Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

7 việc cần làm khi sơ cứu người bị đột quỵ não

(VTC News) -

Điều quan trọng nhất trong cấp cứu bệnh nhân bị đột quỵ não là việc nhận biết các dấu hiệu sớm của bệnh và đưa người bệnh nhanh nhất có thể đến cơ sở y tế.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Dũng – Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai, đột quỵ não là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, cũng là nguyên nhân chính gây tàn tật ở người trưởng thành. Đột quỵ não gây ra gánh nặng rất lớn đối với gia đình và xã hội.

Chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa, giảm nguy cơ bị đột quỵ và điều trị thành công cho người bệnh. Quan trọng nhất, cần nhận biết các dấu hiệu sớm của đột quỵ não và đưa người bệnh nhanh nhất đến các cơ sở y tế chuyên về đột quỵ não.

Những việc cần làm khi sơ cứu người bị đột quỵ não

Khi sơ cứu cho người bệnh đột quỵ ở ngoài cộng đồng thì cần phải làm gì? Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho hay, điều tối quan trọng khi phát hiện người bệnh có dấu hiệu đột quỵ là cần hành động nhanh nhất có thể để kịp đến viện trong giờ vàng. Sau đây là những việc cần thực hiện ngay:

- Cập tức gọi xe cứu thương: Gọi 115 là lựa chọn thông minh nhất.

- Thông báo với cấp cứu 115 người bệnh bị “đột quỵ não”: Nhân viên cấp cứu 115 sẽ chuẩn bị phương tiện y tế phù hợp và lựa chọn bệnh viện chuyên điều trị đột quỵ não là đích đến

- Cho người bệnh nằm tư thế an toàn: nằm nghiêng một bên với đầu cao. Để giữ cho người bệnh thoải mái, hãy nới lỏng quần áo của họ. Tư thế này giúp tăng cường lưu lượng máu đến não.

- Theo dõi các triệu chứng và hỏi người bệnh: Hỏi về tất cả các loại thuốc mà người bệnh đang dùng. Cần ghi lại thông tin: thời điểm đột quỵ, tiền sử bệnh tật của người bệnh như tăng huyết áp, bệnh tim, tiểu đường... và bạn sẽ cung cấp cho nhân viên y tế sau đó.

- Không cho người bệnh uống thuốc. Đột quỵ não có hai thể là chảy máu não và nhồi máu não. Vì vậy, khi không biết người thân bị mắc loại đột quỵ nào thì tuyệt đối không cho họ uống bất kỳ loại thuốc nào mà chưa rõ khuyến cáo, hay chỉ là truyền miệng.

- Không cho người bệnh ăn hoặc uống bất cứ thứ gì: Đột quỵ não thường không tỉnh táo và có thể có rối loạn nuốt. Do đó có thể dẫn đến tình trạng nghẹn, gây sặc dẫn đến suy hô hấp và hệ quả là viêm phổi, thậm chí tử vong.

- Không cho người bệnh tự đi xe đến bệnh viện: Các triệu chứng đột quỵ não rất khó để nhận biết ngay từ đầu, và có thể tiến triển nặng hơn trong những giờ đầu. Nếu bạn phán đoán người bệnh đang bị đột quỵ não thì tuyệt đối không để người bệnh tự đi xe đến viện mà hãy gọi 115 và chờ sự giúp đỡ.

Chích nặn máu ở các đầu ngón tay, ngón chân, ráy tai là những hiểu lầm tai hại trong cấp cứu người bệnh đột quỵ. (Ảnh: BSCC)

Đột quỵ não - sai một ly, hậu quả khó lường

BSCKII Nguyễn Tiến Dũng cho biết trong đột quỵ, thời gian là não, càng mất nhiều thời gian, càng mất nhiều tế bào não. Cụ thể, cứ mỗi phút trôi qua, chúng ta mất hơn 1,9 triệu neuron và 13,8 tỷ synap thần kinh. Người bệnh càng đến sớm bao nhiêu thì cơ hội hồi phục càng cao bấy nhiêu.

Nếu được điều trị trong vòng 90 phút từ lúc khởi phát, cứ khoảng 3 người được điều trị tái tưới máu, thì 1 người sẽ trở lại cuộc sống hoàn toàn bình thường. Nếu tiết kiệm mỗi 15 phút, thì cơ hội người bệnh có cuộc sống tự lập tăng thêm 4%. Vì vậy, không để mất thời gian, chúng ta phải khẩn trương đưa người bệnh tới cơ sở y tế điều trị đột quỵ, càng mất thời gian, người thân chúng ta càng có nguy cơ tử vong.

“Ngày nay, công nghệ phát triển mạnh mẽ nên mỗi người cần trang bị những kiến thức cơ bản về sức khỏe. Tuy nhiên, chúng ta nên phân biệt và thu nhận những kiến thức đúng. Trong quá trình cứu chữa bệnh nhân, các bác sĩ đã gặp rất nhiều trường hợp người thân hiểu lầm về cách cấp cứu bệnh nhân đột quỵ não, gây ra những điều tiếc nuối cho chính người thân của mình", bác sĩ Dũng nói. 

Những hiểu lầm tai hại trong đột quỵ não

- Người bệnh cần nằm bất động tại giường sẽ tự khỏi bệnh.

- Chích nặn máu ở các đầu ngón tay, ngón chân

- Rạch nặn máu rái tai hai bên

- Bôi vôi dưới lòng bàn chân 2 bên…

Những việc làm trên gây mất thời gian không đáng có, làm chậm trễ đưa người bệnh tới cơ sở y tế, giảm cơ hội hồi phục của người bệnh. Hành động chích rạch, nặn máu là cực kỳ nguy hiểm. Nếu người bệnh nhồi máu não cấp đến viện trong giờ vàng sẽ được điều trị tái tưới máu bằng thuốc tiêu sợi huyết, điều này sẽ gây ra tình trạng chảy máu khó cầm, gây hại cho người bệnh.

NHƯ LOAN

Tin mới