Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

7 điểm không phù hợp tại dự thảo nghị định kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu

(VTC News) -

Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng chỉ ra 7 điểm mà dự thảo Nghị định của Bộ Tài chính đưa ra không phù hợp thực tế, thậm chí trái với các luật hiện hành.

Chiều 26/11, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam tổ chức góp ý về dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm với hàng nhập khẩu (gọi tắt là dự thảo Nghị định) do Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) làm đầu mối xây dựng trình Chính phủ.

Theo dự thảo này, cơ quan kiểm tra được bộ quản lý ngành, lĩnh vực giao/chỉ định hoặc cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm theo phương thức kiểm tra chặt, thông thường. Cùng đó, cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng trừ phương tiện nhập khẩu, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm với hàng hóa nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm; sử dụng thông tin truy xuất nguồn gốc, thông tin về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm của cơ quan hải quan các nước để phân tích, đánh giá rủi ro của hàng hóa, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu.

Dự thảo Nghị định cũng nêu, kết quả kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm của cơ quan Hải quan là cơ sở để người khai hải quan thực hiện thủ tục hải quan...

PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam chỉ ra 7 điểm mà dự thảo Nghị định của Bộ Tài chính đưa ra không phù hợp thực tế, thậm chí trái với các luật hiện hành, cần phải điều chỉnh lại.

PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam chỉ ra 7 điểm mà dự thảo Nghị định của Bộ Tài chính đưa ra không phù hợp thực tế, thậm chí trái với các luật hiện hành, cần phải điều chỉnh lại.

Đầu tiên, kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm cần đội ngũ có chuyên môn, nghiệp vụ sâu về chuyên ngành để nắm được thành phần nguyên liệu, mức độ tinh khiết, độ ổn định về hàm lượng, tính chất suốt đời sống sản phẩm cũng như phải phân tích được các chất ô nhiễm, sự tác động của thực phẩm tới sức khỏe, bệnh tật. Cơ quan hải quan không thể quản lý và thực hiện được nội dung này.

Ông Đáng phân tích, cơ quan Hải quan không có hệ thống Labor đạt chuẩn ISO/IEC 17025; không đủ nhân viên kiểm nghiệm, nếu muốn thành lập mới phải tăng biên chế, đào tạo 4-5 năm, thực hành nhiều năm mới đủ năng lực...

Trong khi đó, hệ thống máy móc chuyên ngành như sắc ký khí, sắc ký lỏng, quang phổ hấp phụ nguyên tử… mới có thể kiểm nghiệm được các đối tượng phức tạp hiện nay như mầm bệnh, ký sinh trùng (Giardia, Toxoplasma, Anisakis, Prion…), hóa chất (khoảng 1.000 loại thường ô nhiễm vào thực phẩm), các chất gây bệnh ung thư và tác hại của chức năng cơ thể…

Vì vậy, theo ông Đáng, thực hiện được các nội dung trên chỉ có hệ thống y tế, hệ thống nông nghiệp.

Vấn đề thứ hai là phân tích nguy cơ (đánh giá nguy cơ, kiểm soát nguy cơ và truyền thông nguy cơ), vị chuyên gia cho hay, đánh giá nguy cơ bao gồm nhận diện xác định mối nguy, mô tả đặc điểm mối nguy, lượng giá sự phơi nhiễm và mô tả đặc điểm nguy cơ. “Thực hiện các nội dung này chỉ có ngành y tế và ngành nông nghiệp. Hải quan hoàn toàn không làm được”, ông Đáng nói và đề nghị 2 điểm nói trên không nên đề cập trong Nghị định này.

Về công bố hợp quy, công bố hợp chuẩn được đề cập trong luật tiêu chuẩn, quy chuẩn, luật an toàn thực phẩm và ngành y tế, ngành nông nghiệp đang thực hiện, PGS.TS Trần Đáng góp ý, đưa nội dung này vào Nghị định như dự thảo mà Tổng cục Hải quan xây dựng là bất hợp lý.

Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cũng chỉ ra một số nội dung của dự thảo Nghị định này còn trái với một số luật hiện hành, trong đó có Luật An toàn thực phẩm, Luật Chất lượng, Luật Thú y… Đặc biệt, Nghị định trái ngay với Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 của Thủ tướng.

Cụ thể, Quyết định số 38 chỉ giao Hải quan xây dựng Nghị định về kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu, tuy nhiên ngay tên dự thảo Nghị định này là “Quy định cơ chế quản lý…” đã sai với nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 38, vì quản lý ATTP bao gồm rất nhiều nội dung: Quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn; đăng ký công bố; kiểm nghiệm; ghi nhãn; quảng cáo; thanh tra, kiểm tra; điều kiện cơ sở sản xuất…

PGS.TS Trần Đáng thẳng thắn, nếu dự thảo Nghị định này được ban hành và thực hiện thì có thể gây ra một số nguy cơ, hậu quả như nguy cơ về các mầm bệnh gây bệnh ô nhiễm vào thực phẩm mà không kiểm soát được; thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng sẽ tràn vào nước ta, nhất là tràn vào qua biên giới…

Theo ông Trần Đáng, cơ quan Hải quan bản chất là cơ quan kiểm soát nhập lậu và đánh thuế. Ông đề nghị lực lượng chức năng cần có sự phân công công việc đúng bản chất của nghề nghiệp, tránh chồng chéo, phân công không đúng. Làm không đúng sẽ gây rối loạn xã hội, rối loạn kinh tế và đời sống nhân dân.

Việc biên soạn dự thảo Nghị định cần tuân thủ luật Ban hành văn bản quy pháp luật ngày 6/7/2015, đặc biệt điều 91 quy định trong khi soạn thảo nếu có sự thay đổi về nội dung so với các lần trước thì phải đăng tải lại, xin ý kiến lại. Bộ Tài chính không thực hiện như vậy.

Với những bất cập nêu trên, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các cơ quan hữu quan chưa thông qua Dự thảo Nghị định và đề nghị Bộ Tài chính chỉnh sửa để giải quyết những bất cập.

Thanh Hải

Tin mới