Trang All Pro Dad giới thiệu bảy bước khắc phục sai lầm trong nuôi dạy con.
1. Thừa nhận sai lầm
Phụ huynh thường cho rằng mọi quyết định, hành động là muốn tốt cho con, nhưng đôi khi người lớn cũng mắc sai lầm khi đưa ra phương pháp nuôi dạy chưa phù hợp. Nguyên nhân có thể đến từ khoảng cách thế hệ, bất đồng quan điểm hoặc ngoại cảnh tác động.
Điều đầu tiên phụ huynh nên làm là phân tích tính đúng, sai trong các cuộc tranh cãi với con và thừa nhận sai lầm do mình gây ra. Làm cha mẹ không phải tự nhiên thành công mà hành trình này cũng xuất hiện nhiều chướng ngại vật, khó khăn cần học hỏi. Nếu liên tục nhìn nhận vấn đề và sửa đổi, cha mẹ sẽ tìm ra phương pháp nuôi dạy phù hợp với từng đứa trẻ.
Ví dụ, vì nghĩ "muốn tốt cho con", bạn luôn ép buộc con làm theo ý mình, không lắng nghe ý kiến hoặc quan điểm của con. Đến một lúc nào đó, trẻ có thể cãi lại bạn và hai bên rơi vào chiến tranh lạnh. Xét trong tình huống này, phụ huynh đang mắc sai lầm là quản lý quá chặt khiến con bị căng thẳng, lo âu quá mức.
2. Xác định nguyên nhân
Khi đã nhận ra sai lầm đến từ phía mình, phụ huynh nên đào sâu xác định nguyên do. Câu trả lời chung chung "vì muốn tốt cho con" chưa thật sự chuẩn xác. Bạn cần tìm ra đáp án rõ ràng hơn để từ đó tránh lặp lại sai lầm trong tương lai.
Chẳng hạn trong tình huống trên, bạn quản lý con có thể vì muốn giữ con được an toàn khỏi cám dỗ của xã hội, muốn con chuyên tâm vào học hành, từ đó vào được ngôi trường danh tiếng. Những mong muốn này là đúng, nhưng phương pháp nuôi dạy của bạn chưa chuẩn xác khiến trẻ cảm thấy ngột ngạt.
3. Xin lỗi trẻ
Nhiều phụ huynh e ngại khi phải nói lời xin lỗi con khi làm sai và thường im lặng để vấn đề tự trôi qua. Nhưng giống như lời cảm ơn, câu xin lỗi thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ của cha mẹ đối với nỗi buồn, tổn thương của trẻ. Xin lỗi còn là hành động thể hiện sự khiêm tốn, tự nhận khuyết điểm về mình.
Cha mẹ xin lỗi con không chỉ để giải quyết mâu thuẫn giữa hai bên mà còn giúp con học được bài học ý nghĩa về văn hóa giao tiếp.
4. Thảo luận
Chưa dừng ở xin lỗi, bạn nên tiếp tục thảo luận về vấn đề gây tranh cãi giữa hai người. Thời điểm sau khi nói lời xin lỗi là cơ hội để trò chuyện và lắng nghe. Bạn có thể hỏi hành động của bạn gây ảnh hưởng như thế nào đến con, bé cảm thấy ra sao, đồng thời cởi mở chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của bạn.
Bằng cách kể và lắng nghe, bạn sẽ hiểu rõ hơn suy nghĩ và cảm xúc của con. Dù vốn từ vựng của trẻ có thể chưa dồi dào như người lớn nhưng thông qua trò chuyện, bạn sẽ ngạc nhiên với những tâm tư thầm kín của trẻ.
(Ảnh: Shutterstock)
5. Học hỏi
Sau khi cha mẹ và con cái đã hiểu rõ vấn đề, bước tiếp theo là tháo gỡ khúc mắc bởi việc xin lỗi là chưa đủ. Nếu chưa tìm được hướng giải quyết, trong tương lai, bạn vẫn có thể lặp lại những hành động gây tổn thương đến trẻ. Nhưng ở những lần tiếp theo, trẻ sẽ không trân trọng những lời xin lỗi của bạn nữa.
Bạn có thể khuyến khích con đưa ra các biện pháp giải quyết vấn đề. Hướng giải quyết của các bé không phải lúc nào cũng đúng nhưng đây là cơ hội để giảng dạy cho con hiểu về phương pháp nuôi dạy của bạn, tìm ra tiếng nói chung giữa hai bên.
6. Hành động
Khi bạn và con đã hiểu rõ nhau hơn, hãy biến các giải pháp thành hành động. Trong tình huống tương tự, thay vì làm theo thói quen, bạn hãy lấy lại bình tĩnh, nghĩ về những hướng giải quyết đã thảo luận cùng con và thử áp dụng nó.
Ví dụ, trẻ cảm thấy buồn khi làm sai và bạn liên tục trách móc nặng lời thay vì ôn tồn giải thích. Lần tới nếu con mắc lỗi, bạn hãy kiềm chế sự tức giận của bản thân, nhẹ giọng nói về cái sai và khuyến khích bé thay đổi.
Nếu hướng giải quyết không hiệu quả, bạn và con hãy cùng thảo luận các phương án khác nhằm đảm bảo trẻ được phát triển theo hướng tích cực.
7. Tiến lên
Những phương pháp nuôi dạy chưa đúng hướng có thể là "dằm trong tim" phụ huynh. Nhiều người tự trách mình khi gây tổn thương cho con dẫu đã sửa chữa kịp thời. Đừng để cảm giác tội lỗi ghìm chân bạn trong hành trình nuôi dạy con.