Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

8 bộ phim cực hay về đấu trường Olympic

06:52 06/08/2021 Phim

Chariots of fire (1981), Downhill Racer (1969), Cool runnings (1993)... được cho là những tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất về chủ đề Olympic.

Những kỳ tích, những câu chuyện xúc động của các vận động viên tại Thế vận hội luôn là nguồn cảm hứng cho nhà làm phim tạo nên những tác phẩm điện ảnh hấp dẫn.

Olympia 1 - “Festival of Nations”/ Olympia 2 - “Festival of Beauty” (1938)

Bộ phim tài liệu chính thức đầu tiên của Thế vận hội gồm hai phần, ghi chép lại toàn bộ Thế vận hội Berlin năm 1936. Tác phẩm mang đến màn trình diễn ngoạn mục về những thành tựu thể chất của cơ thể con người.

Được đạo diễn bởi nhà làm phim tuyên truyền nổi danh trong lịch sử Leni Riefenstahl, bộ phimcho thấy nỗ lực của Adolf Hitler trong việc sử dụng Olympic để quảng bá chiến dịch Đức Quốc xã của mình.

Cũng giống như trong bộ phim “Triumph of the Will” gây tranh cãi trước đây của mình, Riefenstahl đi theo lối quay phim sáng tạo, sử dụng nhiều máy quay chạy, khinh khí cầu và thiết bị bay, và ứng dụng kỹ thuật quay dưới nước – vượt qua những vấn đề về chính trị của Thế vận hội và nâng bộ phim lên một tầm cao chưa từng có vào thời đó.

Tokyo Olympiad (1965) 

Đối với kỳ Olympic lần thứ 18, Thế vận hội mùa hè lần đầu tiên được tổ chức tại một nước châu Á. Nhật Bản háo hức muốn cho thế giới thấy sự phát triển của họ kể từ cuối Thế chiến II. Điều đó được ghi lại trong bộ phim tài liệu hấp dẫn bởi nhà làm phim nổi tiếng Kon Ichikawa mang tên “Tokyo Olympiad”. 

“Tokyo Olympiad” ít tập trung vào kết quả của mỗi vòng thi mà thay vào đó nhấn mạnh đến sức mạnh thể chất của những vận động viên tham gia. Bộ phim vốn bị các nhà tổ chức Thế vận hội Tokyo chối bỏ, họ yêu cầu một bản biên tập lại, nhưng sau đó tác phẩm đã được khôi phục với sức hấp dẫn thuở ban đầu của nó.

Downhill Racer (1969)

Robert Redford đóng vai một vận động viên trượt dốc nóng nảy, người đến châu Âu để gia nhập đội tuyển Mỹ sau chấn thương đồng đội.

Được thúc đẩy bởi vinh quang cá nhân, anh đụng độ với các đồng nghiệp trượt tuyết cũng như cách huấn luyện nghiêm khắc của Gene Hackman. Khi Thế vận hội Mùa đông đến gần hơn, anh phải chấn chỉnh bản thân hoặc sẽ đánh mất vị trí của mình trong đội.

Bộ phim thể thao mang tính khuôn mẫu này được nâng cao bởi một số trình tự thể thao nghẹt thở, bộ phim quay được tốc độ và mối nguy hiểm của các sườn dốc mà không đánh mất sự thú vị, và bằng lối kể chuyện chuyển hướng từ một Redford bảnh bao sang niềm hy vọng của đội tuyển Mỹ tại Thế vận hội

Chariots of fire (1981)

Được cho là tác phẩm điện ảnh nổi tiếng nhất về chủ đề Olympic, bộ phim giành giải Oscar của Hugh Hudson kể về vận mệnh của hai vận động viên điền kinh người Anh khi họ chuẩn bị thi đấu tại Thế vận hội Mùa hè năm 1924 tại Paris.

Hai nhân vật chính gồm một vận động viên sùng đạo người Scotland (Ian Charleston thủ vai), người còn lại là vận động viên người Anh gốc Do Thái (Ben Cross thủ vai). Cả hai đều được truyền cảm hứng từ đức tin của họ cũng như lòng yêu nước và kỳ vọng của bản thân. Họ phải vượt qua vô số trở ngại để hoàn thành cuộc thi.

Giữa bối cảnh không khí bài xích Do Thái dâng cao ở châu Âu, họ vẫn khiến mọi người nể phục bởi sự cố gắng trong đam mê, và vượt qua trở ngại trong cuộc sống khi bên ngoài có quá nhiều định kiến hay mâu thuẫn về đức tin và sự nghiệp.

Ian Holm đã giành được đề cử Oscar duy nhất với vai diễn huấn luyện viên Sam Mussabini, nhưng bộ phim nổi danh nhờ vào phần nhạc vô cùng ngoạn mục của nhà soạn nhạc Hy Lạp Vangelis.

Cool runnings (1993)

Dù là một trong những tác phẩm ít bám sát vào thực tế Olympic nhất nhưng “Cool runnings” vẫn thành công như một bộ phim giải trí đầy thú vị. Bộ phim đến từ Walt Disney mang đến một sức hút khác biệt ngay từ thể loại cho đến bối cảnh phim.

"Cool runnings" của Disney.

