Báo cáo tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra sáng nay 9/5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, đa số các doanh nghiệp đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ khi đã kịp thời đưa ra các giải pháp hỗ trợ để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. 88% doanh nghiệp đánh giá các nhóm giải pháp Chính phủ ban hành vừa qua theo Chỉ thị số 11/CT-TTg là phù hợp.
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát gần 130.000 doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê thực hiện vào tháng 4 (từ ngày 10/4 đến 22/4), mới chỉ có 2,9% số doanh nghiệp chính thức nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách; 21,2% doanh nghiệp đã biết tới chỉ thị và đã được hướng dẫn nhưng chưa tiến hành thực hiện; 64,6% doanh nghiệp đã biết tới các chính sách hỗ trợ nhưng chưa biết đầu mối để tiếp cận; 11,4% doanh nghiệp chưa biết tới các chính sách này.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Internet)
Ngoài ra, dù các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ ban hành vừa qua được đánh giá là phù hợp với kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp nhưng theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, quá trình thực thi các giải pháp hỗ trợ còn khá nhiều hạn chế, bất cập.
Trong đó, thủ tục hành chính rườm rà, quy trình phức tạp, tiến độ thực hiện chậm, thái độ và tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ thực thi chính sách chưa thực sự mang tính hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Một số nơi còn hiểu chưa đầy đủ và áp dụng cứng nhắc các quy định, biện pháp về phòng, chống dịch bệnh, gây khó khăn cho việc sản xuất, kinh doanh, lưu chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Nền kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới hầu hết các ngành, các nhóm doanh nghiệp. Tuy nhiên, phạm vi áp dụng của các giải pháp chỉ đang tập trung vào một số ngành trọng điểm. Nhiều doanh nghiệp thực tế bị ảnh hưởng lớn bởi tác động của dịch COVID-19 nhưng không được nhận hỗ trợ do không thuộc những nhóm ngành được hỗ trợ đã liệt kê trong giải pháp.
Các kênh truyền thông và kênh hướng dẫn thực hiện cho các chính sách hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả, kịp thời như mong đợi khiến cho nhiều doanh nghiệp vẫn đang loay hoay tìm hướng tiếp cận đầu mối chính sách và cách thức thực hiện.
Điểm đáng lưu ý nhất trong quá trình trao đổi và tiếp nhận các ý kiến của doanh nghiệp là có nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị: Chính phủ thực hiện triệt để việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đảm bảo việc hiểu và thực hiện đúng các quy định, chính sách của đội ngũ cán bộ thực thi chính sách, không gây khó khăn, sách nhiễu cho doanh nghiệp. Đây chính là việc mà doanh nghiệp mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền hơn là các hỗ trợ bằng tiền từ phía Nhà nước.
Cũng theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, khoảng 86% doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19. Các doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì tỷ lệ chịu tác động tiêu cực từ dịch càng cao.
Trong đó, gần 58% doanh nghiệp bị giảm mạnh về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong số các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, tỷ lệ doanh nghiệp không xuất khẩu được hàng hóa lên tới 56,9%, trong đó doanh nghiệp có quy mô lớn và vừa không xuất khẩu được hàng hóa chiếm 46,2.
Tỷ lệ này thấp hơn ở nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, với tỷ lệ lần lượt là 40,7% và 28%.
Doanh thu quý I năm 2020 của các doanh nghiệp giảm mạnh xuống còn 74,1% so với cùng kỳ năm trước và dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 sẽ tiếp tục giảm xuống còn gần 70% cùng kỳ năm 2019. Mặc dù doanh thu bị giảm mạnh so với kế hoạch đề ra, các doanh nghiệp vẫn phải gánh chịu các khoản chi phí hàng ngày như chi trả lương và các khoản chi phí liên quan cho người lao động, chi phí lãi vay, thuê mặt bằng,...
Theo quy mô, doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ là hai nhóm có sự sụt giảm doanh thu mạnh nhất. Dự kiến doanh thu quý I năm 2020 so với cùng kỳ năm trước của hai nhóm doanh nghiệp này chỉ đạt 59,9% và 61,4%; nhóm ngành đại lý du lịch, giáo dục và đào tạo, lưu trú, ăn uống và hàng không đều đang phải trải qua giai đoạn khó khăn khi doanh thu dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019, chỉ còn lần lượt là 44%; 47,6%; 56%; 59,7% và 76,5%.