Covid-19 không chỉ là hiểm họa, nó còn là cơ hội nếu doanh nghiệp biết nắm bắt
Điều 1: Covid-19 là cơ hội để doanh nghiệp nhìn lại sức khỏe của chính mình
Rất nhiều Chủ doanh nghiệp triển khai kinh doanh theo hướng ôm đồm, cái gì cũng làm, cái gì cũng tổ chức nhân sự để chạy theo thị hiếu. Khi Covid-19 xuất hiện, doanh nghiệp hãy nhìn lại đâu là mảng kinh doanh đem lại giá trị lớn, “khỏe mạnh” nhất của doanh nghiệp, đâu là mảng kinh doanh "sức khỏe yếu - dễ chết yểu" khi có biến động, từ đó cân đối lại dịch vụ kinh doanh của mình, mạnh dạn cắt bỏ những mảng yếu kém, tập trung củng cố những mảng vẫn ổn định giữa bão dịch.
Điều 2: Covid-19 là cơ hội để chọn lọc tấm lòng của nhân sự, kết nối tình thân với khách hàng
Con người vẫn là yếu tố cốt lõi cho mọi việc. Đối với khách hàng, hãy giữ trái tim của họ, đừng nhìn túi tiền của họ. Thay vì quyết tâm bán hàng mùa dịch thì hãy gửi một phần quà, nhắn thông tin cần thiết để phòng chống dịch, hỏi thăm chia sẻ về những khó khăn mùa dịch.
Đối với nhân viên, hãy giữ cho họ lửa và sự thông cảm, thấu hiểu, đồng hành với doanh nghiệp. Thay vì căng thẳng với tập thể vì áp lực chi phí, sụt giảm doanh số, hãy cùng họ ngồi với nhau 1 buổi ăn uống, tâm sự với nhau về tình hình chung, nhắn nhủ với họ cùng chia sẻ với công ty.
Điều 3: Hãy ý thức và thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng.
Hãy thể hiện tinh thần cộng đồng của doanh nghiệp bạn. Hãy tặng khẩu trang, nước rửa tay, tinh dầu tràm hoặc thu mua giá sỉ rồi bán giá gốc, giá tốt cho khách hàng. Đừng thể hiện doanh nghiệp của bạn đang chết vì Covid-19, hãy thể hiện doanh nghiệp của bạn đang đồng hành cùng khách hàng mùa Covid-19.
Doanh nghiệp nào sống được cùng khách hàng qua mùa Covid-19, doanh nghiệp đó sẽ vươn mình.
Nguyễn Ngọc Tài, nhà cố vấn hơn 11 năm kinh nghiệm cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước
Điều 4: Đẩy mạnh truyền thông thương hiệu thay vì đẩy mạnh doanh thu
Trong thời kỳ khủng hoảng, doanh thu trì trệ, khách hàng giảm sút. Doanh nghiệp thay vì đốt ngân sách, tìm mọi cách chốt sales, săn khách, v.v... thì hãy dùng 1 khoản ngân sách để làm các chiến dịch CSR, chiến dịch truyền thông thương hiệu.
Giai đoạn này, khách hàng không sẵn sàng bỏ tiền mua hàng, nhưng rất dư thời gian để xem 1 thông điệp hay, 1 clip ý nghĩa, 1 bài chia sẻ hướng dẫn kiến thức mà doanh nghiệp truyền tải. Trong bối cảnh tràn lan than thở thông tin Covid-19, doanh nghiệp của bạn nên đi ngược lại, tràn lan thông tin ý nghĩa, kiến thức giá trị cho thị trường.
Ví dụ, shop thời trang livestream hướng dẫn các trang phục cho mẹ và bé mùa Covid-19 thay vì live bán quần áo, quán ăn thay vì thu hút khách thì tặng kèm cho thực khách 1 vài món ăn, món uống tăng sức đề kháng mùa dịch... Đây là một cách làm khiến cho thương hiệu của bạn trở nên thân thiện, đồng cảm với khó khăn chung cùng khách hàng đấy.
Điều 5: Chuẩn bị sẵn sàng tâm lý và các phương án dự phòng
Trong cơn đại dịch, doanh nghiệp sẽ không thể lường hết được những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai. Vậy thì hãy chuẩn bị tâm lý thu nhỏ hoạt động doanh nghiệp, cắt giảm nhân sự và sụt giảm doanh thu. Chủ doanh nghiệp nên sẵn sàng cho tình huống khủng hoảng và chuẩn bị kiến thức tốt nhất, các mối nhân sự quan trọng để phòng trường hợp "xây lại".
Tuy nhiên, đừng lo lắng quá mức, đây là tình hình chung. Không riêng doanh nghiệp của bạn thụt lùi. Quan trọng là sau khủng hoảng này, nếu đứng vững, doanh nghiệp của bạn sẽ xác lập được một chỗ đứng vững vàng trên thương trường.
Điều 6: Thay vì bàn bạc cách đẩy số, kéo khách, hãy tập trung đào tạo năng lực, nghiệp vụ, tư duy nhân sự
Đây là thời điểm thị trường biến động, đừng khuôn khổ cả tập thể công ty vào áp lực doanh số nữa. Hãy tổ chức những buổi đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ, công việc, giúp cho đội ngũ nhân sự của doanh nghiệp cứng cáp hơn, không lãng phí thời gian rảnh và sẵn sàng làm việc hiệu quả khi hết dịch.
Chủ doanh nghiệp hãy tập trung những nhân sự, nhân tố cốt lõi, kèm cặp đào tạo chuyên sâu để họ cùng chủ doanh nghiệp dẫn dắt tập thể vượt qua mùa dịch, chuẩn bị cho các kế hoạch trở lại sau đại dịch.
Điều 7: Hãy nhớ, đừng chia hết lãi, luôn lập quỹ tiền dự phòng
Chủ doanh nghiệp thường có bao nhiêu lãi là rút về hoặc chia cổ đông hết, nên 1 lần nữa hãy nhớ bài học: Quỹ tích lũy, dự phòng rủi ro vì đó chính là liều vacxin hiệu quả nhất cho doanh nghiệp giữa tất cả các trận “hắt hơi” của thị trường trong nước và quốc tế hoặc những sự kiện bất khả kháng như đại dịch Covid-19 lần này.
Nguyễn Ngọc Tài chia sẻ kiến thức doanh nghiệp tại sự kiện hơn 3000 doanh nghiệp
Đối mặt với dịch bệnh, doanh nghiệp đừng tiêu cực, hãy bình tĩnh và nhìn vào thực trạng để đưa ra hành động phù hợp với doanh nghiệp của mình. Bài phỏng vấn doanh nhân Nguyễn Ngọc Tài hy vọng sẽ một phần nào đó giúp doanh nghiệp của bạn trụ vững và vượt qua trận cuồng phong mang tên Covid-19.