lời, cắt ngang, kết thúc cuộc hội thoại một cách lịch sự, tuyệt chiêu tiếp theo để xoay chuyển tình thế đó là bình luận về họ. Thêm vào đó, bạn cũng có thể nói những mẩu chuyện vô thưởng vô phạt về thú cưng của mình, về bản thân hay về người bạn đang có những ảnh hưởng tích cực tới bạn. Đây là cách khiến họ phải đứng trong vị trí người nghe, giúp họ nhận ra mình đã độc thoại quá nhiều và cần dừng lại.
5. "Tôi không có thời gian"
Đôi khi, đối phương không đủ nhạy cảm để nhận ra các dấu hiệu khi đang đối thoại. Trong trường hợp này, bạn hoàn toàn có thể nói thẳng với họ rằng, bạn không có thời gian để nghe họ kể lể, bạn đang rất bận và không muốn bị làm phiền thêm nữa.
Ngoài ra, bạn có thể cho họ biết cuộc hội thoại sẽ được tiếp tục khi bạn hoàn thành xong công việc dang dở. Và khi họ quay lại, tiếp tục làm phiền bạn để "kết thúc cuộc hội thoại còn đang dang dở", bạn hoàn toàn có thể trả lời họ rằng "Thông cảm, tôi vẫn chưa xong việc!".
6. Giới hạn thời gian nói chuyện
Bạn cần chủ động cho đối phương biết thời lượng của cuộc trò chuyện. Trong một vài trường hợp, bạn hoàn toàn có thể than phiền về sự hạn hẹp về thời gian và nội dung cuộc nói chuyện lại quá nhiều.
Nếu cảm thấy họ thực sự không muốn kết thúc cuộc nói chuyện, bạn hoàn toàn có thể đề nghị khoảng thời gian cụ thể khác để cho họ thấy, không phải bạn không muốn nghe họ nói, chỉ là vì bạn có quá nhiều công việc cần hoàn thành mà thôi.
7. "Tôi không thích nghe"
Nếu người đối diện cứ mải huyên thuyên, chẳng quan tâm gì đến cảm giác của bạn, thì đây là lúc bạn cần dừng họ lại. Mục đích của họ khi gặp bạn chỉ để kể câu chuyện cuộc đời họ cho bất cứ ai họ bắt gặp. Nếu tất cả các mẹo trên không giúp ích được gì thì một câu nói "Tôi không thích nghe" chắc chắn sẽ cứu nguy cho bạn.
Ngôn ngữ cơ thể cùng với thái độ khó chịu trên gương mặt bạn cho thấy họ không được chào mừng thêm lần nữa.
8. Rời đi
Cách làm này khá bất lịch sự, tuy nhiên nó có sức ảnh hưởng. Nếu họ không quan tâm bạn đang có nhiều việc để hoàn thành, không để ý đến thái độ bực bội của bạn khi phải nghe những câu chuyện không hồi kết, bạn hoàn toàn có thể vẫy tay chào tạm biệt họ và rời đi.
Sau tất cả mọi sự kiên nhẫn và tôn trọng bạn dành cho họ, như vậy là quá đủ. Bạn có cuộc sống của mình và cần tập trung vào nó, không thể dành thời gian để nghe những câu chuyện không hồi kết.