PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng các cộng sự vừa hoàn thành nghiên cứu về quấy rối tình dục trong học đường và nhận thức của học sinh THPT về vấn đề này.
Khảo sát được thực hiện với 400 học sinh thuộc các khối 10 và 11 đang học tại hai trường tại Hà Nội và Nam Định. Trong đó, ở mỗi địa phương nhóm nghiên cứu chọn 200 học sinh, trong đó 10 học sinh lớp 10 và 10 học sinh lớp 11. Tỷ lệ nam nữ được lựa chọn là 160 nam (chiếm 40%) và 240 nữ (chiếm 60%).
Học sinh khối 10 và 11 được lựa chọn vì đây là độ tuổi có tỷ lệ quan tâm cao đến các vấn đề giới tính, tình bạn, tình yêu và tình dục. Khảo sát đưa ra những câu hỏi tìm hiểu khả năng nhận diện tình huống quấy rối tính dục; quan niệm của học sinh THPT về vấn đề này và thực trạng quấy rối tình dục tại trường học.
Kết quả, đa số học sinh có quan điểm quấy rối tình dục là vi phạm pháp luật nhưng lại chưa biết đầy đủ các tiêu chí và biểu hiện hành vi quấy rối tình dục trực tiếp và gián tiếp. Việc gửi tin nhắn tán gẫu về đời sống tình dục của người khác cũng bị coi là một hành vi quấy rối tình dục.
Khảo sát cũng cho thấy, 63% học sinh chắc chắn rằng hành vi quấy rối tình dục đã xảy ra trong trường học; 91,5% học sinh chắc chắn đã chứng kiến, hoặc đã là mục tiêu của quấy rối tình dục trên thực tế. 93,5% học sinh chắc chắn đã chứng kiến, gây ra hoặc từng là mục tiêu của quấy rối tình dục trên mạng, hoặc thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
Căn cứ các phương án trả lời của học sinh từng trải qua hoặc chứng kiến quấy rối tình dục học đường, hành vi quấy rối tình dục thường xảy ra nhiều nhất trên sân trường, ngoài giờ học; tiếp theo là trong các phòng tập thể dục, phòng chờ, hồ bơi hoặc những nơi kín đáo khác trong trường.
Ông Nam cho rằng hiện chưa có văn bản nào ở các nhà trường được điều tra cùng những hạn chế, sai lệch trong nhận thức của học sinh về quay rối tình dục học đường.
Vì vậy, nhà trường cần nghiên cứu đưa vào trong nội dung giảng dạy chính khóa các nội dung về quấy rối tình dục như một chuyên đề độc lập hoặc tích hợp các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giúp học sinh hiểu về mức độ phổ biến và tính chất nghiêm trọng của hành động quấy rối tình dục học đường, thay đổi nhận thức, và cung cấp các kỹ năng cơ bản cho học sinh.
Ngoài ra, từng nhà trường cũng cần nghiên cứu và bổ sung một số nội dung về phòng chống quấy rối tình dục học đường vào nội quy của trường hoặc một bộ quy tắc riêng, trong đó có định nghĩa và minh họa hành vi quấy rối tình dục; những hướng dẫn cho nạn nhân, thủ tục khiếu nại, các hình thức kỷ luật...
Đồng thời, các trường cần thiết lập các hệ thống giám sát phòng chống quấy rối tình dục và quán triệt cho cán bộ công nhân viên trong trường. Nhà trường cũng cần thông báo công khai các điện thoại, địa chỉ liên lạc của những cán bộ chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề này trong trường.
Nhà trường cần phổ biến nội dung về phòng chống quấy rối tình dục học đường cho các bậc phụ huynh để cùng phối hợp trong giáo dục và giám sát phòng chống quấy rối tình dục cho các em.