Dựa trên sự kiện có thật về chủ đề thể thao, bộ phim là hành trình vươn tới vị trí số 1 của một đội tham gia thi đấu Olympic môn trượt xe, nhưng điều bất ngờ ở đây là trong 4 người họ chưa ai từng thực sự trượt xe cả. Môi trường tập luyện hay phong cách tập luyện, không giống một vận động viên chuyên nghiệp nào đang chuẩn bị cho kỳ thi Olympic. Có lẽ vì vậy người xem sẽ thấy họ quá mơ mộng hoặc quá hão huyền cho một chiến thắng khó chạm tới.

Trong phim, John Candy đóng vai một huấn luyện viên miễn cưỡng cho đội trượt băng bốn người đầu tiên của Jamaica, một nhóm các vận động viên điền kinh yếu thế, những người đã không giành được suất để tham gia Thế vận hội mùa hè. Một kế hoạch vụng về được lập ra và bằng cách nào đó đã hoàn thành, khi họ xoay xở để đủ điều kiện tham gia Thế vận hội Mùa đông năm 1988 tại Calgary.

Sự hài hước nằm ở những nhân vật chính. 4 người không có sự ganh đua cá nhân, không có áp lực ở phòng tập như các phim thường thấy. Họ luôn cười, luôn vui vẻ, gần như là quá ngây thơ cho một cuộc thi mang tầm quốc tế. Nhưng sự ngây thơ mang nhiệt huyết mạnh mẽ ấy lại là điều bất cứ vận động viên nào mong muốn, bởi họ đã đánh mất điều ấy trong suốt quá trình mong đạt được vinh quang, chiến thắng.

Foxcatcher (2014)

“Foxcatcher” là câu chuyện chân thực về hai đô vật đoạt huy chương vàng Olympic tên Mark và David Schultz, và mối quan hệ của họ với ông bầu John du Pont. Phim do Bennett Miller đạo diễn.

Phim quy tụ dàn sao Hollywood gồm Channing Tatum, Mark Ruffalo, Steve Carell.

Bộ phim kể về hai anh em vận động viên đô vật tài giỏi Mark Schultz (Channing Tatum) và Dave Schultz (Mark Ruffalo), tuy cùng là những nhà vô địch Olympics nhưng Mark luôn cảm thấy bị lu mờ dưới “cái bóng” của người anh Dave. Mọi chuyện càng trở nên tệ đi khi Mark bắt đầu hợp tác với John E. Du Pont một người có tài sản thừa kế “kếch xù” và vô cùng đam mê đô vật.

Mờ mắt bởi sự ghen tị, cô đơn và quyền lợi, Mark dần lún sâu vào mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Du Pont. Để giành chiến thắng, Mark thậm chí sử dụng cocain để gian lận trong cuộc thi. Bộ phim lột tả tất cả những tham vọng, ganh ghét của các vận động viên, thứ mà họ có thể đánh đổi tất cả để giành lấy để rồi dẫn đến một kết thúc bi thảm.

Miller đã giành được sự công nhận xứng đáng cho bộ phim này với giải thưởng “Đạo diễn xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim Cannes.

Race (2016)

Thế vận hội Mùa hè năm 1936 mà Riefenstahl từng quay cũng là chủ đề cho bộ phim của Stephen Hopkins. "Race" đã ghi lại hành trình vươn đến đỉnh cao của nam vận động viên Owens với 4 huy chương vàng trong lịch sử thể thao.   

Nhân vật Owens do diễn viên Stephan James đảm nhận. Anh vào vai một vận động viên 22 tuổi, người đã đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc tại quê nhà ngay cả trước khi anh giành được vị trí trong đội tuyển Olympic Mỹ.

Bộ phim tiếp nối tranh cãi chính trị trong quá trình chuẩn bị cho các vòng thi, cách Mỹ cân nhắc lựa chọn tẩy chay để phản đối nạn phân biệt đối xử của nước Đức với các vận động viên da đen và Do Thái, và cách mà Hiệp hội Quốc gia vì sự phát triển của người da màu đã gây áp lực để Owens không tham gia thi đấu.

I, Tonya (2017)

Khiếu hài hước đen tối của Craig Gillespie đã kịch tính hóa cuộc đời vận động viên trượt băng nghệ thuật Olympic Tonya Harding cùng những thành tựu trong sự nghiệp thể thảo. "I, Tonya" được ví như một bộ phim xã hội đen phong cách Martin Scorsese.

Tác phẩm khai thác góc nhìn mới về cuộc đời Tonya Harding qua diễn xuất tròn trịa của Margot Robbie. Nữ minh tinh nhận được nhiều lời khen ngợi trong bộ phim tài liệu về cuộc sống của Tonya với các mối quan hệ xung quanh, từ người mẹ cay nghiệt (do nữ diễn viên đạt giải Oscar Allison Janney thủ vai), cho đến người chồng có tính hung hăng (Sebastian Stan thủ vai). 

Không có tình yêu và sự thừa nhận từ gia đình, Tonya phải tìm kiếm những thứ đó trên sàn trượt băng. Nhưng ngay cả trên sân khấu mà cô tin mình là người xuất sắc, Tonya cũng vấp phải sự ghẻ lạnh từ ban giám khảo và những cáo buộc cô đã chủ mưu tấn công đối thủ Nancy Kerrigan. "I, Tonya" đã mang về cho Margot Robbie đề cử Oscar đầu tiên trong sự nghiệp.

Lê Anh

Tin mới